Giáo dục huyện Vĩnh Bảo triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng năm học 2022-2023

GD&TĐ - Sáng ngày 4/10, Ngành GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022- 2023.

Cán bộ, giáo viên Ngành GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo nhận khen thưởng.
Cán bộ, giáo viên Ngành GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo nhận khen thưởng.

Tham dự hội nghị có ông Phạm Quốc Hiệu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cùng các đại biểu ban ngành trên địa bàn huyện.

Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT, trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo có 88 đơn vị giáo dục và 1 TTGDNN - GDTX với tổng số 1.324 lớp và 45.727 học sinh; toàn huyện có 2762 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, trong đó trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm tỉ lệ lớn.

Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống, giáo dục nghề, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Vì vậy, dù dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp nhưng chất lượng giáo dục của toàn huyện vẫn đạt kết quả cao.

Cụ thể, giáo dục Mầm non đã thực hiện có hiệu quả Chương trình GD Mầm non của Bộ GD&ĐT giúp trẻ phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, việc nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng chống tai nạn thương tích, dịch bệnh cho trẻ cũng được thực hiện nghiêm túc.

Giáo dục Tiểu học tiếp tục tập trung cao trong việc chỉ đạo rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Giáo dục Trung học tập trung giáo dục kỹ năng, đạo đức lối sống, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Nhờ việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực mà năm học 2021-2022 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THCS của toàn huyện Vĩnh Bảo là 100%, tăng 0.04% so với năm học trước. Kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 của huyện có nhiều tiến bộ với điểm trung bình tăng từ 1- 2 bậc; số lượng học sinh đạt điểm 10 tăng cao so với năm học trước. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%, tăng 0,33%, điểm trung bình các môn thi là 6,83.

Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn của huyện đã có sự tiến bộ rõ rệt. Năm học 2021-2022, cấp THPT của huyện Vĩnh Bảo có 207 học sinh đoạt giải đạt tại các cuộc thi do Sở GD&ĐT tổ chức; trong đó có 16 giải Nhất, 45 giải Nhì, 68 giải Ba, 78 giải KK. Kết quả Giao lưu HSG cấp quốc gia đạt 03 giải.

Công tác khuyến học, khuyến tài được UBND huyện quan tâm. Các hoạt động của phong trào khuyến học phát triển ngày càng sâu rộng ở các xã, thị trấn, khu dân cư, dòng họ, đơn vị nhằm động viên kịp thời giáo viên giỏi, học sinh giỏi và học sinh nghèo vượt khó.

Với kết quả đã đạt được, năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra. Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7, lớp 10 phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo tiền đề cho các năm học tiếp theo. Đồng thời, khắc phục tình trạng lạm thu đầu năm học; chỉ đạo việc tổ chức dạy thêm, học thêm phù hợp với tình hình thực tiễn.

Huyện Vĩnh Bảo cũng phấn đấu đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học; đảm bảo 100% các đơn vị trường học thực hiện nghiêm công tác tự đánh giá, cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục.

Vĩnh Bảo quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” làm cơ sở xây dựng các mô hình “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”. Phấn đấu cuối năm 2022, huyện được công nhận huyện học tập.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quốc Hiệu ghi nhận và biểu dương những thành tích mà ngành giáo dục huyện Vĩnh Bảo đã đạt được trong năm học vừa qua. Đồng thời Phó Giám đốc Sở chỉ ra những điểm tốt cần phát huy và những hạn chế mà Ngành cần khắc phục để năm học 2022-2023 đạt nhiều thắng lợi mới.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2022-2023, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Lân yêu cầu các địa phương xây dựng mỗi trường học, mỗi cấp học, mỗi bậc học một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và phương pháp sư phạm giỏi làm nòng cốt trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Kiểm tra, đánh giá, phân loại đội ngũ giáo viên; tăng cường sinh hoạt chuyên môn ở trường theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy.

Các trường học cần thường xuyên tổ chức các hội thảo đánh giá tình hình giảng dạy của đơn vị, tập trung đi sâu vào việc tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy các bộ môn văn hóa, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