Giáo dục lòng yêu nước: Bắt đầu từ những việc đơn giản

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, thay vì vấn đề “đao to, búa lớn”, cần GD cho học sinh từ những việc làm đơn giản, nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Quan trọng hơn, là khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho các em.

Sinh hoạt dưới cờ là một hình thức giáo dục truyền thống yêu nước cho HS. Ảnh: T.G
Sinh hoạt dưới cờ là một hình thức giáo dục truyền thống yêu nước cho HS. Ảnh: T.G

Bắt đầu từ những việc nhỏ

Một ngày như bao ngày, Đinh Thị Ngọc Anh – lớp 11B cùng các bạn trong Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ miệt mài bên từng trang sách, có thời gian em lại cùng các bạn tham gia chăm sóc bồn hoa, cây cảnh trong vườn trường và trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn bán trú của mình. Khái niệm về lòng yêu nước của Ngọc Anh bắt đầu từ những việc làm đơn giản như thế.

Theo Ngọc Anh, yêu nước không phải lúc nào cũng nói thật to là “tôi rất yêu nước” hay phải làm những việc “quốc gia đại sự”. “Với em yêu nước chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm công dân của mình từ những việc làm nhỏ nhất. Có ai bảo, vệ sinh vườn trường, chăm sóc hoa cây cảnh để khung cảnh sư phạm luôn xanh mát, tươi đẹp là chưa yêu nước? Có ai bảo chăm học, làm nhiều việc tốt là chưa phải yêu nước?”, Ngọc Anh đặt vấn đề.

Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Phú Thọ Triệu Trung Kiên cho biết: “Nhà trường luôn chú trọng GD cho HS tinh thần trách nhiệm và ý thức công dân. Trước hết là trách nhiệm với bản thân, sau đó trách nhiệm với nhà trường, gia đình, xã hội. Rộng hơn là trách nhiệm với đất nước. Chúng tôi muốn HS có lối sống đẹp, sống có hoài bão và lý tưởng”.

Tại Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên), thầy Hiệu trưởng Hà Quang Vinh trao đổi: Nhà trường GD tinh thần yêu nước cho HS từ những hành động, cử chỉ nhỏ. Cụ thể, đối với nghi thức chào cờ, thay vì để bàn tay phải lên trán để chào thì cán bộ, giáo viên và HS có mặt sẽ đặt tay phải của mình lên ngực trái – nơi gần trái tim nhất để cảm nhận sâu sắc tình yêu đất nước, đồng thời hát thật to Quốc ca. “Chúng tôi muốn nhắn gửi thông điệp rằng, Tổ quốc luôn trong trái tim mình. Vì thế dù đi đâu, làm gì 2 tiếng thiêng liêng Tổ quốc sẽ nhắc nhở mỗi người phải có ý thức, trách nhiệm bảo vệ và xây dựng đất nước” – thầy Vinh chia sẻ.

Thầy Vinh cho biết thêm, nhà trường cũng tổ chức diễn đàn để GD truyền thống yêu nước của dân tộc cho HS. Nhiều lần, nhà trường đã mời cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh đến nói chuyện thời sự và truyền lửa cho HS về tinh thần dân tộc, qua đó nhân lên tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho các em.

Giới trẻ quan tâm tới biển đảo quê hương
 Giới trẻ quan tâm tới biển đảo quê hương

“Nhúng” các em vào các hoạt động thực tiễn

Còn theo cô Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), GD tinh thần yêu nước cho HS bắt đầu từ GD lòng nhân ái. Chẳng thế mà nhà trường có rất nhiều hoạt động thiện nguyện tại các trường vùng khó, trong đó HS của nhà trường là lực lượng tham gia tích cực. Nhà trường khuyến khích các em trực tiếp tham gia vào các hoạt động như: Thu lượm ve chai, làm kế hoạch nhỏ, xây dựng dự án bán hàng nội bộ để có tiền ủng hộ cho hoạt động từ thiện.

Nhiều trường đã tổ chức giờ chào cờ theo hình thức sân khấu hóa. Theo đó, HS được tham gia hỏi - đáp về kiến thức lịch sử, giúp các em hiểu hơn về truyền thống cách mạng của dân tộc. Từ đó quyết tâm trong học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi xứng đáng với những hy sinh, mất mát của cha ông để bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Cô Thu Anh cho biết: Nhiều người hỏi: Tại sao không huy động phụ huynh đóng góp, nhưng quan điểm của nhà trường là muốn “nhúng” các em vào các hoạt động thực tiễn, để các em biết quý trọng đồng tiền, biết yêu lao động, sản xuất… và quan trọng hơn là giá trị của lòng nhân ái sẽ được nhân lên gấp bội, bởi đó chính là mồ hôi, công sức của các em bỏ ra.

“Sau mỗi lần như vậy, chúng tôi thấy HS của mình trưởng thành hơn rất nhiều, biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống. Đặc biệt, các em sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng xã hội”, cô Thu Anh chia sẻ.

Trao đổi về nội dung này, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ GD Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ đã ban hành Kế hoạch Triển khai Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” của ngành GD.

Theo đó, mục tiêu của Đề án là tăng cường GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam, nhằm tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống phát triển toàn diện; yêu gia đình, có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa; yêu nước, tự hào dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực và bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức và kỹ năng lao động, trở thành những công dân có ích, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Trên tinh thần ấy, Bộ GD&ĐT luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HSSV. Chẳng hạn: Đối với GD phổ thông sẽ lựa chọn các nội dung GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa có giá trị và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm và sự phát triển của HS cũng như của xã hội. Đồng thời GD cho HS hành vi và chuẩn mực đạo đức; GD ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn. Bộ cũng yêu cầu, các đơn vị bố trí thời lượng phù hợp cho hoạt động Đoàn, Đội, Hội, hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong Chương trình GD phổ thông mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.