Người khơi nguồn đổi mới sáng tạo:

Giáo dục phát triển, đất nước mới phồn vinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nét đẹp văn hóa truyền thống “tôn sư trọng đạo” luôn được kế thừa và phát huy...

Lớp học của Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh: NTCC
Lớp học của Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh: NTCC

Theo GS.TSKH Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, 40 năm qua, đội ngũ nhà giáo ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng giáo dục không ngừng tăng lên. Trong dòng chảy ấy, nét đẹp văn hóa truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn được kế thừa và phát huy.

Kỷ niệm khó phai

Nước ta có truyền thống hiếu học và “tôn sư trọng đạo”. Đó là nét đẹp văn hóa, luôn được kế thừa và phát huy, lưu truyền qua các thế hệ. Năm 1992, tôi được mời sang làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ tại New York. Có người hỏi tôi, vì sao nước ông nghèo mà giáo dục lại có những kết quả tốt như vậy? Tôi trả lời, truyền thống giáo dục Việt Nam đã cứu nền giáo dục Việt Nam. Câu trả lời của tôi được cả hội trường vỗ tay, hoan nghênh. - GS.TSKH Phạm Minh Hạc

- Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa Giáo sư?

- Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, dù đất nước đã thống nhất nhưng đời sống còn rất khó khăn. Ngành Giáo dục cũng trong tình cảnh chung đó. Trong hoàn cảnh ấy, các đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT (ngày ấy còn là Bộ Giáo dục) luôn trăn trở, làm sao để động viên những người làm giáo dục vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thể theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của các tổ chức gồm: Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ngày 26/9/1982 Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành Quyết định số 167/HĐBT, lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là sự kiện, dốc mốc lịch sử quan trọng của ngành Giáo dục.

GS.TSKH Phạm Minh Hạc.

GS.TSKH Phạm Minh Hạc.

- Trong suốt 40 năm qua, Giáo sư có những kỷ niệm nào đáng nhớ về ngày 20/11?

- Tôi có vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng giao chắp bút viết bài diễn văn về Ngày Nhà giáo Việt Nam dịp 20/11/1984. Đúng ngày 20/11, Hội đồng Bộ trưởng có tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Hội trường Ba Đình. Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao cho tôi đọc bài diễn văn đó. Bài viết nêu lên tính chất của nhà trường phổ thông.

Theo đó, trường phổ thông không chỉ dạy văn hóa, kiến thức mà còn dạy chữ, dạy người và đi liền với hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh. Nhà trường phải tổ chức thành nhà trường tử tế; thầy ra thầy, trò ra trò. Với tôi, đó là kỷ niệm đẹp không thể phai mờ.

Ngày nay, ngày 20/11 có sức lan tỏa sâu rộng, trở thành ngày hội của những người làm giáo dục nói riêng và cả xã hội nói chung. Đây là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng tri ân với thầy, cô giáo của mình. Đồng thời là dịp để xã hội tôn vinh đội ngũ nhà giáo. Đó cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

- Trong không khí cả nước tôn vinh nhà giáo, Giáo sư có thể chia sẻ về những người thầy đáng kính của mình?

- Hiện, hầu hết các thầy giáo thời phổ thông của tôi đã mất. Trước đây, khi còn khỏe, thỉnh thoảng tôi cũng đến thăm các thầy. Những năm gần đây, do tuổi cao, sức khỏe không tốt nên tôi chỉ gửi thư chúc mừng hoặc gọi điện thăm hỏi. Tôi vẫn nhớ như in về hình ảnh giản dị, đáng kính của các thầy giáo trong thời kháng chiến chống Pháp. Với bộ quần áo nâu, đôi dép cao su, các thầy lên lớp miệt mài dạy từng con chữ cho chúng tôi. Chúng tôi luôn ghi nhớ, biết ơn và kính trọng các thầy - những người đã cho chúng tôi kiến thức để trưởng thành, là người có ích cho xã hội; trên hết là được kế tục sự nghiệp “trồng người” của các thầy.

Lớp học của Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh: NTCC

Lớp học của Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh: NTCC

Không có thầy giáo thì không có giáo dục

- Giáo sư nhìn nhận như thế nào về sự phát triển giáo dục, đào tạo của nước nhà?

- Tôi quan niệm rằng, đã là giáo dục thì phải là giáo dục nhân dân. Tức là, mọi người đều được đi học, đều được cắp sách đến trường. Đó là quyền của mỗi công dân Việt Nam. Còn nhớ, năm 1945, 1946, cả nước có khoảng 5% người dân biết chữ. Số người học hết tú tài rất ít. Nay con số này đã phát triển lên gấp nhiều lần. Tính đến tháng 9/2022, cả nước có trên 23 triệu học sinh và trên 1,2 triệu giáo viên.

Ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên từ nay đến năm 2026 cần phải bù đắp, bổ sung là 107.000 giáo viên. Con số có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc. Con số này cần tính toán để đảm bảo vừa duy trì hoạt động dạy - học bình thường và hơn thế. Ngoài ra, con số này cũng tính toán để thực hiện các mục tiêu đổi mới, mục tiêu nâng cao chất lượng. Ngoài ra, theo thống kê của các địa phương trên Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và đào tạo, cả nước có 12.165 trường mầm non công lập. Hiện có 145.417 nhóm/lớp và 138.822 phòng chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Tỷ lệ trung bình phòng/nhóm, lớp là 0,95. Tổng số điểm trường là 24.074, trung bình có 2,5 điểm trường/trường; quy mô trung bình của một cơ sở giáo dục mầm non là 11,9 lớp, nhóm lớp/trường.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 25% (năm 2018) lên trên 31% (năm 2021). Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư cũng tăng dần đều hằng năm (tỷ lệ giáo sư tăng thêm 0,5%/năm; phó giáo sư tăng thêm 5 - 6%/năm).

