Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường gặp rào cản tứ bề

GD&TĐ - Giáo dục nghệ thuật có vai trò quan trọng, liên quan đến mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên về trí, đức, thể, mỹ.

Học sinh biểu diễn văn nghệ trong Cuộc thi “Thiếu nhi Việt Nam - Vươn ra thế giới”, tháng 6/2023. Ảnh: Mạnh Tùng
Học sinh biểu diễn văn nghệ trong Cuộc thi “Thiếu nhi Việt Nam - Vươn ra thế giới”, tháng 6/2023. Ảnh: Mạnh Tùng

Tuy nhiên, giáo dục nghệ thuật trong trường phổ thông và đại học hiện là thách thức lớn cho nhà quản lý giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Giáo dục toàn diện

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Viện Phát triển Giáo dục Việt Nam, nghệ thuật là bình diện quan trọng của đời sống văn hóa, mang tính trải nghiệm. Trải nghiệm nghệ thuật chính là trải nghiệm hương vị cuộc sống. Khi nghệ thuật phát triển đa dạng về loại hình (ngôn từ, tạo hình, diễn xướng) và chức năng (vượt lên trên chức năng giáo dục), nghệ thuật trở thành món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống cá nhân và xã hội.

Từ thế kỷ 18 - 19, khi khoa học xã hội càng phát triển, bộ môn Ký hiệu học ra đời, đánh dấu giai đoạn mới của nghệ thuật học. Đến giữa thế kỷ 20, nghệ thuật học bước vào giai đoạn phát triển thành thục. Đó chính là lúc nhân loại khẳng định rằng, nghệ thuật không chỉ để phục vụ nhân sinh, mà còn phát triển vì chính bản thân nó (nghệ thuật vị nghệ thuật).

Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học là con đường định hướng nhân sinh (các chức năng giáo dục thẩm mỹ, đạo đức), duy trì trật tự, ổn định xã hội, gìn giữ và trao truyền bản sắc, truyền thống văn hóa; thúc đẩy năng lực cảm thụ và sáng tác/trình diễn/tiếp cận nghệ thuật (giáo dục nghệ thuật), qua đó hướng tới sự thăng hoa trong thế giới tinh thần. Vì thế, giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học hết sức quan trọng.

Ở Việt Nam, giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông áp dụng từ hơn một thập kỷ qua, riêng bậc đại học cũng manh nha đào tạo tại các trường đại học tư thục không chuyên trong vài năm trở lại đây. Bước đầu thực hiện chương trình giáo dục đặc biệt này còn nhiều bỡ ngỡ, bất cập ở hai khía cạnh lý luận - phương pháp và kinh nghiệm thực tiễn.

Bàn về hệ thống giá trị với các giải pháp giáo dục nghệ thuật trong trường phổ thông và đại học, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng - giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) dẫn Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với mục tiêu “đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ…”.

Đồng thời, PGS Thắng khẳng định, giáo dục nghệ thuật nói riêng, giáo dục thẩm mỹ nói chung với tư cách một bộ phận của “giáo dục toàn diện” được nhấn mạnh và đặt ra như một trong những định hướng quan trọng của chiến lược giáo dục quốc gia.

Một tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Hội thảo “Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học”. Ảnh: Mạnh Tùng

Một tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Hội thảo “Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học”. Ảnh: Mạnh Tùng

Thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa

Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông và đại học hiện là thách thức lớn cho nhà quản lý giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những trào lưu mới, đa dạng, phong phú, cần có cái nhìn tổng thể và chọn lọc cho loại hình nghệ thuật. Giáo dục nghệ thuật chính là giáo dục thẩm mỹ cho một bộ phận giới trẻ nhận thức đúng đắn về giá trị của nghệ thuật, từ đó giúp hoàn thiện về chân - thiện - mỹ ngày một chuẩn xác hơn.

ThS Nguyễn Đức Linh - Phó Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sài Gòn cho biết, giáo dục nghệ thuật hiện nay được các trường quan tâm đặc biệt gồm hai ngành: Âm nhạc và Mỹ thuật. Hai môn học này cùng những môn Nghệ thuật, Giáo dục thể chất khác trong chương trình giáo dục THPT góp một phần vào mục tiêu giáo dục thời kỳ đổi mới của sự nghiệp giáo dục và bảo vệ đất nước. Đó là đào tạo những con người phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; vừa có đủ trí thức khoa học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa có kỹ năng, bản lĩnh sống hội nhập với cộng đồng.

Tuy nhiên, bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật hiện chưa được coi trọng ở nhiều trường THPT. Giáo dục âm nhạc ở trường THPT đã triển khai nhưng phạm vi không rộng, nơi nào có điều kiện mới thực hiện.

Để phát triển toàn diện giáo dục nghệ thuật, nhất thiết phải có đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp về kiến thức, kỹ năng. Song thực tế, các trường đang thiếu giáo viên trầm trọng. Chưa kể, đa số giáo viên giảng dạy chưa được trang bị đầy đủ về mặt lý luận, phương pháp thực hiện, kỹ thuật thiết kế bài giảng nâng cao mang tính hiện đại và kỹ năng quản lý, điều hành, diễn biến hoạt động của một tiết học.

Các giáo viên chưa được đào tạo bài bản về phương pháp dạy học tích cực tại một số trường sư phạm. Trong khi đó, thực tế chưa có phần mềm âm nhạc nào được Bộ GD&ĐT chính thức cho phép sử dụng trong chương trình. Giáo viên tự trang bị cho mình những kỹ năng sử dụng phần mềm âm nhạc du nhập từ nước ngoài và đa số không mua bản quyền. Do đó, khi tương tác sử dụng không ổn định.

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng thì nhìn nhận, giáo dục nghệ thuật trong nhà trường còn nhiều hạn chế, vướng mắc, từ nhận thức đến giải pháp, chính sách. Để giáo dục nghệ thuật bài bản, cần nhấn mạnh vai trò chủ đạo của ngành Giáo dục, sự phối hợp giữa các ban ngành và tầm nhìn chiến lược, dài hạn của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần có sự chủ động tham gia của các nguồn lực xã hội gồm đội ngũ văn nghệ sĩ và nhà khoa học, cơ sở giáo dục…

Qua quá trình tìm hiểu thực trạng dạy học nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, tại một số trường học ở TPHCM, ThS Nguyễn Đức Linh kiến nghị: Bộ GD&ĐT nên thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên nghệ thuật, cập nhật kiến thức, phong trào nghệ thuật mới trong và ngoài nước.

Các sở GD&ĐT cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ cho nhà trường để giảng dạy môn Nghệ thuật. Hằng năm, các sở nên tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về nghệ thuật và tập huấn cho giáo viên nắm bắt được những xu thế toàn cầu hóa. Ở các trường, ban giám hiệu nên tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có nhiều sân chơi nghệ thuật.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Hà, từ thuở bình minh nhân loại, nghệ thuật hình thành với nền tảng nghệ thuật vị nhân sinh, tức dùng nghệ thuật để góp phần xây dựng cuộc sống. Khổng Tử từng xếp Nhạc (một thể hiện của nghệ thuật cổ đại) sau Lễ trong Lục nghệ (Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số); coi Nhạc cũng là Lễ và lấy Lễ và Nhạc làm khuôn vàng thước ngọc để giáo hóa cá nhân và xã hội. Ở phương Tây, Pythagore thời cổ đại từng đánh giá nghệ thuật chính là công cụ cân bằng cuộc sống thông qua liệu pháp tinh thần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.