Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023

GD&TĐ - Sáng 12/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước.

Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023

Tới tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Về phía Bộ Giáo dục & Đào tạo có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh.

Hội nghị có sự tham dự của ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Bùi Tuấn Quang - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; ông Triệu Văn Cường- Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Quân - Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội; ông Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học quốc gia TP HCM;

Cùng với sự góp mặt của ông Nguyễn Minh Hiển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính... cùng một số ban ngành và các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo.

Đây là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước.

Lần đầu tiên khai giảng năm học phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước.

Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục; tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.

Trước tình hình đó, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19 và Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ năm 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19.

Toàn ngành tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo; hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Đắk Lắk: Lần đầu có dự án khoa học kỹ thuật dự thi quốc tế

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Tại điểm cầu Đắk Lắk, dự hội nghị có bà H' Yim kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 gây ra, các trường học phải đóng cửa trong thời gian quá dài. Riêng các trường học tại TP Buôn Ma Thuột, phải đến cuối thánh 4/2022 mới mở cửa đón học sinh trở lại học trực tiếp (muộn nhất cả nước -pv).

Tuy nhiên, toàn ngành đã nỗ lực triển khai hiệu quả kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2021-2022, trong đó có nhiều kết quả đáng ghi nhận.

100% trường học, cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh khách quan, sát thực tế dạy học; chất lượng giáo dục đại trà được duy trì.

Đặc biệt, tỉnh đã duy trì vị trí dẫn đầu khu vực về thành tích học sinh giỏi THPT quốc gia; lần đầu có 1 dự án được Bộ chọn đại diện Việt Nam dự thi cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Mỹ.

Thành Tâm

report

Quảng Trị: Nỗ lực xây trường đạt chuẩn quốc gia

Tại đầu cầu Quảng Trị, tham dự hội nghị có bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT​; ông Mai Huy Phương, Phó giám đốc Sở; ông Võ Văn Minh, Phó giám đốc Sở; cùng đại diện lãnh đạo các phòng thuộc Sở, đại diện lãnh đạo các phòng GD&ĐT ở trên địa bàn.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị

Theo Sở GD&ĐT Quảng Trị, năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, song ngành GD&ĐT Quảng Trị đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực.

Trong đó, ngành đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh chủ trương tổ chức dạy học trực tuyến và trực tiếp tùy vào tình hình thực tế của từng địa phương; các trường học đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức các hình thức dạy học, hướng dẫn ôn tập phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế, hoàn thành chương trình và kế hoạch dạy học, kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh, tổng kết năm học 2021 - 2022 theo đúng kế hoạch đề ra.

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trên địa bàn tỉnh được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa quốc gia lớp 12 THPT, tại địa phương đã có 21/54 học sinh đạt giải. Còn ở Cuộc thi KHKT cấp quốc gia, Quảng Trị có 2 dự án tham gia dự thi, kết quả đạt 1 giải Ba cấp quốc gia.

Ngành cũng đã nỗ lực xây trường đạt chuẩn gia, kiểm định chất lượng giáo dục ở địa phương. T​​ính đến ngày 31/5/2022, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia tại Quảng Trị là 177/367 (chỉ tính khối các trường công lập), đạt tỷ lệ 48,23%...

Năm học 2022- 2023, Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng đề ra 12 nhóm giải pháp quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Trong đó hướng dẫn các trường học công khai danh mục​​ sách giáo khoa các lớp 3, 7 và 10, đăng ký việc sử dụng sách giáo khoa thuộc Danh mục sách giáo khoa được UBND tỉnh phê duyệt. Các đơn vị trường học chủ động phối hợp với đơn vị cung ứng sách giáo khoa trong tỉnh hoặc đơn vị có đủ tư cách pháp nhân theo quy định trong việc giới thiệu, cung ứng, đặt mua sách giáo khoa đảm bảo đúng loại, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và hoàn thành trước thềm năm học mới, không để xảy ra tình trạng học sinh thiếu sách giáo khoa hoặc sách giáo khoa không đảm bảo yêu cầu;...

Phạm Quyên

report

Hải Phòng: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục

Một trong những thành tích nổi bật, đáng ghi nhận của Ngành Giáo dục Hải Phòng trong năm học 2021-2022 là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý giáo dục, dạy và học; chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Quang cảnh Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 tại Trung tâm Hội nghị TP Hải Phòng sáng 12/8.

