Giáo dục Lào khắc phục khủng hoảng bằng thư viện di động

GD&TĐ - Ngành Giáo dục Lào từ lâu đã phải giải quyết bài toán nâng cao trình độ của giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục.

Học sinh trường Tiểu học Konkham xem những cuốn sách được chuyển đến thông qua dự án thư viện di động. Ảnh: Aide et Action
Học sinh trường Tiểu học Konkham xem những cuốn sách được chuyển đến thông qua dự án thư viện di động. Ảnh: Aide et Action

Đợt bùng phát Covid-19 gần đây đã khiến các trường học đóng cửa một lần nữa, làm gián đoạn sự thay đổi rất cần thiết trong đổi mới cách tiếp cận học tập cho học sinh.

Khó trở lại trường học

Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến việc đi học trực tiếp, hệ thống giáo dục của Lào đã phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của học sinh. Nghiên cứu từ lâu đã cho thấy nhiều em gặp khó khăn với khả năng đọc viết cơ bản và toán học, dẫn đến tỷ lệ học sinh bỏ học cao.

Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất ở Lào, trẻ em ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số chủ yếu dựa vào giáo dục trực tuyến với mức truy cập Internet ít ỏi. Mittaphab, người làng NamPhaet (tỉnh Viêng Chăn), tình nguyện viên của thư viện di động cho biết: “Học sinh không học trong thời gian giãn cách xã hội, việc đóng cửa trường thực hiện khẩn cấp nên giáo viên không sẵn sàng có kế hoạch để giao bài tập cho học sinh. Các gia đình nông dân phải đưa con em họ ra đồng trong thời gian trường đóng cửa, điều đó ngăn cản bọn trẻ học ở nhà”.

Mittaphab lo ngại, điều này có nguy cơ khiến trẻ em quên việc học và không muốn quay lại trường. “Hầu hết học sinh thực sự thích các hoạt động của thư viện di động và qua đó các em đã cải thiện việc đọc và nói tốt hơn. Nhưng tôi sợ học sinh quên những gì đã học và cũng không muốn thấy các em từ bỏ việc học”, Mittaphab nói.

Trọng tâm của dự án Thư viện di động của ngành Giáo dục Lào triển khai trong thời gian vừa qua là phương pháp “vừa học, vừa chơi” nhấn mạnh vào các hoạt động thúc đẩy sự khám phá và học tập thực hành. Các hoạt động tại thư viện di động bao gồm ca hát, khiêu vũ, nghệ thuật, trò chơi đếm số… Trước khi Covid-19 bùng phát gần đây nhất, dự án Thư viện di động được hỗ trợ bởi tổ chức phi lợi nhuận quốc tế về giáo dục bền vững (Aide et Action), cung cấp cho trẻ em dân tộc thiểu số thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp tiếp cận với sách truyện, đồ chơi giáo dục và công nghệ kỹ thuật số như máy tính bảng chứa sách và trò chơi ngoại tuyến.

Vithanya Noonan - Giám đốc Aide et Action Lào cho biết, các thư viện di động không chỉ nhằm phục vụ học sinh trực tiếp mà còn để bồi dưỡng cho giáo viên những phương pháp giáo dục mới. Noonan giải thích: “Dự án đạt hơn 6 nghìn học sinh vào năm 2021 nhưng điều quan trọng không kém là đội ngũ giáo viên được đào tạo. Gần 200 giáo viên lớp 3 - 5 đã được đào tạo về các phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, thân thiện với trẻ em và áp dụng chúng trong các lớp học của họ. Chúng tôi đã thấy 3/4 học sinh của họ cải thiện kết quả học tập”.

Các thư viện di động của Aide et Action do các tình nguyện viên cộng đồng dẫn đầu đang tiếp cận 29 trường học với hơn 6 nghìn học sinh từ các nhóm dân tộc thiểu số và 237 giáo viên trên khắp các tỉnh Viêng Chăn và Oudomxay.

Trong khi trọng tâm chính là cải thiện kết quả học tập cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, tổ chức cũng đang cộng tác với chính phủ cho Kế hoạch phát triển ngành giáo dục và thể thao 2021 - 2025 để nâng cao kỹ năng cho giáo viên về các phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, thân thiện với trẻ em.

Là một phần của kế hoạch, các nhà quản lý sẽ tích hợp các chiến lược này vào chương trình giảng dạy tiểu học mới được phát triển thông qua chương trình giáo dục 10 năm do Chính phủ Lào xây dựng với sự hỗ trợ của Chính phủ Úc và Liên minh châu Âu.

