Giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu thực tiễn: Khoảng cách vẫn khó thu hẹp

GD&TĐ - Theo chuyên gia, vẫn còn nhiều cơ sở GDNN chưa “sẵn sàng” tham gia kiểm định hoặc còn “thờ ơ” để tránh việc bị đánh giá, kiểm soát chất lượng hoặc tránh mất khoản chi phí cho việc đánh giá ngoài.

Công tác kiểm định chất lượng GDNN cần được chú trọng hơn nữa. Ảnh minh họa
Công tác kiểm định chất lượng GDNN cần được chú trọng hơn nữa. Ảnh minh họa

Còn thờ ơ với kiểm định

Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), kiểm định là bắt buộc đối với cơ sở GDNN và chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành hoặc nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế. Điều này phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước để kiểm soát chất lượng GDNN.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của một tổ chức đánh giá độc lập về kiểm định chất lượng GDNN cho thấy, đến nay tỷ lệ các cơ sở GDNN tham gia đánh giá ngoài mới đạt rất thấp. Vẫn còn nhiều cơ sở GDNN chưa “sẵn sàng” tham gia kiểm định hoặc còn “thờ ơ” với kiểm định để tránh việc bị đánh giá, kiểm soát chất lượng hoặc tránh mất khoản chi phí cho việc đánh giá ngoài.

Trong quá trình kiểm định cho thấy, rất nhiều giáo viên, học sinh, sinh viên, các nhà tuyển dụng lao động chưa hiểu biết đầy đủ về vai trò, tác dụng cũng như nội dung của công tác này. Sự thiếu hiểu biết này chủ yếu do công tác tuyên truyền, quảng bá. Đồng thời các hoạt động tự đánh giá, kiểm định trường chủ yếu do một vài đơn vị chuyên trách thực hiện, chưa thực sự trở thành hoạt động nhân rộng, thường kì tại nhà trường để các đối tượng liên quan dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin.

TS Nguyễn Mạnh Cường, Công ty Cổ phần Kiểm định và Tư vấn giáo dục Việt Nam cho biết, kiểm định chất lượng GDNN giúp các cơ sở định hướng và xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động của mình một cách có hệ thống. Từ đó, các đơn vị điều chỉnh theo một chuẩn mực nhất định.

Chất lượng đào tạo luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ sở GDNN. Theo đó, công tác kiểm định chất lượng GDNN được xác định là một trong những công cụ quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cao chất lượng của hệ thống GDNN.

TS Nguyễn Mạnh Cường nhận định, đã có rất nhiều đánh giá thực trạng chất lượng GDNN ở nước ta chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do thiếu một hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng GDNN hoàn chỉnh và độc lập.

“Chính điều này đã dẫn tới công tác đánh giá chất lượng GDNN lâu nay chưa hoàn thiện. Những bất cập này đã gây khó khăn không chỉ cho người học khi lựa chọn sai môi trường, mà còn không tạo được yếu tố cạnh tranh cần thiết để phát triển”, TS Cường nói.

Chưa nhận thức đúng

Cũng theo ông Cường, không ít cơ sở GDNN chưa nhận thức đúng, thực sự quan tâm đến việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng, triển khai công tác tự đánh giá cơ sở GDNN, chương trình đào tạo. Không ít nhà quản lý cơ sở GDNN chưa nhận thức đầy đủ và thấy được tầm quan trọng của công tác kiểm định. Điều này sẽ rất khó khăn để triển khai công tác này nhất là đối với các trường đang thực hiện tự chủ hoặc trường tư thục.

Hầu hết các thành viên trong Hội đồng tự đánh giá là cán bộ quản lý phụ trách nhiều công việc trong nhà trường nên ít đầu tư được thời gian thoả đáng cho hoạt động này. Bên cạnh đó, các nhóm chuyên trách viết báo cáo tự đánh giá còn thiếu kinh nghiệm. Nhiều trường hợp chưa được tập huấn bồi dưỡng các kĩ thuật thu thập, xử lý thông tin, minh chứng và kỹ năng viết báo cáo. Chính những điều này gây khó khăn cho công tác đánh giá ngoài khi các kiểm định viên khảo sát thực tế tại cơ sở GDNN.

Các cơ sở GDNN gặp nhiều khó khăn về kinh phí thực hiện tự đánh giá chất lượng và đảm bảo chất lượng. Nhất là các cơ sở GDNN đang tự chủ và tư thục phải tự chủ động về kinh phí. Kết quả của công tác kiểm định chất lượng GDNN là lời tuyên bố chắc chắn tới các bên liên quan về hiện trạng chất lượng của cơ sở GDNN.

“Việc tự nguyện đăng ký kiểm định chất lượng GDNN được xem là lời cam kết về chất lượng đào tạo mà cơ sở GDNN mang lại cho người học và các bên liên quan khác. Thêm vào đó, hoạt động đánh giá ngoài được thực hiện thông qua bên thứ ba sẽ mang tính khách quan cao trong việc công nhận chất lượng của nhà trường. Vì vậy, kết quả kiểm định chất lượng GDNN cung cấp cho các bên liên quan những thông tin kịp thời, chính xác để xác nhận chất lượng đào tạo của cơ sở GDNN. Từ đó có cơ sở lựa chọn được các dịch vụ phù hợp” – ông Cường nói.

TS Nguyễn Mạnh Cường cũng thông tin thêm, công tác kiểm định chất lượng GDNN tạo cơ sở xây dựng văn hoá chất lượng cho cơ sở GDNN. Hoạt động kiểm định chất lượng GDNN dựa trên các tiêu chí, các tiêu chuẩn để đánh giá. Do đó, các thông tin này sẽ giúp mỗi thành viên của cơ sở GDNN hiểu rõ hơn công việc của mình và của những người liên quan. Qua đó, họ biết chủ động không ngừng nâng cao chất lượng công việc của bản thân, góp phần cùng những người liên quan hành động theo chất lượng. Khi đó văn hóa chất lượng sẽ dần hình thành tại cơ sở GDNN.

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, muốn nâng cao chất lượng kiểm định và bảo đảm chất lượng GDNN thì các trường phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ngoài sự vào cuộc của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thì các trường, trung tâm kiểm định viên cần tích cực hơn nữa.

Ngoài ra, cần tiếp tục xem lại và rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định và bảo đảm chất lượng GDNN. Tiếp cận công nghệ, ứng dụng số hóa, thấm nhuần 4.0 trong công tác kiểm định.

“Việc đào tạo kiểm định viên một phần do Tổng cục nhưng một phần là do các tổ chức kiểm định chất lượng bởi điều này liên quan đến uy tín của các tổ chức. Kiểm định viên phải là những nhà kiểm định chất lượng giỏi chứ không phải một người thầy giỏi vì người thầy giỏi chỉ đánh giá chương trình thôi còn kiểm định viên phải quản trị được quá trình”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.