Quang cảnh Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 tại Trung tâm Hội nghị TP Hải Phòng sáng 12/8.

Năm học vừa qua, Ngành Giáo dục Hải Phòng đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục, dạy và học. Hoàn thành triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến tới toàn bộ 100% (827/827) các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố; thí điểm kết chuyển dữ liệu tự động lên phần mềm cơ sở dữ liệu của Bộ G&ĐT thực hiện sử dụng học bạ, hồ sơ điện tử thay thế hoàn toàn hồ sơ giấy.

Tiếp tục triển khai phần mềm quản lý văn bản trực tuyến tại cơ quan Sở GD&ĐT thuộc hệ thống chính quyền điện tử thành phố Hải Phòng; đảm bảo 100% văn bản đi, đến đều được số hóa và xử lý trên phần mềm trực tuyến; 100% cán bộ, chuyên viên Sở GD&ĐT đều có tài khoản để truy cập và xử lý công việc trên phần mềm. Hoàn thành việc thực hiện trao đổi văn bản điện tử liên thông đến các sở ban ngành, địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; liên thông văn bản điện tử đến Bộ GD&ĐT và các cơ quan trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia.

Đặc biệt, Ngành Giáo dục Hải Phòng đã ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong việc thực hiện quyết liệt “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa tổ chức hoạt động dạy và học, kiểm tra đánh giá để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Nguyễn Dịu

report

Đà Nẵng: Đẩy mạnh tăng cường các hoạt động ngoại khóa khi mở cửa toàn diện trường học

Tại đầu cầu thành phố Đà Nẵng, dự hội nghị có bà Ngô Thị Kim Yến – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cùng Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Đông Á, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng các sở ban ngành TP Đà Nẵng, các phòng chuyên môn thuộc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, các Phòng GD&ĐT quận, huyện.

Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng
Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng

Năm học 2021 – 2022, đội ngũ giáo viên ở Đà Nẵng đã khắc phục khó khăn, có nhiều giải pháp sáng tạo để đảm bảo chất lượng giáo dục khi học sinh phải học trực tuyến trong một thời gian dài. Đà Nẵng đã thực hiện lộ trình mở cửa trường học, đón học sinh trở lại trường học trực tiếp bắt đầu từ 25/10/2021. Việc tổ chức dạy học trực tiếp cũng như việc chủ động chuyển đổi hình thức trực tiếp - trực tuyến đã được các trường tiến hành có nền nếp, đảm bảo chất lượng dạy – học.

Để đảm bảo học sinh có đủ điều kiện, phương tiện học tập trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Đà Nẵng đã vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp cho học sinh gần 4 tỉ đồng tiền mặt; gần 200 bộ máy tính để bàn, 500 máy tính bảng, 50 máy tính xách tay, 1.200 điện thoại di động, 3.000 sim di động cùng gói cước hoặc đầu thu chuyển đổi chức năng của TV; gần 9.000 bộ đồ dùng học tập, 15.000 cuốn sách…

Các trường học ở Đà Nẵng đã đẩy mạnh tăng cường các hoạt động ngoại khóa khi mở cửa toàn diện trường học. Mô hình lớp học ngoài trời, giờ học trên đồng ruộng, các tiết học STEM… được triển khai để phát triển năng lực người học, đảm bảo yêu cầu khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ánh Ngọc

report

TPHCM: Nỗ lực vượt khó trong năm học đặc biệt

Quang cảnh Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 tại TPHCM.

Quang cảnh Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 tại TPHCM.

Năm học 2021-2022, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 song ngành GD&ĐT TPHCM đã hoàn thành tốt mục tiêu kép, vừa giảng dạy vừa phòng chống dịch, giữ vững chất lượng giáo dục, một số mặt được tiếp tục nâng cao.

Năm học 2021-2022 là năm thứ hai triển khai chương trình, Sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018. Ngành đã giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục, xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Toàn bậc học có trên 97% học sinh tiểu học được học môn tiếng Anh. Việc dạy ngoại ngữ trong trường tiểu học ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao với nhiều mô hình dạy học tiếng Anh cho học sinh tiểu học.

Với bậc trung học, chương trình giáo dục thực hiện theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, nâng cao công tác xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Nhiều hoạt động giáo dục được đổi mới dạy học qua chủ đề, dạy học tích hợp, hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường.

Năm học vừa qua, ngành giáo dục TPHCM đã chủ động điều chỉnh linh hoạt, kịp thời hoạt động dạy và học phù hợp tình hình thực tế, góp phần quan trọng cùng TP phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn trường học.