Chương trình học mới đang được triển khai theo từng giai đoạn, với lớp 1 được áp dụng vào năm 2019, lớp 2 vào năm 2020 và lớp 3 vào năm 2021. Lớp 4 và 5 được thực hiện vào năm 2022 - 2023 và tất cả các giai đoạn sẽ cung cấp sách giáo khoa cho học sinh. Các trường học sẽ nhận được tài liệu giáo dục bổ sung, chẳng hạn như sách truyện. “Đó là lý do tại sao các tình nguyện viên của thư viện di động Aide et Action mang sách ra bên ngoài và tổ chức trò chơi. Phần thú vị là trò chơi”, Mittaphab nói.

Sáng kiến thư viện di động cung cấp sách cho học sinh tiểu học ở Trường Tiểu học Phonsavath. Ảnh: Aide et Action
Sáng kiến thư viện di động cung cấp sách cho học sinh tiểu học ở Trường Tiểu học Phonsavath. Ảnh: Aide et Action

Cải thiện kỹ năng

Bằng cách khuyến khích sự tò mò thông qua chơi mang tính xây dựng, nghiên cứu cho thấy trẻ em có thể cải thiện các kỹ năng khó về ngôn ngữ, đọc viết và toán học, cũng như các kỹ năng xã hội và cảm xúc. Nghiên cứu giáo dục cũng phát hiện ra, học tập vui tươi có thể dạy khả năng lãnh đạo cũng như các kỹ năng làm việc nhóm để chuẩn bị cho học sinh hội nhập xã hội.

“Miễn là những đứa trẻ vui vẻ, chúng sẽ có nhiều khả năng tham gia và học hỏi hơn - đặc biệt là trẻ em thuộc các nhóm dân tộc thiểu số chưa thông thạo tiếng Lào”, Vithanya nói thêm.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, gần 20% học sinh tiểu học Lào sẽ không theo hết lớp 5. Trong số những học sinh lên lớp 4, gần 25% không thể đọc chính xác ba từ tiếng Lào.

Vithanya giải thích: “Việc giảng dạy/ học tập trong lớp học theo chương trình của nhà nước thường chỉ giới hạn ở các môn học ở trường được dạy bằng tiếng Lào. Nó không hiệu quả với tất cả trẻ em và đó là lý do tại sao chúng tôi sử dụng trò chơi để thu hẹp khoảng cách ngay từ khi các em còn nhỏ. Chất lượng giảng dạy kém đang tác động không chỉ đến sự phát triển học tập của trẻ em mà còn đối với sự phát triển xã hội và nhận thức của chúng. Trẻ em thiếu sự tự tin, kiến thức và kỹ năng để hòa nhập vào xã hội bên ngoài ngôi làng của chúng. Việc học sinh dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết về tiếng Lào khiến các em cảm thấy khó khăn trong việc học tập và kết quả là các em không tự tin vào bản thân, không có khả năng theo đuổi con đường học vấn cao hơn”.

Mặc dù chương trình giảng dạy hiện tại của Lào khuyến khích giáo viên dành 20% thời gian trên lớp cho các hoạt động ngoại khóa để cho phép học tập toàn diện hơn, lấy học sinh làm trung tâm, nhưng giáo viên thường không làm điều đó.

Đây là lúc những tình nguyện như PuYar bước vào câu chuyện. Mặc dù cô không phải là một giáo viên theo chuyên môn, nhưng PuYar gần đây đã hoàn thành chương trình giáo dục THCS khi cô quyết định đóng góp cho cộng đồng của mình. Cô tham gia dự án thư viện di động sau khi xem các trường học liên quan đến Covid-19 bị đóng cửa vào năm ngoái, điều mà cô sợ sẽ dẫn đến việc trẻ em trong làng bỏ học.

Bằng cách điều hành các hoạt động ngoại khóa của thư viện di động, PuYar hy vọng cô có thể hỗ trợ sự phát triển của trẻ em đồng thời nuôi dưỡng tình yêu đọc sách khiến chúng háo hức trở lại trường học dù đã đóng cửa.

“Tôi thích đọc sách cho trẻ em nghe vì tôi thấy chúng thích học và giờ chúng yêu cầu sự giúp đỡ. Chúng hỏi những từ khác nhau nghĩa là gì và tôi thấy chúng mở rộng vốn từ vựng của mình”, PuYar nói.

Theo Southeastasiaglobe

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.