Giáo dục học sinh “cá biệt”: Lạt mềm buộc chặt

GD&TĐ - Học sinh của nhà trường chủ yếu là con em nông dân, hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em còn thuộc diện “cá biệt” đòi hỏi phải có phương pháp giáo dục để uốn nắn, giáo dục các em trở thành người tốt, mai này có ích cho xã hội. Với những học sinh này, “lạt mềm buộc chặt” lại là phương pháp hữu hiệu để các em “thay tâm, đổi tính”. Đó là chia sẻ của cô Luyện Thị Tĩnh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hạ Hòa, Phú Thọ).

Giáo dục học sinh “cá biệt”: Lạt mềm buộc chặt

Kỷ cương, tình thương và trách nhiệm

Với đặc thù là trường tư thục, cô Luyện Thị Tĩnh cho biết, năm nào nhà trường cũng có những học sinh hư, nghịch thuộc diện “cá biệt”. Song không vì thế mà nhà trường từ chối tuyển những em này. Vấn đề đặt ra là phải có phương pháp giáo dục để “thuần hóa” các em. Theo kinh nghiệm của cô Tĩnh, sau khi tuyển sinh xong, xếp lớp ổn định, Ban giám hiệu sẽ cùng với các giáo viên chủ nhiệm nghiên cứu kỹ hồ sơ của các em và tìm hiểu từng đối tượng học sinh.

Khi biết là sẽ có những học sinh “cá biệt”, việc đầu tiên là phải chọn cử giáo viên chủ nhiệm vừa tâm lý, vừa mềm dẻo nhưng cũng đủ “cứng” khi cần. Thứ hai, Ban giám hiệu sẽ gặp trực tiếp phụ huynh và học sinh, sau đó đề nghị học sinh viết bản cam kết thực hiện tốt mọi nội quy của nhà trường. Nếu không thực hiện được cam kết, học sinh sẽ phải tự thôi học. Bản cam kết đó sẽ có chữ ký của phụ huynh học sinh. Thứ ba, nhà trường xây dựng và củng cố nền nếp, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm.

“Đối với học sinh hư, vi phạm quy chế, nhà trường cũng sẽ tạo nhiều cơ hội cho các em sửa chữa. Trong trường hợp tha thứ, tạo điều kiện đến 4 - 5 lần, thậm chí là nhiều hơn thế mà các em vẫn không thay đổi, vẫn vi phạm nội quy và cam kết thì nhà trường buộc phải cho học sinh đó thôi học. Vậy nên học sinh nào mà bị nhà trường buộc thôi học cũng đều rất tâm phục, khẩu phục” - cô Luyện Thị Tĩnh cho hay.

Theo cô Tĩnh, việc sử dụng hình thức buộc thôi học là cực chẳng đã. Lý giải về việc học sinh vi phạm quy chế và bản cam kết nhiều lần mà vẫn không phải nghỉ học, cô Tĩnh chia sẻ: Nếu học sinh vi phạm quy chế và bản cam kết 1 - 2 lần mà buộc thôi học thì đó không phải là một biện pháp tốt và có phần cứng nhắc. Nguyên tắc quá không phải lúc nào cũng tốt, thậm chí còn “lợi bất cập hại”. Quan trọng phải tìm cách giáo dục, uốn nắn để các em không còn là học sinh cá biệt. Sự kiên nhẫn, bao dung và lòng vị tha sẽ là giải pháp hữu hiệu trong nhiều trường hợp.

Có cương, có nhu

Kể lại câu chuyện về những học sinh của nhà trường, cô Tĩnh cho biết, có những phụ huynh từng đến trường ca thán về con cái của mình rằng: “Tôi chịu rồi, tôi nói nó không nghe, không thể nào dạy bảo được nó...”.

“Ấy vậy mà chúng tôi đã làm được những điều tưởng như không tưởng. Với những em này, nhiều khi phải “lạt mềm buộc chặt” không thể quát tháo, nạt nộ hoặc nay nói đuổi học, mai yêu cầu mời phụ huynh lên trường làm việc, như thế là phản tác dụng. Đôi khi chỉ cần câu nói: “Cô vẫn tin em! Cô tin, nếu em cố gắng thì em sẽ là người thành công” vậy mà có thể thay đổi tình thế, “cảm hóa” được những học sinh này. Vì thế, nhiều em khi mới vào trường còn chưa ngoan, nghịch ngợm nhưng sau khi học xong lớp 12 thì bố mẹ đến cảm ơn giáo viên, nhà trường vì không nghĩ con mình lại trưởng thành đến như vậy” - cô Tĩnh bộc bạch.

    “Giáo dục học sinh cá biệt cũng cần phải có nguyên tắc. Nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng theo nguyên tắc bởi nếu cứng có thể sẽ phản tác dụng. Tôi luôn nhắc các giáo viên rằng, đừng để cho các em cảm thấy bị đẩy vào chân tường và vào bước đường cùng. Thay vì điều đó, hãy kéo các em lại với chúng ta, để các em cảm nhận được sự yêu thương, mong muốn về những điều tốt đẹp đến với các em ”.
Cô Luyện Thị Tĩnh

Cô Tĩnh nhớ lại về một học sinh từng rất hư, thậm chí là “cá biệt của cá biệt”. Trong năm học, em liên tục vi phạm nội quy của nhà trường. Hết năm học, tưởng chừng như hết cách khi học sinh đó vẫn không tiến bộ, nhà trường đã có ý định buộc thôi học. Nhưng rồi nghĩ lại, Ban giám hiệu quyết định mời phụ huynh lên để nói chuyện và tìm giải pháp giáo dục hiệu quả.

Theo đó, nhà trường tiếp tục yêu cầu gia đình và học sinh đó thực hiện đầy đủ các quy định. Sau đó, xếp em đó vào lớp có giáo viên chủ nhiệm rất nghiêm khắc nhưng cũng rất tâm lý. Bằng các phương pháp giáo dục mềm dẻo, “có nhu, có cương”, uốn nắn dần dần rồi học sinh đã trở thành một học trò chăm ngoan, học giỏi. Hết lớp 12, em đã thi đỗ vào trường công an và giờ đã trở thành một chiến sỹ công an nhân dân.

Cũng theo cô Tĩnh, còn có rất nhiều em từng là học sinh cá biệt, luôn “đội sổ” của lớp, của trường nhưng bằng tình yêu thương chân thành, các thầy, cô đã dìu dắt, định hướng cho các em trở thành những người có ích xã hội. “Trong số đó, có nhiều em đã trở thành những người đồng nghiệp của chúng tôi. Nhiều em là doanh nghiệp, phiên dịch viên… Nhìn các em trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống chúng tôi rất vui, tự hào, hạnh phúc và lấy làm hãnh diện” - cô Tĩnh trải lòng.

Sau nhiều năm trong nghề, cô Tĩnh đã rút ra kinh nghiệm rằng, đối với học sinh “cá biệt” cũng cần có phương pháp giáo dục “cá biệt”. Trên hết là sự tận tâm, hết lòng thương yêu học trò, coi học trò như con đẻ của mình. Mặt khác, giáo viên cần có kỹ năng sư phạm tốt, nhất là khả năng ứng xử sư phạm trước những tình huống bất ngờ mà những học sinh này mang đến. Theo đó, linh hoạt, mềm dẻo, có cương, có nhu là những kỹ năng rất cần đối với mỗi một giáo viên khi trong lớp, trong trường có học sinh “cá biệt”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.