Giáo dục nở hoa trên vùng đất khó

Giáo dục nở hoa trên vùng đất khó

(GD&TĐ) - Mỗi lần tới Quảng Trị- vùng đất đẫm máu xương và nặng nghĩa ân tình với nhân dân cả nước, tôi lại nhớ tới câu thơ của thi sĩ, nhà giáo anh hùng Ca Lê Hiến: “ Mỗi mảnh đất dưới chân người ngã xuống/ nở rộ những bông hoa thơm ngát tình đời”. Truyền thống anh dũng của Quảng Trị qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu quốc của dân tộc phải chăng đã hun đúc mạnh mẽ tình yêu thương, tự hào về quê hương đất nước để thế hệ hôm nay tiếp tục làm nên nhiều thành tựu; trong đó, không thể không kể đến thành tựu đổi mới diện mạo của giáo dục.  

Bất cứ ai đến với những ngôi trường phổ thông ở Quảng Trị, hẳn sẽ phải ngạc nhiên trước quang cảnh “ Trường ra trường, lớp ra lớp” ở nơi đây. Ở mảnh đất còn chưa phai mờ dấu tích của chiến tranh, đói nghèo, hạn hạn, lũ lụt này, vẫn giàu có sự học và dường như mọi sự ưu ái được dành cho giáo dục. Nhớ lại những ngày đầu tái lập tỉnh, đời sống nhân dân còn khó khăn, thiếu thốn; cơ sở hạ tầng còn nghèo, lạc hậu; mặt bằng dân trí còn hạn chế. Sự nghiệp GD đối diện với muôn vàn khó khăn: Quy mô nhỏ, bất cập, tỷ lệ học sinh huy động đến trường còn ít, đội ngũ giáo viên thiếu và không đồng bộ, chất lượng giáo dục còn thấp, vậy mà nay, tất cả đã đổi thay, với một bước tiến khá xa. 

Ngày hội Văn hóa dân gian tại Trường THPT Chế Lan Viên ( Quảng Trị)
Ngày hội Văn hóa dân gian tại Trường THPT Chế Lan Viên ( Quảng Trị)

Thành quả đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được từ GD Quảng Trị, đó là sự thống nhất cao trong ý chí và hành động của đội ngũ. Điều này quả là không đơn giản, đòi hỏi cấp lãnh đạo, quản lý GD phải có năng lực chỉ đạo đúng hướng, biết hoạch định, xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp có tính đột phá. Một trong những giải pháp đầy tính sáng tạo tạo ra bước chuyển biến có tính đột phá của giáo dục Quảng Trị là việc lựa chọn điểm nhấn hàng năm để tập trung chỉ đạo.

Năm học 2011, năm khởi đầu của thế kỷ mới, Quảng Trị đã xác định và lựa chọn điểm Nhấn với chủ đề: Năm giáo dục 2011. Đây là năm giáo dục Quảng Trị tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ toàn diện về GD và để lại bài học kinh nghiệm quý báu về việc lựa chọn đúng vấn đề then chốt để tập trung chỉ đạo, tạo bước chuyển biến có tính đột phá để phát triển. 

Năm học 2009-2010, trong quá trình chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Sở GD-ĐT chọn điểm Quảng Trị đã chọn điểm nhấn là “Đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch”. 100% các đơn vị, trường học hưởng ứng tham gia thực hiện điểm nhấn của ngành. Bộ mặt các trường học có sự thay đổi rõ rệt, quang cảnh Xanh- Sạch- Đẹp- An toàn nhiều hơn. Với hơn 400 công trình vệ sinh, nước sạch được xây dựng mới trong năm học, các nhà trường đã tạo bước thay đổi có tính đột phá quan trọng và cần thiết theo tiêu chí quy định. Năm 2010-2011, Sở GD-ĐT chọn điểm nhấn “Đề cao trách nhiệm của người thầy trong kiểm tra và chấm điểm”.

Đây là vấn đề quan trọng nhằm thực hiện tốt CVĐ “ Hai không” của ngành. Đối với CBQL GD, tăng cường công tác chỉ đạo việc đổi mới ra đề kiểm tra, công tác coi thi, chấm thi, trả bài, thanh tra; tăng cường vai trò của tổ chuyên môn và CBQL chuyên môn ở các trường trong quá trình thực hiện. Đối với GV: thực hiện đổi mới khâu đánh giá chất lượng GD, từ khâu ra đề với yêu cầu bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học, từng khối lớp đến tổ chức coi thi, chấm thi, chữa, trả bài nghiêm túc, hiệu quả; từ đó xác lập và tăng cường kỷ cương, nề nếp, tạo bước chuyển biến tích cực theo đánh giá đúng kết quả và rèn luyện của HS để có được chất lượng GD thực chất. 

Năm học 2011-2012, các cấp học, ngành học triển khai thực hiện điểm nhấn của Sở GD-ĐT “ Bảo quản tốt và sử dụng thiết bị dạy –học”. Toàn ngành đã chỉ đạo tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản về thiết bị dạy học của Bộ GD-ĐT nhằm nêu cao ý thức, trách nhiệm của CBGV trong công tác bảo quản và sử dụng thiết bị.

Các đơn vị, trường học đã triển khai thực hiện nghiêm túc từ việc thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, giải pháp về bảo quản thiết bị; quy định về nội dung sử dụng thiết bị, hoàn thiện hồ sơ bảo quản và sử dụng ở các trường. Các quy định được niêm yết công khai giúp các tổ chuyên môn, cán bộ thiết bị thuận lợi trong thực hiện.

