Giáo dục lối sống cho học sinh tiểu học

GD&TĐ - Dạy lối sống trước tiên là dạy học sinh làm thực, nói thực. Giáo dục lối sống ở bậc tiểu học nhằm hình thành lối sống tiết kiệm, có trách nhiệm, biết chia sẻ, được thể hiện ra bên ngoài bằng các hành vi chuẩn mực, có văn hóa.

Giáo viên có vai trò quan trọng trong giáo dục lối sống cho học sinh
Giáo viên có vai trò quan trọng trong giáo dục lối sống cho học sinh

Đó chia sẻ của Tiến sĩ Ngô Thị Tuyên – Trung tâm Công nghệ Giáo dục (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) tại Hội thảo "Giải pháp Công nghệ giáo dục bậc Tiểu học" được tổ chức tại Hà Nội vừa qua

Giáo dục lối sống thể hiện ở quan hệ thầy, trò

Quan hệ cơ bản nhất giữa giáo viên và học sinh là quan hệ làm việc. Với cách này, ý nghĩa của nó sẽ rất lớn. Nó sẽ tạo dựng cả một nề nếp làm việc của một công dân sau này. GDLS thực chất là hệ quả của quan hệ làm việc. Làm việc như thế nào thì đạo đức, ý thức kèm theo như thế ấy. Làm đến nơi đến chốn thì ý thức kỷ luật cũng “đến nơi đến chốn”. 

Theo TS Tuyên, giáo dục lối sống (GDLS) thể hiện trước tiên ở quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Quan hệ này không còn là quan hệ chịu ơn, ban ơn; bề trên - kẻ dưới; giảng giải - ghi nhớ...

Quan hệ giáo viên – học sinh được thực hiện theo cơ chế phân công – hợp tác, phản ánh sự phân công xã hội của nền sản xuất đại công nghiệp. Quan hệ này thể hiện sự bình đẳng về mặt xã hội, khác nhau về chức năng trong quá trình hoạt động chung.

Quan hệ giáo viên - học sinh được diễn đạt bằng công thức Thầy thiết kế - Trò thi công nhằm tạo ra sự trưởng thành và phát triển riêng của trò. Cơ chế này được hình thành thông qua việc làm: Thầy giao việc, làm mẫu - Trò làm theo mẫu của thầy.

Nguyên lí cơ bản của Công nghệ giáo dục (CGD) là thầy thiết kế sao cho mỗi học sinh tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình.

Việc làm mẫu còn phải được thể hiện ở cả cách đi đứng, nói năng, ăn mặc, chữ viết, thái độ của thầy...

Nếu thầy cô giáo ở trường có thái độ không tốt đối với trẻ, chúng sẽ học theo các thầy cô, đối xử không tốt với bạn bè và người xung quanh.

Nói cách khác, hành vi của giáo viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lí cũng như sự hình thành tính cách của trẻ. Thầy cần công bằng và bình đẳng trước tất cả học sinh. Mọi học sinh đều được quan hệ trực tiếp với thầy và quan hệ trực tiếp với nhau.

Vai trò của giáo viên trong GDLS học sinh

Giáo viên cần khuyến khích học sinh trao đổi, giúp đỡ nhau trong học tập.

Mỗi lời thầy nói ra là một lời giao việc. Mọi yêu cầu thầy đưa ra phải được thi hành thật nghiêm. Ngay từ đầu trẻ phải làm cho đúng. Nếu chưa đúng phải làm lại cho đúng mới thôi. Đúng là đúng từ việc làm, nghiêm là nghiêm trong việc làm, chứ không phải ở thái độ.

Giáo viên phải khẳng định đúng hay chưa đúng, chuẩn hay chưa chuẩn, không nói đúng hay sai. Nếu học sinh làm chưa đúng thì làm lại cho đúng. Đừng thấy học sinh làm sai mà chấm điểm kém luôn. Em làm sai thì làm lại.

Giáo viên giúp em làm lại cho đúng, điểm lúc đó vẫn có thể là điểm khá, điểm giỏi, bởi chấm điểm không phải để bắt lỗi học sinh, mà chấm điểm để phát hiện những chỗ chưa đúng để học sinh làm lại cho đúng.

Bằng cách làm đúng, nói đúng trong học tập, chúng ta sẽ dạy được các em trở thành người đàng hoàng, không làm đối phó, không nói dối. Bằng cách đó, sự thân thiện thầy – trò cũng được xây dựng ngay từ ngày đầu đến lớp. Chính việc học như vậy sẽ tôn trọng người học, giúp người học tự tin hơn.

Sự tôn trọng ở nhà trường không phải bằng lời nói, mà bằng việc làm. Thầy giúp trò làm được tức là tôn trọng trò. GDLS cho trò, nhưng lại phải điều chỉnh chính cách cư xử của thầy. Không chỉ môn GDLS, thiết kế tất cả các môn học khác cũng phải đi theo hướng này.

