Cô Phan Thị Thủy, Trường tiểu học Nguyễn Khuyến và học sinh lớp 3C1, Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền) đã lên lớp bài 7: Sử dụng chuột máy tính.
Với các thao tác dạy học linh hoạt, phương pháp tích cực, cô Thủy giúp học trò tìm hiểu về thành phần cơ bản của máy tính, vị trí nút chuột, cách cầm chuột, tác dụng cầm chuột đúng cách, luyện tập và vận dụng kiến thức thực hành.
Học sinh được làm việc cá nhân, làm việc nhóm, thực hành trên máy nên rất hào hứng tương tác cùng cô và các bạn.
Chuyên đề được lãnh đạo ngành Giáo dục đánh giá cao. Cách triển khai giờ dạy môn Tin học lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018 của cô Thủy nhận được sự đồng tình của giáo viên đang dạy Tin học trong toàn thành phố.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo nhà trường, giáo viên Tin học tại Hải Phòng còn băn khoăn về việc thiếu giáo viên dạy bộ môn, trong khi cơ sở vật chất còn thiếu thốn.
Học sinh hào hứng, tích cực tương tác cùng giáo viên. |
Trong nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình, theo chia sẻ, cách mà nhà trường đang thực hiện để "lấp khoảng trống" đội ngũ bộ môn Tin học là sử dụng giáo viên hợp đồng có bằng Tin học, giáo viên văn hóa có chứng chỉ Tin học để lên lớp.
Cô giáo Bùi Thị Nam- Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Niệm, quận Lê Chân bày tỏ: Nhà trường thiếu giáo viên biên chế môn Tin học, cũng không có giáo viên hợp đồng môn này; cơ sở vật chất còn khó khăn để dạy bộ môn. Nên để thực hiện Chương trình GDPT 2018, trường tạm thời bố trí giáo viên văn hóa có chứng chỉ Tin học để giảng dạy bộ môn.
Cô Nam đề xuất, trong thời gian tới các cấp ngành quan tâm tuyển dụng bố trí giáo viên biên chế hoặc hợp đồng môn Tin học cho nhà trường; mong muốn được trang bị thêm một số máy tính mới để đáp ứng nhu cầu dạy học của học sinh. Đây cũng là mong muốn của các trường tiểu học trên địa bàn thành phố để thực hiện hiệu quả việc giảng dạy môn Tin học lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT đánh giá cao chất lượng chuyên đề môn Tin học của quận Ngô Quyền. |
Ông Phạm Quốc Hiệu- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố ghi nhận những nỗ lực của cô giáo Thủy khi lên lớp chuyên đề chuyên môn cấp thành phố rất thành công. Chuyên đề là cơ hội thầy cô cùng bàn giải pháp khắc phục khó khăn, nỗ lực tham mưu cho chính quyền địa phương để bù lấp thiếu thốn cơ sở vật chất; linh hoạt giải pháp bổ sung đội ngũ khi chính sách tuyển dụng giáo viên chưa đáp ứng kịp.