Việc kiểm kê, bảo hành, bảo dưỡng, thanh lý thiết bị được quy định cụ thể. Các trường đã chú trọng mua sắm tủ, giá bảo quản thiết bị, phòng đựng thiết bị được sắp xếp khoa học, đủ ánh sáng và đảm bảo vệ sinh, thuận lợi trong sử dụng. Hầu hết các nhà trường đã chú trọng công khai danh mục thiết bị, các tiết thực hành, thí nghiệm; quy trình đăng ký mượn thiết bị, sử dụng phòng thực hành. Nhiều đơn vị đã bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp phụ trách công tác thiết bị; sự phối hợp giữa công tác thiết bị và GV bộ môn chặt chẽ nên việc khai thác thiết bị hiệu quả hơn.

Việc đa dạng hóa huy động nguồn lực từ ngân sách, hội cha mẹ học sinh, các chương trình, dự án,…để mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học cũng được nhiều đơn vị thực hiện. Trong năm học, Sở đã kiểm tra và công nhận 44 phòng học bộ môn và phòng thực hành-thí nghiệm đạt chuẩn. Các Phòng Giáo dục và các đơn vị trực thuộc đã huy động được 27,837 triệu đồng để mua sắm phương tiện bảo quản và thiết bị dạy học. Sở GD&ĐT đã đầu tư 13,5 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, đồ chơi phục vụ cho dạy và học. Phong trào tự làm đồ dùng thiết bị dạy học có bước phát triển khá, toàn ngành đã tự làm được 29.674 TBDH. Sở đã tổ chức thành công Hội thi thiết bị dạy học tự làm cấp tỉnh. Hội thi có 9/9 phòng GD-ĐT, 31/32 trường THPT, 8/10 Trung tâm GDTX, 9/10 Trung tâm KTTH-HN tham gia với 405 thiết bị dạy học tự làm.

df
 Một giờ học phát huy tính tích cực của học sinh tại Trường THPT Quảng Trị.

Việc triển khai các điểm nhấn của GD Quảng Trị đã khẳng định đúng vấn đề cần tập trung chỉ đạo là cần thiết, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và phát triển vững chắc sự nghiệp GD&ĐT theo hướng Chuẩn hóa-hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Điều này không chỉ nằm trên giấy bút mà còn qua minh chứng cụ thể ở những ngôi trường trên vùng đất cách mạng và hiếu học.

 Nằm đối diện với Thành cổ Quảng Trị, Trường THPT Quảng Trị được nhiều người dân thị xã biết đến như là một hình mẫu của GD toàn diện: học sinh ngoan, nề nếp; giáo viên tâm huyết và trách nhiệm; ban giám hiệu vững năng lực. Ngôi trường chưa hẳn bề thế, nhưng rợp bóng cây xanh mát và sạch sẽ, ngăn nắp từ ngoài vào trong. Với một đội ngũ tới 26 GV giỏi cấp tỉnh, thì việc đổi mới PP dạy và học để nâng cao chất lượng của Trường THPT Quảng Trị không mấy khó khăn, để nhà trường có thể vượt lên tốp đầu giáo dục trung học phổ thông của tỉnh.

Không chỉ những ngôi trường đã tạo dựng được thương hiệu lâu năm về chất lượng, ở Quảng Trị, ngay cả những trường mới được thành lập cũng nhanh chóng bắt nhịp vào quỹ đạo của chất lượng. Điển hình như Trường THPT Chế Lan Viên. Từ mảnh đất giấu trong lòng sự cỗi cằn, sỏi đá, đã mọc lên những hàng cây xanh non ngay hàng, thẳng lối, hứa hẹn những bóng râm xanh mát. Dù còn đang trong giai đoạn một được đầu tư, xây dựng, CSVC còn thiếu thốn, nhưng nhà trường cũng đã có được 3 phòng chức năng và thư viện phục vụ cho dạy và học.

Đáng ghi nhận hơn cả là năm học vừa qua, nhà trường tham gia đầy đủ các hội thi học sinh giỏi, thi đồ dùng dạy học cấp tỉnh và đạt được một số giải cao. Có lẽ ít có nơi nào đạt được độ khoa học, công tâm và sắc bén trong đầu tư cho đội ngũ như ngành GD Quảng Trị. Trong khi ở nhiều địa phương khác, những lãnh đạo, CBQL giỏi thường tập trung ở những ngôi trường lâu năm, ở thị xã, thành phố thì ở Quảng Trị, bất cứ địa bàn nào, kể cả những trường vùng quê nghèo, vùng núi cao cũng vẫn có được mặt bằng đội ngũ đáng nể.

Lần đầu tiên đi thực tế nơi đây, bất chợt tới thăm 2 ngôi trường THPT Đakông và THPT Cam Lộ, chúng tôi đã mang theo những ấn tượng tốt đẹp về Hiệu trưởng, NGƯT Nguyễn Xuân Chiến, người thầy giáo có cái tâm rất thiện, hết mình vì sự học của con em vùng khó Đakrông; Hiệu trưởng Hoàng Đức Dục đầy năng động, sáng tạo, đã hóa thân cho ngôi trường trên quê hương cách mạng Cam Lộ không chỉ từ không đến có mà từ giấc mơ thành hiện thực sinh động.

 Và trên hết, đó là người “đứng mũi chịu sào” đã tập hợp được đội ngũ, giỏi chèo lái con thuyền giáo dục Quảng Trị vượt trở ngại để tới đích…                                                                      

                                                                                                             P.V

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.