Hồ Phúc

report

Tiền Giang: Tỉnh đầu tiên của khu vực ĐBSCL cho học sinh đi học trực tiếp

Tham dự tại đầu cầu Tiền Giang có ông Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Quang Trí Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đại diện các sở ban ngành và lãnh đạo các địa phương.

Tiền Giang là tỉnh đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp với các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19, được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm, động viên, đánh giá cao. Tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp trong thời gian đầu đạt tỷ lệ cao, trên 95% đối với học sinh THPT, khoảng 90% đối với học sinh THCS và 80% đối với học sinh tiểu học, trẻ mầm non.

Đối với Tiền Giang, Kỳ thi THPT được tổ chức an toàn, nghiêm túc, giảm tốn kém cho người dân và xã hội. Tỉ lệ tốt nghiệp toàn tỉnh đạt tỉ lệ 99,45%. xếp thứ 10 toàn quốc tổng điểm 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ (16.09 điểm); điểm trung bình đạt 6,554 điểm, xếp hạng 16/63 tỉnh (thành phố) và đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL (sau An Giang và Bạc Liêu).

Quang cảnh điểm cầu tỉnh Tiền Giang.
Quang cảnh điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Hiện nay toàn tỉnh có 516 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Đến tháng 6/2022, số trường đạt chuẩn Quốc gia các bậc học là 320/516 trường, đạt tỷ lệ 62,02%.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là trong thời gian học kỳ I của năm học, nên một số hoạt động chuyên môn phải tạm hoãn hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến, gây khó khăn trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, nhiều trường ở một số tỉnh không thể huy động đầy đủ học sinh ra lớp, ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động học sinh

CTV

report

Cần Thơ: Cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm năm học

Tham dự tại điểm cầu TP. Cần Thơ có ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đại diện các sở ban ngành thành phố và lãnh đạo các quận/huyện, phòng GD&ĐT.

Theo Sở GD&ĐT, mặc dù năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh toàn thành phố cùng cả nước tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng ngành GD&ĐT thành phố đã chủ động phối hợp với Sở Y tế chủ động xây dựng phương án ứng phó với dịch Covid-19, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học đảm bảo những nội dung cốt lõi, nền tảng, vận dụng linh hoạt hình thức dạy học tại nhà.

Quang cảnh hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 tại điểm cầu TP Cần Thơ.

Quang cảnh hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 tại điểm cầu TP Cần Thơ.

Toàn ngành đã nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp khắc phục khó khăn hoàn thành Kế hoạch năm học bảo đảm mục tiêu kép “vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo”.

Về công tác triển khai chương trình GDPT mới 2018, SGK mới đối với lớp 2, lớp 6 hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, bảo đảm an toàn và phòng chống bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là trong cơ sở GDMN ngoài công lập.

Tuy còn tồn tại một số hạn chế do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, một số nhiệm vụ của ngành Giáo dục không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng đến phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy và học, nhưng ngành GD&ĐT đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm năm học.

Trường Tiến

report

Mong ý kiến đóng góp giải pháp cho ngành Giáo dục

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định:Năm học 2021 - 2022 là năm học mà ngành Giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục.

Đây là năm học quan trọng và cũng là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; và là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, với sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể các em học sinh, sinh viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch, đảm bảo các kết quả, chỉ tiêu đề ra, chất lượng và các yêu cầu của năm học 2021 - 2022 đã được thực hiện.

Để ứng phó với dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ngành Giáo dục đã tiếp tục chủ động xác định trạng thái thích ứng, chuẩn bị các điều kiện để dạy và học trong mọi hoàn cảnh, kiên trì, tiếp tục theo đuổi và củng cố chất lượng, hoàn thành mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ lớn của năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Tiếp tục thực hiện đổi mới thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29 của Trung ương. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên.

Tiếp tục tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Tiếp tục thực hiện tự chủ đại học để mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục đại học phát triển; tăng cường các điều kiện đầu tư để đảm bảo chất lượng cho toàn bộ giáo dục nói chung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá kết quả đạt nước trong năm học vừa qua, đặc biệt đã nhìn nhận nghiêm túc những tồn tại một số tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp để khắc phục trong năm học tới.