Từ năm 1945 đến nay, dù trải qua không ít khó khăn nhưng chúng ta đã cơ bản giải quyết được nhiều vấn đề về giáo dục. Chúng ta đã phát triển cả về chất và lượng, từ bậc mầm non cho đến đại học. Nhiều học sinh Việt Nam đoạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam có 38 học sinh tham dự các cuộc thi Olympic khu vực, quốc tế. Tất cả đều được nhận huy chương, bằng khen (13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen). Chúng ta có 6 trường đại học trong bảng xếp hạng đại học thế giới.

Có thể nói, sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước ta ngày càng lớn mạnh. Đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Qua đó góp phần trực tiếp vào phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tôi vẫn tâm niệm giáo dục cũng là động lực của phát triển kinh tế - xã hội, là năng lực nội sinh nâng cao trình độ dân trí, khoa học và công nghệ của đất nước.

- Vậy điều gì khiến Giáo sư trăn trở nhất?

- Tôi vẫn trăn trở khi nhiều nơi còn thiếu trường lớp. Một số địa phương sĩ số học sinh lên đến 60 em/lớp. Cần nhấn mạnh rằng, giáo viên là yếu tố quan trọng của đổi mới giáo dục. Song nhiều địa phương còn thiếu giáo viên khiến việc dạy - học của thầy - trò gặp khó khăn. Nhân đây, tôi đề nghị Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm đến đời sống của giáo viên, nhất là với thầy, cô giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôi được biết, nhiều ngành khác, cán bộ công chức, viên chức có lương và phụ cấp rất cao. Riêng với giáo viên thì còn eo hẹp. Thực tế cho thấy, có giáo viên mới ra trường, thu nhập hơn 3 triệu/tháng. Vậy làm sao để đời sống của nhà giáo được cải thiện. Làm sao để thầy cô sống được bằng lương từ nghề dạy học của mình?

Tôi cho rằng, cần xem xét lao động đặc thù của đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện tốt nhất để thầy, cô giáo tận tâm, tận hiến với sự nghiệp trồng người. Giáo dục có phát triển thì đất nước mới phồn vinh. Giáo dục có phát triển thì đất nước mới văn minh, hiện đại. Tôi muốn nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại ý là: Nhiệm vụ của giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu.

- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục về đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, tính đến tháng 9/2022, cả nước có 1.227.000 giáo viên. Trong đó, số giáo viên làm việc trong các cơ sở công lập là trên 1 triệu người, ngoài công lập là hơn 135 nghìn. Tính đến đầu năm học 2021 - 2022, tỉ lệ giáo viên toàn quốc từ mầm non đến THPT đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 lần lượt là: 82%; 75,3%; 86,4%; 99,9%.

Về quy mô phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nếu lấy mốc thời gian từ tháng 9/2015 (khi bắt đầu năm học 2015 - 2016) thì tổng số học sinh là trên 19 triệu em. Đến tháng 9/2022 thì số học sinh là trên 23 triệu. Trong khi đó, tại tháng 9/2015, số giáo viên bậc mầm non đến phổ thông là 1.156.000 người. Đến thời điểm tháng 9/2022, cả nước có 1.227.000 giáo viên. Như vậy, số giáo viên chỉ nhích thêm khoảng 71.000 người, trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu.

Đối với giáo dục tiểu học, cả nước có 12.527 trường tiểu học công lập, với 278.312 lớp và 267.107 phòng học. Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,96. Tổng số điểm trường là 13.408. Trung bình có 1,9 điểm trường/trường. Quy mô trung bình của một cơ sở giáo dục tiểu học là 22,2 lớp/trường. Tổng số trường THCS công lập là 8.798 trường. Tổng số lớp là 154.764 lớp và 133.924 phòng học. Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,87. Quy mô trung bình của một cơ sở giáo dục THCS là 17,5 lớp/trường.

Với giáo dục THPT là 2.102 trường công lập. Tổng số lớp là 62.495 lớp và 58.069 phòng học. Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,93. Quy mô trung bình của một cơ sở giáo dục THPT là 29,7 lớp/trường. Đối với giáo dục đại học, cả nước hiện có 242 trường đại học, học viện, trong đó có 176 đơn vị công lập và 66 trường ngoài công lập. Số giảng viên cơ hữu là 76.576. Trong đó có 58.338 giảng viên trường công lập và 18.238 giảng viên ngoài công lập.

Cả nước có 578 giáo sư (443 công lập, 135 ngoài công lập) và 4.635 phó giáo sư (3.933 công lập, 702 ngoài công lập). Về trình độ đào tạo, thống kê đến năm học 2021 – 2022, cả nước có 23.956 tiến sĩ, 46.062 thạc sĩ, đại học là 5.890 và trình độ khác là 668. Số liệu trên không bao gồm các trường đại học, học viện thuộc khối an ninh, Quốc phòng. Hiện nay, Bộ GD&ĐT quản lý 43 đơn vị, 3 đại học vùng, 67 pháp nhân. Bộ quản lý trực tiếp 43 đơn vị, 3 đại học vùng, với 25.000 giảng viên bằng 34,1% số giảng viên cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.