Thanh Hóa: Sắp xếp mạng lưới trường học, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường

GD&TĐ - Hiện nay, Thanh Hóa cũng như nhiều địa phương trên cả nước có bất cập trong quy hoạch mạng lưới trường lớp từ mầm non đến THPT do quy mô số học sinh, số lớp giảm, nhiều trường có số lớp quá bé. 

Việc sắp xếp mạng lưới trường lớp hợp lý nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Việc sắp xếp mạng lưới trường lớp hợp lý nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Việc sắp xếp mạng lưới trường  lớp phù hợp không chỉ giúp giải quyết được tình trạng thừa thiếu giáo viên mà còn tránh đầu tư dàn trải về cơ sở vật chất trường học, góp phần nâng cao chất  lượng giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Tập trung cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục

Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 2.112 trường học, trong đó, mầm non: 660 trường, tiểu học: 676 trường, THCS: 609 trường, tiểu học và THCS: 31 trường, THPT: 101 trường, THCS và THPT: 6 trường.

Do hiện nay nhiều trường học có số lớp học quá ít từ 4 đến 5 lớp;  nhiều trường thiếu quỹ đất để xây dựng trường chuẩn quốc gia; khoảng cách vị trí địa lý giữa các trường không phù hợp… đã phần nào ảnh hưởng đến việc chỉ đạo dạy và học trong nhà trường và nâng cao chất lượng giáo dục. Từ tháng 12/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định về thực hiện Đề án “Sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” (gọi chung là Đề án).

Theo đó, đối với các trường tiểu học có quy mô dưới 10 lớp, ghép với trường THCS trên cùng địa bàn xã; các xã có hai đến ba trường tiểu học, sáp nhập thành một trường nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và thuận lợi cho học sinh đến trường. Đối với các trường THCS có quy mô dưới 8 lớp, ghép với trường tiểu học trên cùng địa bàn xã; những nơi có điều kiện giao thông thuận lợi thì có thể xem xét sáp nhập theo mô hình liên xã.

Đối với trường THPT, hiện nay Sở GD&ĐT Thanh Hóa đang xây dựng đề án báo cáo UBND tỉnh để thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh trong tháng 7 tới. Nếu đề án được thông qua, thì các trường  THPT được sắp xếp theo hướng: Các trường có quy mô nhỏ dưới hạng 3, quy hoạch không hợp lý (quá gần nhau) thì sẽ xem xét sáp nhập hoặc chuyển địa điểm mới. Mục đích vẫn là đảm bảo cơ sở vật chất, ổn định đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục. Theo lộ trình đến năm 2020 toàn tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm 113 trường tiểu học và THCS.

Việc sắp xếp mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Là một trong những trường sáp nhập trước khi Đề án được thông qua do  nhu cầu thực tế của địa phương, Trường Tiểu học và THCS Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa được đánh giá cao với nhiều thành công trong quản lý mô hình trường 2 cấp học. Cô Lê Thị Bích Nga – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Tháng 8/2013, nhà trường được sáp nhập giữa 2 trường Tiểu học và THCS Hằng Đức. Khi ấy, cấp tiểu học có 7 lớp, cấp THCS có 5 lớp, phòng học dư thừa nhiều do số học sinh ngày càng giảm.

Tuy nhiên, việc xây dựng phòng chức năng cho từng cấp học lại gặp nhiều khó khăn do địa phương không đủ kinh phí. Sau khi sáp nhập, cơ sở vật chất của 2 cấp học được tận dụng để sử dùng chung. Các phòng học thừa được sử dụng để xây dựng các phòng chức năng chung, như: phòng thư viện, thiết bị dạy học, tin học, phòng truyền thống, y tế, chữ thập đỏ…

Điều này đã tháo gỡ gánh nặng cho địa phương khi xây dựng trường chuẩn quốc gia và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên môn đặc thù, nhân viên hành chính, thuận lợi cho việc điểu hành công việc của nhà trường kể cả về chuyên môn và các hoạt động khác. Bên cạnh đó, do lực lượng giáo viên đông nên các hoạt động đoàn thể cũng phong phú hơn. Hiện nay, sau gần 4 năm thực hiện sáp nhập, nhà trường đã được công nhận chuẩn quốc gia với cấp tiểu học đạt chuẩn mức dộ 2, cấp THCS đạt chuẩn quốc gia.