Tại Hội nghị này, Bộ trưởng mong muốn được nghe ý kiến phát biểu, thảo luận của các vị đại biểu, các vị khách quý để đánh giá về những kết quả đã đạt được, nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, để tiếp tục khắc phục. Đặc biệt là đóng góp ý kiến, giải pháp để ngành Giáo dục làm tốt hơn nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Chính phủ giao cho, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Nguyễn Nhung

report

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 của ngành Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 của ngành Giáo dục

Năm học 2021-2022, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương.

Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trên tinh thần kiến tạo môi trường pháp lý để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, được nhân dân ủng hộ, đồng tình.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các nghị định, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó đã phân công trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong triển khai thực hiện. Qua đó, đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 được tổ chức thành công đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Chất lượng GD phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, với 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 của ngành Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 của ngành Giáo dục

Chất lượng GDĐH có những cải thiện rõ rệt, năm 2021, 5 cơ sở GDĐH lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2019-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của các cơ sở GDĐH gia tăng nhanh chóng. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo đã bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học.

Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh dịch Covid-19.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học trước, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2022-2023 là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.

Ngành GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Vân Anh

report

TPHCM: Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để thay đổi và phát triển

Ông Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tham luận tại hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tham luận tại hội nghị.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, trong năm học vừa qua, công tác phòng chống dịch, đặc biệt là dịch Covid-19 tại cơ sở giáo dục luôn được tập trung nguồn lực thực hiện bằng sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục nói riêng và toàn hệ thống chính trị nói chung.

“Trong cuộc đấu tranh đẩy lùi đại dịch Covid-19, TPHCM luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo, hỗ trợ sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành Trung ương. TPHCM cũng nhận được tình cảm ấm áp, sự sẻ chia, đồng hành, giúp đỡ của các tỉnh thành, của người dân cả nước”, ông Hiếu cho hay.

Cũng theo chia sẻ của ông Hiếu, Lãnh đạo và chính quyền TPHCM hiểu rõ, giáo dục sẽ có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung và TP nói riêng. Nhờ đó đã giúp Giáo dục TPHCM vượt qua khó khăn, giữ vững được thành tích, chất lượng đào tạo, đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh, là một trong những ưu tiên hàng đầu.

“Việc đưa học sinh trở lại trường học ngoài việc đáp ứng công tác chuyên môn, đảm bảo việc dạy-học và phát triển học sinh toàn diện còn là một nỗ lực giúp cho người dân an tâm công tác, góp phần vào nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế của TP”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho biết, hiện nay vẫn chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ và kế toán, giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật - dẫn tới chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thành phố. Lực lượng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhà trường và trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục TPHCM.

“Năm học 2022-2023, trong bối cảnh tình hình bình thường mới, ngành giáo dục thành phố sẽ biến khó khăn, thách thức mà đại dịch gây ra thành động lực, thành cơ hội để thay đổi và phát triển”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Hồ Phúc

report

Hà Nội đề ra 6 giải pháp để triển khai nhiệm vụ năm học

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã thông tin về 5 kết quả nổi bật của ngành GD-ĐT trong năm học vừa qua. Thứ nhất, Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát hệ thống trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tính đến tháng 6/2022, thành phố có 2835 trường với 70.199 lớp với hơn 2 triệu học sinh, 138090 giáo viên., 72796 phòng học.

Toàn ngành đã triển khai thực hiện hiệu quả phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ 1233 cán bộ giáo viên hơn 4 tỉ đồng. Trao hơn 10 ngàn thiết bị học trực tuyến trị giá hơn 30 tỉ đồng. Công tác đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập được quan tâm. Năm 2022 có 51 trường được xây dựng mới, cải tạo 605 trường, bố trí 1464 tỉ đồng để mua sắm thiết bị dạy học

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm thực hiện. Tính đến tháng 6/2022, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 64,3%, trong đó trường công lập đạt 79%. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp hiện đại có diện tích 5 héc ta. Thành phố cũng đã khánh thành Trung tâm điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố. Hệ thống tuyển sinh trực tuyến đã có 86% tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Học sinh Hà Nội đã đạt thành tích cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội báo cáo tham luận.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội báo cáo tham luận.

Ngành GD&ĐT Hà Nội đề ra 6 giải pháp để triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo, đó là: Thực hiện công tác luân chuyển, bố trí giáo viên đúng sở trường, nâng cao năng lực nhà giáo; triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ giáo dục, cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng, thích ứng với thời kì mới.

