Chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất
Tại xã đảo Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), năm học 2017 - 2018 sẽ có trên 3.500 học sinh bước vào năm học mới. Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc - cho biết: Để chuẩn bị cho năm học mới, các trường học đã tiến hành rà soát lại cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học và báo cáo với Thường trực Hội cha mẹ học sinh để tiến hành kêu gọi xã hội hóa. Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, các nhà trường đã có kế hoạch xây dựng, sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục, đảm bảo cơ sở vật chất tốt nhất phục vụ dạy học. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng thiếu phòng học làm ảnh hưởng chất lượng dạy và học trên địa bàn. Hiện nay, xã Ngư Lộc đã đầu tư xây dựng cơ sở 2 của trường mầm non với 6 phòng học, kinh phí từ nguồn vốn xây dựng cơ bản của tỉnh và huy động nhân dân cùng đóng góp.
Là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường học, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) cũng đang nỗ lực huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư cho những trường có cơ sở vật chất thiếu và xuống cấp.
Bà Nguyễn Thị Nhẫn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Bỉm Sơn chia sẻ: Do tách phường nên năm học 2017 - 2018, thị xã Bỉm Sơn được phép thành lập 2 trường liên cấp là TH&THCS Quang Trung và TH&THCS Phú Sơn, tuy nhiên ở cả 2 trường liên cấp này cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn còn thiếu thốn rất nhiều. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn còn có trường học của cả 3 cấp mầm non, tiểu học, THCS của phường Bắc Sơn đều đã xuống cấp và có phương án di chuyển đến nơi khác nhưng do hạn chế về quỹ đất nên vẫn chưa thực hiện được; Trường Tiểu học Hà Lan (xã Hà Lan) có nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp như tường rào, nhà để xe, sân trường… nhưng chưa có kinh phí để tu bổ, sửa chữa và còn thiếu toàn bộ trang thiết bị, đồ dùng dạy học.
Hiện nay, Phòng GD&ĐT Bỉm Sơn đang tiếp tục chỉ đạo các nhà trường rà soát để từng bước bổ sung thêm những trang thiết bị còn thiếu; kêu gọi nguồn xã hội hóa để tu sửa những hạng mục đã xuống cấp, cố gắng để giáo viên, học sinh được dạy và học trong điều kiện tốt nhất.
Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên
Cùng chung không khí chuẩn bị năm học mới, tại huyện Nông Cống, Phòng GD&ĐT huyện đã có công văn chỉ đạo các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương kiểm kê, bổ sung thêm các hạng mục, các đồ dùng dạy học còn thiếu; Tập trung đốc thúc các trường đang xây dựng dở nhanh chóng hoàn thành để đưa vào sử dụng trong năm học mới, đặc biệt, chú trọng đến nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Nông Cống, cho biết: Phòng GD&ĐT huyện đã chủ động lập kế hoạch và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng hè về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, triển khai tới toàn bộ cán bộ, giáo viên các chuyên đề tiếp thu từ tỉnh nhằm giúp đội ngũ giáo viên được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm dạy học, bổ sung những kiến thức mới phục vụ công tác giảng dạy.
Cũng theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, hàng năm, công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn được thực hiện tốt ở tất cả các ngành học, bậc học. Trong năm học vừa qua, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tổ chức bồi dưỡng công tác quản lý giáo dục cho 304 cán bộ, giáo viên học chương trình lớp nguồn quản lý giáo dục; mở 19 đợt bồi dưỡng với tổng số trên 15.000 lượt cán bộ, giáo viên tham gia, trong đó giáo dục mầm non tổ chức 3 đợt với gần 1.200 cán bộ, giáo viên; giáo dục tiểu học tổ chức 6 đợt với gần 2.000 cán bộ, giáo viên; giáo dục trung học tổ chức 10 đợt với gần 12.000 cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục Thanh Hóa cũng yêu cầu cán bộ, giáo viên tăng cường công tác tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học.