“Điểm thuận lợi nhất khi sáp nhập trường là việc chỉ đạo chuyên môn xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 9. Giáo viên có thể cùng nhau bàn bạc, theo dõi chất lượng học sinh, ràng buộc trách nhiệm trong nâng cao chất lượng dạy học từ cấp tiểu học đến THCS, nhờ vậy mà chất lượng giáo dục nhà trường được nâng lên rõ rệt.

Đặc biệt là chất lượng học sinh giỏi và chất lượng học sinh thi đầu vào THPT. Mặc dù, thời gian đầu khi mới sáp nhập, nhà trường có gặp nhiều khó khăn khi phải nghiên cứu để điều hành 2 cấp học với khối lượng công việc nhiều. Việc điều hành giờ học ở 2 cấp học khi học sinh chưa đi vào nề nếp. Tuy nhiên, những khó khăn đó đã nhanh chóng được khắc phục khi tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường cùng có trách nhiệm và cùng đồng lòng làm việc” – Cô Nga khẳng định.

Khi sáp nhập trường tạo được sự đồng thuận

Năm học 2016-2017, theo kế  hoạch, Thanh Hóa sẽ tiến hành sáp nhập 68 trường. Hiện đã sáp nhập được 30 trường, trong đó, sáp nhập 18 trường tiểu học và ghép 12 trường tiểu học và THCS. Do điều kiện từng địa phương, 38 trường xin lùi thời gian sắp xếp lại. Các địa phương thầy cần phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao sự đồng thuận của nhân dân; chuẩn bị công tác nhân sự, bổ sung các điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện sắp xếp...

Một trong những vấn đề quan trọng trong thực hiện sáp nhập trường là công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý. Những trường sáp nhập yêu cầu những cán bộ quản lý phải là những người có tâm huyết, nắm vững chuyên môn và năng lực quản lý tốt… Vì vậy, khi phê duyệt Đề án, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng tiêu chí lựa chọn hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng để đáp ứng yêu cầu quản lý và chuyên môn, đảm bảo chất lượng, khách quan, minh bạch. Cán bộ quản lý không đáp ứng các tiêu chí và chuyên môn được bố trí làm công việc khác phù hợp hoặc thực hiện chính sách về hưu trước tuổi hoặc chính sách thôi việc theo quy định của pháp luật.

NGƯT, TS Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết: Do công tác sắp xếp, sáp nhập trường liên quan trực tiếp đến công tác chuẩn bị nhân sự, bộ máy quản lý nhà trường, công tác sắp xếp điều chuyển giáo viên, bổ sung cơ sở vật chất trường học nên quá trình thực hiện sáp nhập phải có lộ trình, thận trọng.

Quan điểm của tỉnh Thanh Hóa là để các địa phương tự lựa chọn phương án sắp xếp phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương mình; vận dụng linh hoạt phương án sắp xếp. Điều quan trọng là phải đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân, phụ huynh; đảm bảo không ảnh hưởng đến đội ngũ giáo viên, ổn định tâm lý cho đội ngũ giáo viên yên tâm giảng dạy; tuyệt đối không áp đặt từ trên xuống và phải tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường.

“Hiện nay, qua thực tế tại các trường sáp nhập (sáp nhập 2 cấp học và sáp nhập cùng cấp học), vẫn còn những tồn tại, vướng mắc trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đối với trường 2 cấp học do Bộ GD&ĐT chưa xây dựng tiêu chí trường chuẩn cho trường nhiều cấp học. Vì vậy, các trường 2 cấp học sáp nhập vẫn xây dựng tiêu chí trường chuẩn quốc gia theo từng cấp học.

Cùng với đó, việc 2 cấp học cùng dồn về 1 địa điểm cũng gặp khó khăn trong điều hành tiết học khác nhau của 2 cấp học. Về bất cập này, tùy vào điều kiện mà các nhà trường có thể đề xuất lên phương án sử dụng cơ sở vật chất để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập, đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nhà trường” - NGƯT, TS Phạm Thị Hằng cho biết thêm.

Những năm gần đây chất lượng giáo dục Thanh Hóa ngày càng được nâng cao. Chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn đứng trong tốp đầu của cả nước. Năm học 2016-2017, Thanh Hóa có 51 học sinh giỏi quốc gia; có 3 học sinh lọt vào đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế môn Toán, Vật lý, Sinh học, trong đó, học sinh dự thi môn Toán có 2 lần đạt giải Nhất quốc gia năm 2015-2016, 2016-2017 và có điểm thi chọn vào đội tuyển cao nhất cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