Ban hành chính sách liên quan đến giáo dục đào tạo, cơ chế thu hút nhân tài về công tác tại Hà Nội, xây dựng cải tạo trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn giáo dục đại trà thực hiện chương trình GDPT 2018. Tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường.

Ngành GD-ĐT cũng kiến nghị với Chính phủ về việc xem xét , cho phép quy định số lượng cấp phó theo quy mô và loại hình của cơ sở giáo dục, cho phép kí hợp đồng lao động với nhân viên làm công tác chuyên môn. Đồng thời kiến nghị với Bộ GD&ĐT về việc xây trường chuẩn quốc gia, tháo gỡ những khó khăn của Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện.

Vân Anh

report

Nghệ An: Triển khai nhiều đề án, mô hình giáo dục và đào tạo mang tính đột phá

Tại điểm cầu Nghệ An, dự hội nghị có ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBNĐ tỉnh, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đại diện các Sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các trường ĐH, CĐ, cơ sở giáo dục đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn…

Phát biểu trao đổi tại hội nghị, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời và sáng tạo của Bộ GD&ĐT trong năm học qua.

Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 tại điểm cầu tỉnh Nghệ An.

Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 tại điểm cầu tỉnh Nghệ An.

Năm học 2021-2022, Giáo dục và đào tạo Nghệ An cũng đã đóng góp vào thành quả chung của giáo dục cả nước.

Trong đó quyết liệt tham mưu được nhiều văn bản, gồm 1 Nghị quyết của BCH Tỉnh ủy; 6 Nghị quyết của HĐND tỉnh và ban hành được 9 Quyết định, Kế hoạch của UBND tỉnh; triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ giáo dục Nghệ An phát triển đột phá trong giai đoạn 2021-2030.

Đặc biệt Nghệ An cũng là tỉnh đầu tiên ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm học vừa qua, Nghệ An cũng thí điểm thành công mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục góp phần phát triển bền vững; giữ vững vị trí tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi.

Nghệ An cũng có những đột phá trong xây dựng và triển khai hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng giáo dục: Mô hình phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non”; Mô hình trường trọng điểm chất lượng cao; trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế. Mô hình trường giúp trường, phòng giúp phòng.

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay năm học vừa qua, Nghệ An triển khai nhiều giải pháp, mô hình nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo có hiệu quả. Đồng thời sẽ tiếp thu các chỉ đạo, định hướng tại hội nghị để triển khai nhiệm vụ cho năm học 2022-2023.

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay năm học vừa qua, Nghệ An triển khai nhiều giải pháp, mô hình nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo có hiệu quả. Đồng thời sẽ tiếp thu các chỉ đạo, định hướng tại hội nghị để triển khai nhiệm vụ cho năm học 2022-2023.

Để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học vừa qua, Nghệ An tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, sắp xếp, dồn dịch điểm trường đảm bảo thực hiện dạy học tin học, ngoại ngữ cho học sinh tiểu học.

Nghệ An cũng hoàn thành các chỉ tiêu đề ra về trường học đạt chuẩn quốc gia; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, THCS và là tỉnh thứ 25 đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2021-2022, tổ chức các kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, trung thực và đúng quy chế.

Trong năm học tới, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp thu toàn bộ định hướng nhiệm vụ và giải pháp được triển khai trong hội nghị tổng kết năm học của Bộ GD&ĐT.

Tại hội nghị, ông Bùi Đình Long cũng đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT và bộ, ngành liên quan tiếp tục ban hành, triển khai các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88 về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông.

Có chính sách đảm bảo về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chuẩn mới, đáp ứng CTGDPT 2018. Quan tâm đặc biệt đến chương trình, chính sách về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao cho Chuyển đổi số.

Ông Bùi Đình Long cũng mong muốn Chính phủ có cơ chế thí điểm trường mầm non, trường THPT công lập tự chủ; trường PTDT bán trú THPT thuộc các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đồng thời đề nghị Chính phủ hỗ trợ Phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học”, “Quy hoạch tỉnh Nghệ An” và hỗ trợ nguồn lực để Nghệ An thực hiện thành công các đề án tái cơ cấu các trường ĐH, CĐ trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2050, Nghệ An trở thành trung tâm đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Hồ Lài

report

Cà Mau: Kiến nghị Bộ GD&ĐT gỡ khó một số chính sách hỗ trợ cho học sinh tại địa phương

