Kết quả chưa tương xứng với vị thế
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của ngành GD-ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong nhận xét, đóng góp của ngành GD-ĐT cho sự phát triển chung của Thủ đô trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 là rất quan trọng, khẳng định sự nỗ lực, tinh thần chủ động, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ giáo viên, của phụ huynh, học sinh trên địa bàn toàn thành phố.
Tuy nhiên, ngành Giáo dục Hà Nội vẫn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục như: Tư vấn tâm lý học đường cho học sinh còn bỏ ngỏ, mối quan hệ gia đình- nhà trường- xã hội tại một số nơi còn chưa thực sự được quan tâm, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều nhà trường vẫn nhiều thiếu thốn.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn cũng đặt ra cho Hà Nội nhiều trăn trở. Báo cáo của ngành cho thấy, giáo dục mũi nhọn tiếp tục được duy trì nhưng cũng cần nhìn nhận lại để đánh giá sát hơn.
Bên cạnh đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy có những kết quả nhất định, môn Toán và Tiếng Anh thuộc tốp đầu nhưng các môn khác chỉ trong tốp giữa, môn Sinh học lại nằm trong tốp cuối. Nhiều năm liền, Hà Nội vẫn loanh quanh vị trí 25 cả nước về thứ hạng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tuy không quan trọng việc xếp hạng nhưng ngành GD-ĐT Hà Nội cần xem xét, lý giải nguyên nhân của vấn đề này bởi bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có cả nguyên nhân chủ quan.
Hà Nội khánh thành Trung tâm điều hành giáo dục thông minh |
Hà Nội cần tiên phong trong đổi mới giáo dục
Theo ông Nguyễn Văn Phong, Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi, vì vậy phải vươn lên để so sánh với các thành phố phát triển trong khu vực và thế giới. Giáo dục Hà Nội cần nhận diện để đánh giá thực chất về mình, từ cơ sở vật chất, mạng lưới trường học, chất lượng đội ngũ, đặc biệt là đánh giá về tình hình dân cư để có đề án, kế hoạch, phương thức quản lý, bộ máy vận hành tương ứng.
Hà Nội là thành phố duy nhất Việt Nam tham gia vào mạng lưới sáng tạo UNESCO, đòi hỏi phải có công dân sáng tạo. Để có lớp công dân này, nhà trường đóng vai trò quyết định, do đó, phải quan tâm hơn đến giáo dục sáng tạo trong nhà trường, coi đây là nền tảng để hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, cần lồng ghép giáo dục lịch sử, văn hóa ở từng địa phương vào chương trình môn học.
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, giáo dục Hà Nội nên tập trung vào 3 nhóm việc:
Thứ nhất, với vai trò, vị thế của mình, Giáo dục Hà Nội phải tiên phong, đột phá về hợp tác quốc tế, trong đó phải có cạnh tranh về giáo dục, quan tâm tạo điều kiện cho các chương trình hợp tác quốc tế giáo dục. Hà Nội sẵn sàng là nơi thí điểm về chính sách, mô hình mới.
Thứ hai, cần mạnh dạn tham mưu đề xuất cách thức, cơ chế, chính sách, cơ chế quản lý mới về giáo dục để tạo điều kiện cho các nhà trường phát triển.
Thứ ba, tiếp tục quan tâm đến giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà. Bởi Hà Nội như một nước Việt Nam thu nhỏ đảo với hơn 10 triệu dân, có đô thị hiện đại, có vùng xa trung tâm, có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có miền núi, có xã đảo. Vì quy mô giáo dục lớn nên chất lượng giáo dục còn chênh lệch ở nhiều địa phương.
Nhấn mạnh việc chăm lo cho giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội, Phó Bí thư Nguyễn Văn Phong đề xuất: Sau khai giảng năm học mới, Hà Nội sẽ có kế hoạch làm việc và đánh giá thẳng thắn đối với từng quận, huyện về công tác giáo dục. Đây là cơ hội đổi mới cho giáo dục từng địa phương, là dịp nhận diện để đưa ra các giải pháp phát triển giáo dục.
Năm học 2021-2022, Hà Nội kết nạp được 5 đảng viên là học sinh |
Quan tâm kết nạp Đảng cho học sinh phổ thông
Một trong những yêu cầu mà Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội giao cho ngành GD-ĐT là tăng cường công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên là học sinh trong các trường THPT. Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, là Đảng bộ lớn nhất cả nước nhưng từ năm 2003 đến nay, tức đã gần 20 năm, Hà Nội mới kết nạp được 5 học sinh vào Đảng.
Lấy số liệu từ Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong cho biết: Trung bình 1 năm có khoảng 400 học sinh THPT là đảng viên của các tỉnh nhập học tại Hà Nội. Tại Hà Tĩnh năm học vừa qua có hơn 500 học sinh được kết nạp Đảng, cao nhất từ trước đến nay. Vấn đề đặt ra là tại sao có quá ít học sinh Hà Nội được kết nạp Đảng?
Có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến các quận huyện, đến các nhà trường chưa thực sự coi trọng công việc này. Thứ hai là tâm lý cầu toàn của các nhà trường, cho rằng mới 18 tuổi thì nhiệm vụ chính của học sinh chỉ là học tập. Đây là những nhận thức chưa đầy đủ bởi vào Đảng là để tiếp tục được rèn luyện ở một tầm cao hơn, phải có sự nỗ lực cố gắng cao hơn.
Ông Phong cho rằng các nhà trường không nên không đặt yêu cầu quá cao để kết nạp Đảng viên là học sinh như phải có giải quốc gia, giải quốc tế, hoặc có thành tích học tập xuất sắc. Nếu các em có nguyện vọng chính đáng, có động cơ vào Đảng đúng đắn, có uy tín, lan tỏa, có tính gương mẫu so với mặt bằng chung thì cần quan tâm kết nạp.
"Sắp tới thành phố có hướng dẫn cụ thể về việc kết nạp Đảng cho học sinh. Thành ủy sẽ làm việc với Ban tổ chức các quận huyện, trên cơ sở đó, các quận huyện sẽ làm việc với cấp ủy của các Trường THPT trên địa bàn để quan tâm hơn nữa đến công việc này. Đây là việc quan trọng, vì đào tạo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là trách nhiệm vô cùng quan trọng, rất vẻ vang của ngành giáo dục"- ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.