GDLS cho học sinh để các em biết tại sao mình phải làm như thế
 GDLS cho học sinh để các em biết tại sao mình phải làm như thế

Giáo dục bằng trải nghiệm những tình huống thực tiễn

GDLS phải dạy trẻ biết cái lí tại sao em phải làm như thế. Chỉ giáo dục hành vi mà không hiểu lí lẽ sẽ không thuyết phục được trẻ, không bền vững. Học GDLS không dừng lại ở mặt nhận thức, “nói được”, mà phải để cho trẻ “làm được”. Lối sống của HS được hình thành từ trước khi đi học, do vậy phải chấp nhận những cái có sẵn từ gia đình và phối hợp chặt chẽ với gia đình.

Một quy tắc quan trọng trong thiết kế GDLS: giáo dục bằng việc làm cụ thể của học sinh. Giáo viên không nói suông, không bắt buộc trẻ “phải” ghi nhớ yêu cầu và thực hiện, mà thông qua việc làm của mình, trẻ rút ra được cách ứng xử và giá trị của hành vi có văn hóa.

Thiết kế GDLS có một số cách: Giúp trẻ trải nghiệm tình huống thực tiễn và được hướng dẫn cần ứng xử như thế nào hoặc mô phỏng tình huống thực để trẻ trải nghiệm và được hướng dẫn các việc làm theo mẫu.

Các hình thức như thực hành, trò chơi, đóng vai, xem băng hình, nghe kể chuyện, trao đổi thảo luận, tự nghiên cứu… cần được vận dụng đưa vào từng nội dung thiết kế. Sự tương tác giữa trẻ với nhau trong GDLS rất cần thiết. 

Trong quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin, trẻ hiểu bạn hơn, hiểu bản thân mình hơn, dễ chia sẻ, cảm thông với bạn và tăng cường tinh thần trách nhiệm. Hãy khuyến khích trẻ suy nghĩ, chất vấn, phát biểu ý kiến dù đúng hay sai, thuyết trình, và tham gia nhiều vào hoạt động nhóm.

Tuy nhiên, trẻ tiểu học còn nhiều bỡ ngỡ với các hoạt động tập thể, hoạt động nhóm. Chúng ta sẽ tập dần cho các em từ việc trao đổi chung trước toàn thể lớp đến việc bắt đầu từ nhóm nhỏ nhất (2 em). Các em sẽ quen dần với hình thức học tập này, vừa dân chủ, vừa chia sẻ, vừa tạo năng lực tự tin.

Ngoài ra, có thể tác động vào nhận thức, tình cảm của trẻ để trẻ suy nghĩ thay đổi hành vi. Bằng việc phân tích các câu chuyện kể hay, ngắn gọn, xúc động, chúng ta có thể tác động sâu sắc tới tình cảm của trẻ, gợi cho trẻ mối quan tâm và từ đó sẽ chuyển biến thành hành vi.

Chuyện kể dưới các hình thức: bằng lời kết hợp với động tác, cử chỉ hay đóng vai, hay tranh ảnh, băng hình.

Khác với các môn khoa học, khái niệm lần lượt được hình thành và trở thành phương tiện hình thành khái niệm tiếp theo trong chuỗi khái niệm từ trừu tượng đến cụ thể dần, kịch bản của Giáo dục lối sống diễn ra từ cuộc sống gia đình - nhà trường - xã hội nhỏ bé mà em được tiếp xúc.

Lối sống diễn ra hằng ngày, lặp đi lặp lại, trong các tình huống, hoàn cảnh sống khác nhau, trong các mối quan hệ khác nhau. Trẻ học lối sống để trở thành con người bình thường, biết ứng xử phù hợp, có văn hóa trong cuộc sống hằng ngày. Muốn hành vi trở thành thói quen, phải luyện tập thường xuyên. Muốn hành vi có đạo đức, trẻ phải hiểu rõ tại sao phải làm như vậy.

Giáo dục lối sống phải từ khi còn bé, rất kĩ, không đại khái, mới hi vọng có được nhân cách như mong muốn.

Mục đích của GDLS ở lớp 1 là để cho các em biết được mình đã trở thành học sinh lớp Một, nhà trường là một môi trường mới, một xã hội mới với những quy tắc, quy định em có trách nhiệm tôn trọng, tuân theo.

Các em cần hiểu biết về trường mình, lớp mình. Cần biết cách cư xử với thầy cô, bạn bè và các cô bác nhân viên trong trường; biết sử dụng, giữ gìn các đồ dùng học tập, đồ dùng trên lớp... Biết quan tâm đến bố mẹ, ông bà và anh chị em ruột của mình. Biết chăm sóc đến bản thân mình. Biết tự phục vụ những việc có thể làm. Biết cách ăn, ngủ điều độ, khoa học, hợp vệ sinh. Biết xử lí một số tình huống khi phải đối mặt. Biết cư xử có văn hóa với bản thân và ở những nơi công cộng. Em cần hiểu biết môi trường xung quanh em và góp phần làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.