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021-2022, ngành GD&ĐT tỉnh Cà Mau thắng lợi lớn, ấn tượng ở 2 điểm: Chủ trương đăng ký dự thi trực tuyến của Bộ GD&ĐT và tạo được sự đồng thuận xã hội cao. Mặc dù bước đầu thực hiện một số cơ sở giáo dục còn gặp khó khăn nhưng được sự chỉ đạo của Bộ và sự ủng hộ đồng tình của xã hội đã đạt nhiều hiệu quả cao.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm có chỉ đạo thực hiện về việc chuyển đổi số toàn ngành, trọng tâm là giáo dục, để địa phương không bị động và không bị trùng lắp. Năm học mới 2022-2023, ngành GD&ĐT tỉnh Cà Mau xác định việc chuyển đổi số là đột phá của ngành.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tại tỉnh Cà Mau.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tại tỉnh Cà Mau.

Năm học qua, các đối tượng thụ hưởng theo chính sách TT01 của các Trường phổ thông dân tộc nội trú bị vướng, do đó việc tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm có văn bản điều chỉnh, gỡ khó cho địa phương. Ngoài ra, sau 2 năm khi thực hiện chương trình nông thôn mới tại địa phương, nhiều phụ huynh và học sinh bị cắt chế độ bảo hiểm xã hội, mong Bộ GD&ĐT phối hợp cùng BHXH có chính sách hỗ trợ.

Bên cạnh đó, sức khoẻ học đường là vấn đề lớn, 2 đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất sau hậu Covid-19 là công nhân lao động và học sinh, sinh viên. Rất mong Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình tổng thể về sức khoẻ học đường để địa phương có căn cứ thực hiện.

Trường Tiến

report

Lai Châu: Mong muốn hỗ trợ thiết bị dạy học trực tuyến

Ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu phát biểu tại Hội nghị

Ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu phát biểu tại Hội nghị

Ngành GD&ĐT Lai Châu có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hàng năm chiếm trên 80%. Trong những năm qua, địa phương đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ giáo dục vùng dân tộc phát triển. Từ đó, tạo điều kiện cho các hộ gia đình ở địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp tục cho con em theo học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, khi Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc ban hành các quyết định về phân định khu vực đã tác động đến chính sách hỗ trợ học sinh ở các xã, thôn, bản không còn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Trong bối cảnh ngân sách của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu đã tham mưu ban hành một số chính sách hỗ trợ tiền ăn cho: Trẻ em từ 24 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh; học sinh tiểu học, THCS các xã khu vực II không được hưởng chế độ theo Nghị định số 116 trên địa bàn tỉnh; học sinh ở bán trú tại các xã, thôn, bản thuộc khu vực III chuyển thành các xã, thôn, bản khu vực I. Từ đó, góp phần duy trì tỷ lệ chuyên cần, thúc đẩy chất lượng giáo dục dân tộc ngày một phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu kiến nghị: Để tiếp nối Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có hiệu quả, ngành GD&ĐT Lai Châu mong muốn có chương trình hỗ trợ thiết bị dạy học trực tuyến cho các nhà trường. Đặc biệt là những trường ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.

Hà Thuận

report

Thanh Hóa: Kiến nghị giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục

Tại đầu cầu Thanh Hóa, dự hội nghị có ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, PGS.TS.Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cùng đại diện các sở, ban ngành cấp tỉnh, các Phòng GD&ĐT huyện, thị, thành phố.

Năm học 2021-2022, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự nỗ lực vượt khó, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.

Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của hơn 2.000 cơ sở giáo dục tiếp tục được quy hoạch, đầu tư phù hợp với điều kiện của tỉnh. Công tác kiểm tra, đánh giá công nhận trường đạt chuẩn quốc gia được ngành GD chỉ đạo quyết liệt...

Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (ảnh phải) và PGS.TS. Trần Văn Thức chủ trì Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, tại đầu cầu Thanh Hóa,

Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (ảnh phải) và PGS.TS. Trần Văn Thức chủ trì Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, tại đầu cầu Thanh Hóa,

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn vướng mắc. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên vẫn còn thiếu nhiều. Năm học 2021-2022, tỉnh Thanh Hóa còn thiếu 8.968 giáo viên. Đến năm học 2022-2023, Thanh Hóa sẽ thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỷ lệ thiếu 19%) theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Do đó, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT phối hợp với các ngành liên quan, giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét việc thực hiện giảm biên chế (mỗi năm 2%) là không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là với ngành giáo dục.

