Giáo dục Mường Lát còn nhiều thách thức

GD&TĐ - Mường Lát là huyện vùng cao biên giới nằm ở tận cùng phía Tây bắc tỉnh Thanh Hóa. Cũng như các lĩnh vực khác của xã hội giáo dục Mường Lát trong nhiều năm qua đã được quan tâm đầu tư và thu về thành quả nhất định. 

Giáo dục Mường Lát còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, với đặc thù riêng như: vùng núi cao, đồng bào dân tộc chiếm đa số, thiếu và yếu về cơ sở vật chất con người, đường xá đi lại khó khăn… vẫn tác động không nhỏ tới bài toán chất lượng giáo dục.

Ông Mai Xuân Xuân Giang – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Lát (Thanh Hóa) đã trao đổi cùng báo GD&TĐ xung quanh những thách thức của giáo dục Mường Lát.

+ Ông có thể cho biết những nét chính về giáo dục ở huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) hiện nay?

Quy mô trường lớp: Giáo dục Mường Lát có 32 đơn vị trường học trong đó có 10 trường Mầm Non, 11 trường Tiểu học và 10 trường THCS; 1 TTGDTX. Tổng số 512 nhóm lớp với 10.323 học sinh. Năm học 2017 – 2018 dự báo số lớp MN có trên 200 nhóm lớp từ nhà trẻ đến mẫu giáo; TH có 253 lớp; THCS có 85 lớp; Tỉ lệ HS phân theo định mức của tỉnh ở mức thấp nhất là: Nhà trẻ với 10 trẻ/nhóm trẻ; Mẫu giáo: trên 16 trẻ/nhóm; TH định mức 16HS/nhóm; THCS đảm bảo 30 HS/lớp. Riêng đối với THCS không có điểm trường lẻ. Mầm non và Tiểu học đều có điểm trường lẻ…

Đội ngũ CBGV sau khi sắp xếp có 732, thiểu 49 biên chế được giao so với nhu cầu hiện nay. Trong 3 bậc học, MN có 171 biên chế, thiếu 05 GV; Tiểu học có 356 thiếu 30; THCS có 194 thiếu 13; TTGDTX có 6 thiếu 01 biên chế. So với thực tế thì số lượng ra biên chế chưa đáp ứng được đúng với định mức quy định với trường học.

Về cơ sở vật chất, trong những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân mà cơ sở vật chất ngành giáo dục được khắc phục và có sự thay đổi đáng kể, tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy hệ thống trường mầm non, phổ thông còn tồn tại nhiều hạn chế. Trường Mầm non, trường Tiểu học trên địa bàn còn nhiều khu lẻ, TTGDTX tuyển sinh mới các lớp bổ túc THPT và duy trì học sinh trên lớp từng bước tiến hành sắp xếp, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Phòng lớp học toàn ngành có 507 phòng học. Trong đó: Kiên cố có 231 phòng học; Cấp 4 có 212 phòng; Tranh tre có 64 phòng. Phòng học bộ môn: tổng có 19 phòng. Phòng Hiệu bộ có 54 phòng; Phòng công vụ có tổng 128 phòng; Phòng ở bán trú và nội trú học sinh với 144 phòng.

Có thể thấy, cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học trong năm học đã được tăng cường, đầu tư đáng kể, công tác quy hoạch khuôn viên, trường lớp, hệ thống cây xanh, bóng mát đã được các đơn vị nhà trường tăng cường triển khai. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Tụ thể như hệ thống các phòng văn hóa, phòng học bộ môn, phòng chức năng, công trình vệ sinh, nước sạch ở các trường học còn thiếu nhiều; tỷ lệ phòng học tranh tre còn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là ngành học Mầm non và Tiểu học…

+ Bên cạnh giáo dục đại trà thì ngành giáo dục Mường Lát còn tập trung cho giáo dục mũi nhọn. Ông có thể cho biết chất lượng, hiệu quả giáo dục mũi nhọn năm học vừa qua.

