Quản lý xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở các trường mầm non

GD&TĐ xin giới thiệu bài viết về nghiên cứu trình bày lý luận về quản lý xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở các trường mầm non.

Thực hiện giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, giáo viên tạo nhiều cơ hội, môi trường thuận lợi cho trẻ hoạt động. Ảnh minh họa.
Thực hiện giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”, giáo viên tạo nhiều cơ hội, môi trường thuận lợi cho trẻ hoạt động. Ảnh minh họa.

Trong đó dựa vào tiếp cận chức năng quản lý đã xây dựng lý luận 5 nội dung quản lý xây dựng môi truờng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở các truờng mầm non. Chủ thể của những nội dung quản lý này là hiệu truởng các truờng mầm non.

Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về môi trường giáo dục (MTGD) . Trước hết phải kể đến tác giả Stanislaw Kowalski (Ba Lan) trong sách Xã hội học giáo dục và giáo dục học đã đề cập khá sâu đến kết cấu của môi trường nói chung, môi trường xã hội, môi trường giáo dục nói riêng.

Kowalski cho rằng “đặc điểm của môi trường giáo dục là tổ chức có mục đích những ảnh hưởng môi trường và đồng thời là các tác động mục đích của thầy đối với trò.

John Keeves, một nhà nghiên cứu giáo dục đã đưa ra quan điểm về môi trường giáo dục trong tác phẩm “Môi trường giáo dục và học sinh”. Cuốn sách nói đến mối quan hệ qua lại tồn tại trong môi trường đặc thù là gia đình, nhóm thân cận và lớp học, mối quan hệ giữa các điều kiện vật chất và các khía cạnh tâm tư, các yếu tố văn hóa xã hội ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Mối quan hệ giữa môi trường giáo dục với kết quả học tập của trẻ; luận về xây dựng môi trường giáo dục.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Ở Việt Nam có tác giả Nguyễn Hồng Quang nghiên cứu về môi trường giáo dục. Theo ông, môi trường giáo dục, môi trường văn hoá và các yếu tố ảnh hưởng tác động đến con người đã được xem xét ở nhiều bình diện từ vi mô đến vĩ mô.

Như vậy còn rất ít tác giả nghiên cứu về xây dựng và đặc biệt nghiên cứu về quản lý xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Chính vì vậy, nghiên cứu về “Quản lý xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở các trường mầm non” là một việc làm vô cùng cấp thiết và quan trọng.

Trong nghiên cứu này cho rằng: Quản lý xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở các trường mầm non là hệ thống những tác động có định hướng, có mục đích, có kế hoạch của chủ thể thể quản lý đến thiết kế và sử dụng cả các điều kiện về vật chất và tính thần vào việc tổ chức các hoạt động cho trẻ ở trường mầm non nhằm tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, hoạt động học tập, vui chơi, sinh hoạt phù hợp với sở thích, nhu cầu và năng lực.

Lập kế hoạch xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non

Xây dựng kế hoạch là một trong các chức năng cơ bản của quản lý, nhằm vạch ra những công việc (các hoạt động) sẽ thực hiện trong tương lai theo một cách thức, trình tự, tiến độ nhất định nhằm đạt được mục tiêu đã định. Xây dựng kế hoạch là một nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý trường mầm non. Chất lượng của kế hoạch quyết định hiệu quả của xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non.

Quản lý lập kế hoạch xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non là một hoạt động của cán bộ quản lý (CBQL) nhằm nối liền quá khứ - hiện tại - tương lai. Để xây dựng kế hoạch ở phạm vi rộng, hiệu trưởng trường mầm non cần xác định được bao gồm các bước cơ bản sau:

Thứ nhất, phân tích thực trạng của nhà trường. Trong bước này cần thu thập các thông tin bên trong của nhà trường như chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, GV... và các thông tín bên ngoài như chủ trương, chính sách, các văn bản, chỉ thị của cấp trên. Ngoài ra cũng cần thu thập sự quan tâm, ủng hộ của địa phương, các ban, ngành đoàn thể, cha mẹ học sinh, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương... để trên cơ sở đó xác định các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với nhà trường khi xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm.

Thứ 2 là xác định các mục tiêu. Các mục tiêu đưa ra cần phải xác định rõ thời hạn thực hiện và được lượng hóa đến mức cao nhất, cần xác định cụ thể thứ tự ưu tiên các mục tiêu.

Thứ 3 là xác định nội dung xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm và các nhiệm vụ để đạt các mục tiêu đó; các phương án để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra. Xác định các nguồn lực cần thiết về cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực.