Việc mua sắm trang thiết bị chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 gặp nhiều khó khăn do Bộ GD&ĐT chỉ ban hành danh mục thiết bị, mà không có khung giá thiết bị. Việc đấu thầu mua sắm cũng gặp khó khăn khi danh mục thiết bị có tính chất đặc thù, hạn chế về số lượng đơn vị sản xuất và cung cấp.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu Chính sách cho giáo viên và học sinh miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn đã không còn được hưởng chính sách sau khi có Quyết định 861/QĐ-TTg.

Thế Lượng

report

Bình Dương: Nhiều trường giảm lớp 2 buổi/ngày do thiếu phòng học

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, cấp học mầm non và tiểu học trên địa bàn vẫn còn thiếu nhiều giáo viên so với quy định.

Thời gian gần đây, giáo viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương nghỉ việc nhiều. Theo thống kế từ tháng 1 đến 4/2022, toàn ngành có 527 giáo viên nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân là lương giáo viên chưa đảm bảo cho cuộc sống. Tình trạng thiếu giáo viên là một trở ngại rất lớn trong việc nâng cao chất lượng chương trình.

Nhiều đơn vị có số học sinh trên lớp cao, nhiều trường phải giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học, nhiều trường phải thực hiện dạy 1 buổi/ngày.

Đến năm học 2022-2023, số giáo viên trên địa bàn tỉnh thiếu trên 3.000 giáo viên. Để giải quyết một phần, ngành giáo dục tham mưu thực hiện công tác tuyển dụng theo phân cấp quản lý.

Hồ Phúc

report

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Cần giải pháp căn cơ cho tiếp cận bình đẳng trong giáo dục

Tham luận tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tán thành với những nội dung Báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 của ngành Giáo dục.

Báo cáo dành nhiều trang đề cập đến tác động của dịch bệnh Covid-19. Qua đó cho thấy, sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục trong dạy – học khi phải ứng phó với đại dịch và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

GS.TS Nguyễn Văn Minh tham luận tại Hội nghị.

GS.TS Nguyễn Văn Minh tham luận tại Hội nghị.

Đề cập đến một số phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – cho rằng, nên chăng lựa chọn triển khai chọn một số việc có tính chất chủ đạo. Ví dụ: Trong thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cần tập trung đáp ứng về đội ngũ giáo viên và làm tốt hơn nữa công tác bồi dưỡng đội ngũ này.

Nhắc đến Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” (Nghị định 116/2020/NĐ-CP), GS.TS Nguyễn Văn Minh đề xuất, để triển khai Nghị định này có hiệu quả, không chỉ mỗi Bộ GD&ĐT mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

GS.TS Nguyễn Văn Minh nêu ý kiến: Thứ nhất về tiếp cận bình đẳng trong giáo dục. Đây là vấn đề nâng cao dân trí, nên cần có giải pháp căn cơ, nhất là với những sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; trong đó cần quan tâm đến giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên vùng khó.

Thứ hai, đẩy mạnh triển khai về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trong đó các trường sư phạm, đào tạo giáo viên.

Thứ ba, triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP cần có các bên liên quan. Nghị định là giải pháp ưu việt, nếu chậm sẽ ảnh hưởng đến đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục.

Minh Phong

report

Hà Tĩnh: Kiến nghị sửa đổi định mức giáo viên tiểu học

Dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Tĩnh có ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Ngọc Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Đặng Thị Quỳnh Diệp- Giám đốc sở GD&ĐT cùng đại diện các sở ban ngành thành phố và lãnh đạo các huyện, thị, phòng GD&ĐT.

Năm học 2021-2022, với tinh thần “Linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo an toàn, giữ vững chất lượng”, Hà Tĩnh đã hoàn thành mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng dịch vừa hoàn thành các nhiệm vụ năm học đảm bảo chất lượng, hiệu quả”.

Công tác Khuyến học, khuyến tài có bước đột phá mới với việc thành lập Quỹ “Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học” và đi vào hoạt động ngay trong năm học 2021 - 2022. Đến nay, đã có trên 122 em được quỹ hỗ trợ với kinh phí cam kết hỗ trợ gần 17 tỷ đồng. Công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT được diễn ra đảm bảo an toàn, đúng quy chế...

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Bước vào năm học mới 2022-2023, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án xây dựng trường lớp, hỗ trợ thiết bị mua sắm, tu sửa các cơ sở giáo dục trên địa bàn; đồng ý chủ trương tuyển dụng biên chế, luân chuyển, điều ộng biệt phái giáo viên tại các địa phương.

