Kết nối bằng sáng tạo
Thời gian vừa qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng đã không ngừng nỗ lực đổi mới trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Một trong những nội dung quan trọng được các nhà trường chú trọng là khơi gợi tình yêu của thế hệ trẻ với văn hóa, lịch sử quê hương.
Với mong muốn tạo diễn đàn hấp dẫn, phù hợp với tuổi trẻ, trường THPT Chuyên tỉnh Cao Bằng đã khuyến khích các câu lạc bộ học sinh ứng dụng công nghệ để kết nối, lan tỏa các giá trị truyền thống, xây dựng nền tảng học tập trực tuyến về văn hóa quê nhà.
Với sự tâm huyết và sáng tạo, nhóm học sinh Nhà trường đã xây dựng dự án “English for Cao Bang Tourism” - Hỗ trợ nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh giao tiếp cơ bản trong phát triển bền vững du lịch cộng đồng của Cao Bằng. Nhờ đó, các em được vận dụng kiến thức, kĩ năng mới vào trải nghiệm thực tế các làng nghề, lễ hội, sinh hoạt văn hóa quê nhà.
Câu lạc bộ STEM của Nhà trường còn gây “bất ngờ” khi sử dụng công nghệ thực tế ảo VR để xây dựng “Bảo tàng Văn hóa ảo Cao Bằng”, tạo nên không gian sống động giúp người xem khám phá các hiện vật, di tích, di sản văn hóa lịch sử của vùng quê non nước Cao Bằng.
Trong khi đó, tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng, các thầy cô giáo đã xây dựng những chương trình sinh hoạt gắn với lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số. Điều này giúp cho học sinh cảm thấy yêu mến, tự hào hơn về những giá trị ý nghĩa mà cha ông để lại.
Câu lạc bộ Đàn tính - Hát then của Nhà trường là nơi để các em cùng nhau tập luyện, trình diễn, giữ gìn điệu ca tiếng hát truyền thống, mà còn giới thiệu nét đẹp đặc sắc này đến du khách trong và ngoài nước. Các tiết mục hát then của CLB tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất châu Á- Thái Bình Dương tổ chức tại Cao Bằng tháng 9 năm 2024 được các đại biểu quốc tế đón nhận, đánh giá cao.
Những giờ ngoài lớp học
Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh chú trọng việc cho học sinh trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu những giá trị về truyền thống lịch sử của quê hương cách mạng. Trong đó, việc đưa các em đi thực tế tại các di tích lịch sử đã đem lại những hiệu quả giáo dục sâu sắc.
Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 215 khu/điểm di tích lịch sử, với 3 khu di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh. Đây là những địa chỉ đỏ để các nhà trường khơi gợi, bồi đắp cho thế hệ trẻ tình yêu, niềm tự hào với truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương.
Một số địa điểm nổi tiếng thường được các nhà trường đưa học sinh đến tham quan học tập có thể kể đến: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (huyện Hà Quảng), Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 (huyện Thạch An)…
Những giờ học bên ngoài lớp học đã đem đến những kiến thức thực tế, tạo sự khơi gợi thôi thúc, giúp các em quay trở về với lịch sử, truyền thống một cách tự nhiên, hào hứng.
“Chúng em có được những trải nghiệm rất ấn tượng, qua đó hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử, bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc quê hương mình” - em Tô Bảo Khanh, học sinh trường THPT Nà Bao huyện Nguyên Bình hào hứng bày tỏ sau những chuyến cùng bạn bè hành trình về nguồn.
“Em có những cảm xúc rất đặc biệt, như được phần nào hòa mình vào không gian lịch sử để cảm nhận sự thiêng liêng khi được đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo” - em Nguyễn Thanh Tâm, học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bảo Lâm xúc động chia sẻ.