Đúng vậy, bên cạnh tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại trà thì toàn ngành giáo dục Mường Lát tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, trong đó chú trọng công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngay từ đầu năm học, các đơn vị nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, phân công đội ngũ giáo viên có năng lực tốt trong việc ôn luyện cho học sinh; tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp trường; thành lập đội tuyển, tổ chức bồi dưỡng cho các em để chuẩn bị tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện và tham dự cấp tỉnh.

Có thể khẳng định, chất lượng giáo dục đại trà đã có chuyển biến tích cực, số lượng học sinh có học lực khá, giỏi được tăng lên so với năm học trước. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đại trà giữa các xã, thị trấn còn chưa đồng đều. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tham dự hội thi học sinh giỏi cấp tỉnh chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra.

+ Nhìn vào bức tranh giáo dục Mường Lát cho thấy đã có những khởi sắc đáng kể song tồn tại không ít hạn chế. Theo ông đâu là nguyên nhân chính của những hạn chế này?

Hiện nay, hạn chế chính của giáo dục Mường Lát có thể chỉ ra đó là cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của một số trường học còn khó khăn, thiếu thống do xây dựng lâu năm, hết thời gian sử dụng, đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời; một số trường mầm non, tiểu học còn nhiều phòng học tạm.

Mặt khác, chất lượng giáo dục toàn diện tuy được nâng lên song còn chênh lệch với các huyện miền xuôi, chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu. Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ và còn thiếu nhiều so với quy định. Một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, chưa phát huy được tính chủ động của học sinh, ý thức trách nhiệm chưa cao…

Nguyên nhân chính của những hạn chế này có thể chỉ ra: Đó là việc đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường tương đối lớn so với các huyện miền xuôi, chủ yếu phụ thuộc từ nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án, công tác xã hội hóa và một phần kinh phí tiết kiệm từ ngân sách của huyện.

Cùng đó với một địa bàn rộng, quy mô mạng lưới trường lớp ở một số điểm trường còn nhỏ, lẻ do dân số giảm kết hợp với hiện tượng di dân tự do, gây khó khăn cho việc quy hoạch trường lớp.

Ngoài ra khả năng lĩnh hội kiến thức, ý thức học tập, tỷ lệ chuyên cần của học sinh còn thấp. Một bộ phận phụ huynh học sinh còn chưa quan tâm, đôn đốc, nhắc nhở đến việc học tập của học sinh… cũng là những trở ngại.

Về phía giáo viên: Nguyên nhân của việc giáo viên còn thiếu do yếu tố khách quan, huyện không được tuyển dụng mà phải chờ vào việc luân chuyển giáo viên từ các huyện miền xuôi lên. Trình độ năng lực nghề nghiệp của một số giáo viên còn yếu, việc đổi mới phương pháp giảng dạy còn chậm, chưa chuyên tâm với nghề, chưa tự bồi dưỡng, trao dồi chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện ngày công và giờ làm việc của nhà nước chưa đảm bảo theo quy định…

+ Năm học mới 2017- 2018 đã bắt đầu. Ngành giáo dục Mường Lát sẽ đẩy mạnh những nhiệm vụ nào để tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng?

Một số nhiệm vụ đã được ngành giáo dục Mường Lát xác định sẽ đẩy mạnh đó là: Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp phù hợp với tình hình thực tế. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vững mạnh toàn diện. Đồng thời đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩn chất, năng lực của người học. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Ngoài ra vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; vấn đề giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đào tạo sẽ được đẩy mạnh.

Việc tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay; Việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng; Vấn đề hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo… cũng sẽ đặc biệt được quan tâm.

+Xin cảm ơn ông

Năm học 2017-2018, để nâng cao chất lượng giáo dục Mường Lát sẽ chú trọng nêu cao tính chuẩn mực, gương mẫu của nhà giáo; nâng cao chất lượng dạy và học; tiếp tục làm tốt công tác duy trì sĩ số học sinh; tăng cương công tác xã hội hóa giáo dục và đẩy mạnh công tác xóa mù chữ trên địa bàn huyện…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.