Xác định các mốc thời gian bắt đầu và kết thúc, các công việc, nhiệm vụ cụ thể nhằm đạt mục tiêu chung đề ra. Lập kế hoạch xây dựng không gian ngoài lớp học và bên trong lớp học để đảm bảo các tiêu chí MTGD bên ngoài và MTGD bên trong.

Mặt khác, lập được kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ. Đây là một nội dung gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện ở các trường nhất là các trường có đội ngũ GV yếu và thiếu . Tuy nhiên các CBQL cần kiên định với mục đích làm cho GV nắm vững được các yêu cầu cụ thể rõ nét như: Xây dựng được kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ cả năm học phù hợp với đặc điểm nhà trường và lớp được phân công dạy; lập được kế hoạch tháng, kế hoạch tuần và các hoạt động chăm sóc giáo dục học sinh; lập kế hoạch ngày theo hướng tích cực phát huy tính tích cực sáng tạo của trẻ; lập kế hoạch phối hợp với cha mẹ trẻ để thực hiện mục tiêu chăm sóc giáo dục trẻ.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Tổ chức thực hiện hoạt động xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non

Sau khi đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu, các nhà quản lý cần tiến hành quản lý tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Để làm được điều này thì phải bám sát mục tiêu đặt ra và trên cơ sở các tiêu chí mà chuẩn đã quy định. Các hoạt động xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm phải bám sát mục tiêu đã xác định.

Đưa nội dung thiết kế môi trường vào chương trình chăm sóc giáo dục trẻ phù hợp theo từng độ tuổi để giám sát công tác xây dựng môi trường giáo dục nói chung, thiết kế môi trường lớp học nói riêng thường xuyên theo chủ đề cụ thể vào đầu tháng.

Hàng năm nhà trường tổ chức họp ban lãnh đạo nhà trường và các đoàn thể thống nhất việc thiết kế môi trường các nội dung như: Cách bố trí tạo môi trường để cho trẻ hoạt động học tập, vui chơi ; cách tạo không gian học tập đẹp mắt để thu hút trẻ vào các hoạt động học tập; trang trí lớp theo chủ đề; xây dựng các góc hoạt động trong lớp; cách làm và sử dụng nguyên vật liệu phục vụ cho các góc hoạt động trong và ngoài lớp.

Tổ chức cho giáo viên tham quan tại các trường trọng điểm, trường đạt chuẩn quốc gia, thông qua buổi tham quan giáo viên được học hỏi cũng như rút kinh nghiệm về cách thiết kế môi trường lớp, cách trang trí lớp lấy trẻ làm trung tâm, cách sắp xếp các góc chơi, xây dựng các bài tập mở và làm đồ dùng đồ chơi từ các nguyên vật liệu có sẵn từ thiên nhiên.

Giáo viên thường xuyên thay đổi môi trường, thay đổi các bài tập ở các góc theo chủ đề hàng tháng và thường xuyên tổ chức các họat động của cô và trẻ cùng làm từ các nguyên vật liệu

Như vậy quản lý tổ chức thực hiện hoạt động xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là rất quan trọng, nó giúp cho nhà quản lý biết được trong quá trình xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm sẽ triển khai những nội dung gì, trình tự các hoạt động được sắp xếp thế nào, thời gian diễn ra như thế nào, chương trình đó đã phù hợp chưa, có khả thi và có giúp đạt mục tiêu không?

Tổ chức lực lượng tham gia hoạt động xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Để triển khai hoạt động xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cần sự phối kết hợp của nhiều lực lượng tham gia.

Trước hết nhà trường phải xây dựng được đội ngũ GV đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng và nhà trường có kế hoạch bám sát theo sự chỉ đạo của phòng GD&ĐT. Đồng thời, có cơ chế và chính sách phối kết hợp với các lực lượng xã hội khác tham gia xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng môi trưồng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non

Đây là công tác có tác động tới thái độ, hành vi của người khác nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra.

Khi hiệu trưởng chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non gồm các công việc sau: Chỉ đạo thực hiện xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong đó có môi trường bên trong và bên ngoài; chỉ đạo thực hiện xây dựng kế hoạch, nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ; chỉ đạo thực hiện hoạt động nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ; chỉ đạo đánh giá sự phát triển của trẻ

Để thực hiện tốt kế hoạch xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm, CBQL ở các trường mầm non cần thực hiện quyền chỉ huy và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm. Các nhà quản lý cần thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của mình để giao nhiệm vụ cụ thể cho các cá nhân và toàn đơn vị thực hiện hoạt động xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm.

