Giáo dục phòng chống HIV/AIDS trong trường nghề

Giáo dục phòng chống HIV/AIDS trong trường nghề

(GD&TĐ)-Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Chương trình hoạt động ngoại khóa về giáo dục phòng, chống HIV/AIDS và sức khỏe thanh niên trong các cơ sở dạy nghề giai đoạn 2011- 2015 với các đối tượng là học sinh, sinh viên; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của cơ sở dạy nghề ; giáo viên, giảng viên dạy nghề; cán bộ quản lý dạy nghề của cơ sở dạy nghề và sinh viên khoa sư phạm thuộc các trường CĐ nghề.

Giáo dục phòng chống HIV/AIDS trong trường nghề ảnh 1

Chương trình gồm 6 phần: HIV/AIDS; Sức khoẻ thanh niên; Giới; Các mối quan hệ; Bạo lực và các chất gây nghiện.

Tổng cục Dạy nghề cho biết sẽ có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc thực hiện chương trình này trong kế hoạch hàng năm gửi xuống các cơ sở dạy nghề, trong đó có các phương án khác nhau mà các cơ sở dạy nghề có thể lựa chọn thực hiện cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của cơ sở mình.

Tài liệu dành cho giảng viên, giáo viên để thực hiện chương trình này trong các cơ sở dạy nghề được biên soạn gồm 2 phần lý thuyết và thực hành. Những hoạt động và chủ đề sinh hoạt ngoại khóa cụ thể được xây dựng và thiết kế sát với các loại hình đào tạo nghề hiện nay như cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề.

Cấu trúc các buổi sinh hoạt ngoại khóa được xây dựng gồm trò chơi khởi động, kiến thức cơ bản, hoạt động theo chủ đề, thảo luận nhóm, suy nghĩ cá nhân để thảo luận. Phần ôn lại bài cũ, khởi động và kiến thức cơ bản sẽ được viết trong phần “lý thuyết”, các phần còn lại sẽ viết trong phần “thực hành”. Trình tự và thời lượng của các phần có thể khác nhau đối với mỗi chủ đề, song nên thực hiện tất cả các phần để chủ đề sinh hoạt thực sự giàu kiến thức, sôi động, thu hút, đáp ứng mong đợi hay quan điểm của nhóm, cá nhân.  

Có thể giao cho học sinh, sinh viên chia sẻ lại những thông tin với các bạn khác nhằm mở rộng kiến thức với mọi học sinh, sinh viên, đồng thời tạo nên môi trường khuyến khích thực hiện hành vi có lợi cho sức khỏe thanh niên.

Trong tất cả các buổi sinh hoạt ngoại khóa, phương pháp học tập hay giảng dạy đều lấy người tham gia làm trung tâm và có tính tương tác tùy thuộc vào không gian cho phép. 

Được biết, hiện cả nước có 121 trường CĐ nghề, 301 trường trung cấp nghề, 864 trung tâm dạy nghề và hàng ngàn các cơ sở giáo dục có tổ chức dạy nghề. Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em triển khai thí điểm các hoạt động ngoại khóa hướng tới giáo dục phòng, chống HIV/AIDS, giảm thiểu các hành vi nguy cơ tại 20 cơ sở dạy nghề trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố, trong khuôn khổ hợp phần dự án “Phòng, tránh lây truyền HIV trong nam học sinh, sinh viên tại các trường dạy nghề”. Ngay sau năm đầu tiên thực hiện thí điểm, chương trình đã có tác động rõ rệt đến kiến thức, thái độ, kĩ năng và hành vi của các học sinh sinh viên trong phòng chống HIV/AIDS và sức khỏe thanh niên.

Lập Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