Thanh Hóa là địa phương có số điểm thi và số thí sinh dự thi lớn thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) với hơn 33.000 thí sinh dự thi; có 69 điểm thi phân bố ở 27 huyện, thị, thành phố. Trong đó, có 11 huyện miền núi, địa hình nhiều nơi phức tạp. Do đó, việc nâng cao chất lượng dạy và học ở các khu vực, vùng miền khác nhau trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn. Căn cứ vào đặc điểm từng vùng, mà ngành giáo dục Thanh Hóa đã áp dụng phương pháp đổi mới việc dạy, học cho phù hợp ngay từ đầu các năm học.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có số môn thi nhiều hơn, bài thi trắc nghiệm chiếm đa số các môn thi. Việc ôn tập cho học sinh thích ứng được với phương pháp thi mới là nhiệm vụ được đặt ra trong các nhà trường phổ thông. Sau khi tiếp thu chủ trương của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có công văn hướng dẫn việc tổ chức ôn tập cho học sinh đến các nhà trường từ rất sớm; Chỉ đạo các nhà trường lựa chọn giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm phụ trách ôn tập cho học sinh; phân loại học sinh để có phương pháp ôn tập phù hợp; chỉ đạo phòng chuyên môn kiểm tra, hướng dẫn công tác ôn tập ở các nhà trường…
“Những năm trước đây, phòng chuyên môn của Sở sẽ đi hướng dẫn công tác ôn thi đến từng trường vừa mất thời gian, lại chưa hiệu quả. Tôi đã trực tiếp chỉ đạo phòng chuyên môn tổ chức hướng dẫn ôn tập theo cụm trường và theo hình thức sinh hoạt chuyên môn để giáo viên được học hỏi kinh nghiệm của nhau, đóng góp ý kiến bổ sung cho nhau để có phương pháp tổ chức ôn tập cho học sinh tốt hơn.
Các trường có chất lượng giáo dục còn thấp, các trường khu vực miền núi được ưu tiên chỉ đạo hướng dẫn ôn tập trước. Phương pháp hướng dẫn ôn tập mới này đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của đông đảo giáo viên”- NGƯT.TS Phạm Thị Hằng chia sẻ.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại các trường THPT trên địa bàn Thanh Hóa cũng được các trường đại học phối hợp đánh giá cao. Thể hiện ở việc đội ngũ cán bộ làm công tác thi chuyên nghiệp. Để đạt được thành công này, hàng năm, sau mỗi kỳ thi, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đều tổ chức đánh giá những ưu điểm, hạn chế của các các nhân, đơn vị tham gia thực hiện công tác thi.
Từ đó, rút kinh nghiệm về những thiếu sót do thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức kỷ luật, do non yếu về nghiệp vụ, về chuyên môn hoặc vì bệnh thành tích mà làm ảnh hưởng đến học sinh, ảnh hưởng đến tập thể cán bộ giáo viên nhà trường và ảnh hưởng đến ngành.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã chú trọng đến công tác tập huấn cho cán bộ, giáo viên thấm nhuần nhiệm vụ coi thi, chấm thi đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định; giao trách nhiệm cho các trưởng điểm và “đánh” vào thi đua đối với tập thể, cá nhân vi phạm... Nhờ vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tại Thanh Hóa đã dễn ra an toàn, nghiêm túc, không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, NGƯT.TS Phạm Thị Hằng cho biết: Kết quả Kỳ thi THPT quốc gia 2017 không chỉ là thành quả từ sự nỗ lực của ngành giáo dục Thanh Hóa mà là cả từ sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp của ngành chức năng và chính quyền các địa phương.
Không dừng lại ở kết quả kỳ thi này, chúng tôi đang tiếp tục thực hiện nghiêm túc, vận dụng linh hoạt các phương pháp trong đổi mới giáo dục để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.