Sau hơn 2 năm dịch Covid-19, Malaysia được coi là một trong những quốc gia chịu “tổn thất học tập” cao nhất, làm gia tăng bất bình đẳng trong giáo dục.
Khi trường học chuyển dịch từ dạy trực tiếp sang trực tuyến, Chính phủ Malaysia đã phát động sáng kiến hỗ trợ học sinh mua thiết bị công nghệ phục vụ học tập như máy tính xách tay, máy tính bảng... Đồng thời, nước này đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ chuyển đổi số. Tuy nhiên, trên thực tế, sáng kiến này không mang lại hiệu quả do cơ chế quản lý và cung cấp thiết bị yếu kém.
Theo thông tin từ cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục Malaysia Teo Nie Ching ngày 6/10, khoảng 350 nghìn học sinh nước này chưa được phân bổ máy tính bảng theo sáng kiến của Chính phủ. Chỉ 2.764 máy tính bảng đến tay học sinh. Do đó, nhiều học sinh, sinh viên không thể truy cập vào các nền tảng giáo dục trực tuyến, ảnh hưởng đến kết quả học tập trong giai đoạn dịch Covid-19.
Khoảng cách kỹ thuật số thể hiện rõ nhất tại khu vực nông thôn. Dư luận Malayisa từng đau xót khi chứng kiến video nữ sinh 18 tuổi Veveonah Moisbin, sống tại Pitas, Sabah, phải leo lên một ngọn đồi, ngủ trên một cành cây chỉ để bắt sóng Internet và thi trực tuyến. Hay câu chuyện 8 sinh viên tại bang Sabah may mắn thoát chết khi cây cầu, nơi họ cùng nhau tụ tập để bắt sóng Internet và học trực tuyến, bị sập.
Những thực tế trên đặt ra câu hỏi về mức độ hiệu quả của các chương trình trợ cấp giáo dục trong giai đoạn dịch Covid-19. Nhìn chung, ngành Giáo dục nước này đã bị gián đoạn và ảnh hưởng sâu sắc bởi dịch Covid-19, tác động của nó còn hiện hữu cho đến ngày nay, khi thế giới bước sang trạng thái bình thường mới.
Khi học sinh Malaysia quay trở lại trường học, năng lực học tập và trình độ của các em có sự phân hóa rõ rệt giữa tầng lớp giàu - nghèo, khu vực nông thôn - thành thị. Trong khi một số lớp học chỉ mất thời gian ngắn để bắt nhịp lại với việc học trực tuyến, tại nhiều trường học, giáo viên đang phải dạy lại gần như toàn bộ kiến thức trong giai đoạn học trực tuyến.
Bước sang giai đoạn mới, Chính phủ và Bộ Giáo dục Malaysia đang nỗ lực giải quyết vấn đề trên. Dựa trên gói kích thích Prihatin, các công ty viễn thông cam kết đầu tư 400 triệu RM để mở rộng phạm vi phủ sóng và dung lượng Internet cho vùng khó khăn; đồng thời, cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Ước tính của các chuyên gia công nghệ cho thấy Malaysia cần thực hiện kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng số đến năm 2025, phủ sóng 4G chất lượng cao tại 100% các khu vực đông dân cư và triển khai 5G. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ vấp phải nhiều khó khăn do chi phí lớn, nguồn nhân lực yêu cầu cao.
Các thách thức hiện nay là rào cản để giáo dục Malaysia thực hiện chuyển đổi số và phục hồi giáo dục hậu Covid-19.
Chuyên gia giáo dục Datuk Amar Singh, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu lâm sàng ở Perak, Malaysia, nhận định Chính phủ Malaysia đang vật lộn đối phó với các vấn đề hậu đại dịch Covid-19. Nhưng đất nước chưa thể bước sang trạng thái bình thường mới khi còn nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết, trong đó có bất bình đẳng giáo dục.