CBQL cũng cần chia sẻ thông tin, cung cấp cho những người cấp dưới kỹ năng, nguồn lực, thẩm quyền, động cơ để họ thực hiện phần việc được giao, đồng thời đòi hỏi ở họ trách nhiệm giải trình đối với những quyết định, hành động và kết quả công việc của họ.

Thường xuyên đôn đốc, động viên tới các thành viên thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm. Một trong những đặc điểm quan trọng của xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm là có sự tham gia của nhiều lực lượng, mọi bộ phận, mọi cá nhân vào việc thực hiện mục tiêu chung.

Do đó, hiệu trưởng các trường mầm non phải làm tốt công tác đôn đốc, động viên, khuyến khích để các thành viên trong trường có trách nhiệm thực hiện kế hoạch và nhiệm vụ, nhận thức đầy đủ mục tiêu và định hướng của hoạt động xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm.

Hiệu trưởng trường mầm non cần giải thích rõ ràng kế hoạch và phương án thực hiện cụ thể để mọi người thống nhất hành động. Ngoài ra, Hiệu trưởng trường mầm non cũng cần theo dõi hoạt động xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm để khắc phục những sai sót, hạn chế về hoạt động xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm nhằm điều chỉnh kịp thời để đảm bảo hiệu quả của hoạt động này.

Giám sát và điều chỉnh quá trình thực hiện kế hoach xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm. Trong quá trình chỉ đạo hoạt động xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm cần chú ý đến công tác giám sát và điều chỉnh. Đây là thành tố quan trọng của công tác chỉ đạo. Việc giám sát và điều chỉnh cần được thực hiện thông qua quá trình thu thập và xử lý thông tin từ nhiều kênh thông tin khác nhau.

Như vậy, chỉ đạo chính là hoạt động điều hành, hướng dẫn những người có liên quan thực hiện công việc của mình nhằm đạt được mục tiêu đã đặt ra một cách hiệu quả và đảm bảo chất lượng. Nói cách khác, chỉ đạo là sự thể hiện nghệ thuật lôi cuốn sự tham gia của các thành viên vào thực hiện mục tiêu đã xác định.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Quản lý sử dụng các nguồn lực phục vụ xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm

Trong quản lý giáo dục, khi nói đến nguồn lực, phải kể đến nhân lực, vật lực và tài lực. Các yếu tố tích cực của môi trường cũng có thể trở thành nguồn lực trong giáo dục. Việc quản lý tổ chức các hoạt động xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm đòi hỏi nhà quản lý có sự lựa chọn đúng đắn, xác đáng về các nguồn lực nói trên.

Đội ngũ GV là nhân tố trọng tâm, họ phải có nhận thức đầy đủ trước nhiệm vụ xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm. Nhiệm vụ của GVMN là phải luôn luôn học hỏi, tự đào tạo, trau dồi kiến thức, kỹ năng để đạt được yêu cầu nói trên.

Các điều kiện cơ sở vật chất, môi trường vật chất, các thiết bị dạy học là công cụ hữu hiệu để xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm. Tuy nhiên để sử dụng một cách hữu hiệu nhất CSVC người CBQL cần phải có biện pháp quản lý khoa học.

Kiểm tra đánh giá hoạt động xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm

Trong bất kỳ hoạt động quản lý nào cũng không thể thiếu được khâu kiểm tra, đánh giá. Kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm cần chủ động tiến hành ở tất cả các khâu như: Lập kế hoạch có tính khả thi, phù hợp với thực trạng và đáp ứng nhu cầu của trẻ hay không? Nội dung xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm của nhà trường có phù hợp với thực trạng và đáp ứng quan điểm lấy trẻ làm trung tâm không? Cách thức tổ chức tiến hành xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm? Chuẩn bị các điều kiện cho hoạt động xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm có thỏa đáng không?

Thu thập thông tin phản hồi. Chỉ có kiểm tra mới mới có được những thông tin phản hồi đáng tin cậy. Việc xử lý đúng các thông tin giúp cho người quản lý tác động kịp thời vào các tổ chức, điều chỉnh mục tiêu và ra quyết định cho chu trình quản lý mới.

Phát hiện được thực hiện tiếp nối quá trình đánh giá, bao gồm phát hiện những yếu tố tích cực, những kinh nghiệm tốt và những lệch lạc trong hoạt động thực tiễn, đo chính xác mức độ sai lệch và xác định nguyên nhân sai lệch. Điều chỉnh phát huy thành tích; uốn nắn sửa chữa những lệch lạc; xử lý những vi phạm.

Khi tiến hành kiểm tra, đánh giá hoạt động xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm cần kiểm tra tiến độ thực hiện kế hoạch, nội dung, hình thức, điều kiện tổ chức và tính hiệu quả của hoạt động này.

Sau đó, tiến hành đánh giá kết quả của hoạt động xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm trên cơ sở đối chiếu với những mục tiêu đã đề ra, từ đó đề xuất những biện pháp phù hợp để cải thiện thực trạng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm.

Việc động viên, khen thưởng, tuyên dương những thành tích một cách kịp thời luôn có tác dụng thúc đẩy không khí thi đua sôi nổi, khích lệ tinh thần.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Các yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non

Trong các yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non, yếu tố khách quan gồm công tác chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên. Việc triển khai thực hiện xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non là thực sự cần thiết đúng quy định tại các Thông tư, Văn bản hướng dẫn... Quan điểm chỉ đạo sẽ quyết định các nội dung xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm ở các trường mầm non thực hiện đúng hướng, nghiêm túc và đạt hiệu quả như mong muốn.

Về yếu tố gia đình và các lực lượng xã hội, để xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các lực lượng xã hội như: Các tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương; các đơn vị kinh tế xã hội; hội cha mẹ học sinh...

Nếu nhà trường có kế hoạch và cách thức phối hợp hợp lý và phát huy sức mạnh này thì hiệu quả của việc xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm không những hiệu quả hơn mà còn đảm bảo được sự phối hợp thống nhất giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quá trình giáo dục.

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức của gia đình, các lực lượng xã hội trong việc phối hợp, giúp đỡ nhà trường quản lý, giáo dục con em mình, đồng thời tạo những thuận lợi cho nhà trường trong việc xây dựng trường học hạnh phúc.

Về yếu tố nguồn tài chính của nhà nước, địa phương dành cho hoạt động xây dựng trường học hạnh phúc: Xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm gắn với thực tiễn do vậy để đạt hiệu quả thì cần có nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, do vậy nhà trường cần tham mưu với chính quyền các cấp xin kinh phí đầu tư, đồng thời luôn chủ động tìm kiếm huy động các nguồn lực đầu tư cho hoạt động.

Các yếu tố chủ quan như nhận thức và năng lực của cán bộ quản lý nhà trường. Trong yếu tố này, để có thể xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm đạt được mục tiêu đã đề ra cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cán bộ quản lý trong nhà trường đặc biệt là hiệu trưởng nhà trường.

Hiệu trưởng nhà trường quán triệt nguyên tắc tập trung, dân chủ sẽ tạo ra môi trường sư phạm đoàn kết vì mục đích chung, vì sự phát triển của nhà trường. Cùng với việc triển khai việc xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm cần có sự kiểm tra đôn đốc thực hiện thường xuyên nhằm mục đích đã đề ra.

Một yếu tố chủ quan nữa là trình độ, kỹ năng của giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là môi trường tạo ra các điều kiện để trẻ học tập, vui chơi mà ở đó luôn đặt nhu cầu, hứng thú của trẻ lên hàng đầu.

Giáo viên, nhân viên trong nhà trường là nhân tố quyết định tạo nên môi trường học tập vui chơi, sinh hoạt tại nhà trường, tạo cho trẻ một môi trường mà ở đó trẻ được là trung tâm, hướng trẻ vào các hoạt động một cách tích cực và hứng thú.

Giáo viên luôn tự mình học hỏi nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tay nghề vững vàng và có nhiều đổi mới sáng kiến trong công tác chăm sóc và giảng dạy sẽ góp phần giúp trẻ có được môi trường giáo dục tốt nhất khi đến trường mầm non.

Như vậy, để quản lý xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở các trường mầm non, hiệu trưởng cần phải thực hiện đồng bộ nhiều nội dung quản lý khác nhau. Dựa vào chức năng quản lý của hiệu trưởng trong nghiên cứu này đã xây dựng nội dung quản lý xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở các trường mầm non.

Những yếu tố này bao gồm: Lập kế hoạch xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non; tổ chức thực hiện hoạt động xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non; chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở trường mầm non.

Ngoài ra còn có yếu tố quản lý sử dụng các nguồn lực phục vụ xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm; kiểm tra đánh giá hoạt động xây dựng MTGD lấy trẻ làm trung tâm. Có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến quản lý xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở các trường mầm non trong đó yếu tố thuộc về nhận thức và năng lực của cán bộ quản lý nhà trường mầm non có ảnh hưởng nhiều nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.