Tiếp tục rà soát, lựa chọn, bổ sung đội ngũ GV cốt cán các cấp; chỉ đạo sắp xếp, bố trí đội ngũ GV dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023; phối hợp với các nhà xuất bản (NXB) tổ chức hội thảo giới thiệu sách, tập huấn sử dụng sách, sử dụng tài nguyên điện tử trên website cho 10.049 CBQL, GV dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10…

Tại Hội nghị, Hà Tĩnh đã kiến nghị Bộ GD&ĐT cần sửa đổi định mức giao viên tiểu học được quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT để đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018. Cụ thể: Sửa quy định tối đa 1,5 giáo viên trên một lớp thành tối thiểu 1,5 giáo viên trên một lớp. Bởi, trên thực tế, hiện nay để tổ chức được hết các hoạt động dạy học theo Chương trình GDPT 2018 thì cần phải bố trí 1,56 giáo viên trên một lớp.

Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng bày tỏ mong muốn sớm có phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh thực hiện Chương trình mới bắt đầu từ năm học 2024-2025 để các em có định hướng trong việc lựa chọn các môn học; sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường; ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông;...

Phương Hồ

report

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Kiên trì đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

Ghi nhận và đánh giá cao một số kết quả của ngành Giáo dục trong năm học 2021 -2022, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – nhìn nhận, năm học qua, toàn ngành phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức; nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, năm học 2021-2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Một trong những điểm nhấn là Bộ đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Qua đó cho thấy những nỗ lực đổi mới của Bộ trong kỳ thi, nhất là khâu ra đề thi, trong đó có môn Lịch sử. Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của môn này đã phản ánh thực chất dạy – học. Qua đó, làm cho cho sinh thêm yêu lịch sử. Mong Bộ tiếp tục phát huy và cải tiến khâu kiểm tra, đánh giá trong dạy – học.

Ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng ghi nhận Bộ GD&ĐT đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng kế hoạch, trong đó thực hiện đối với lớp 1, 2, 6. Đội ngũ giáo viên ngày càng chuẩn hóa, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã có quyết định bổ sung nguồn lực giáo viên cho ngành. Qua đó thể hiện những nỗ lực của Bộ trong việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở nhiều địa phương.

Ông Vinh đề nghị, trong năm học tới, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục đổi mới, quan tâm xây dựng thể chế, kịp thời tham mưu với Chính phủ, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục.

Đồng thời, thể chế hóa chủ trong của Đảng về giáo dục; Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện trường học và tập trung xây dựng văn hóa học đường. Mặt khác, kiên trì đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học.

Riêng với lĩnh vực đại học, ông Vinh nhắc lại: vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thành công hội nghị tự chủ đại học năm 2022. Bộ nên phát huy để thúc đẩy các trường phát triển. Ngoài ra, Bộ cần quan tâm, đề xuất Chính phủ để để có giải pháp căn cơ, phát triển giáo dục đại học.

Ông Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ đồng hành, phối hợp chặt chẽ Bộ GD&ĐT, tất cả vì mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Minh Phong

report

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành Giáo dục nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục trong năm học 2021-2022.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục trong năm học 2021-2022.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành giáo dục đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022. Đây là năm học vượt khó của ngành Giáo dục do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chúng ta đã và đang thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa. Chúng ta trân trọng sự đóng góp của đội ngũ giáo viên, học sinh đã tham gia vào công tác giáo dục. Bộ GD&ĐT đã đề xuất rất sớm các giải pháp về hỗ trợ giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Việc tuyển dụng biên chế giáo viên cũng đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm. Ngành Giáo dục không có thẩm quyền quyết định về biên chế giáo viên, lương giáo viên mà là liên quan tới nhiều bộ ngành khác. Nhân dân yêu cầu về giáo dục rất cao. Giáo dục cần gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Giáo dục là lĩnh vực luôn luôn được xã hội quan tâm. Đây vừa là điều may mắn nhưng cũng là áp lực không nhỏ với ngành Giáo dục.

Tại sao chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử, không chỉ là thi THPT, mà còn là thi cử phổ thông, học thêm dạy thêm, sách tham khảo. Bởi chúng ta chưa trung thực trong giáo dục. Trong quá trình đổi mới sang năm thứ 8 thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, ngành Giáo dục cần nhìn thẳng vào vấn đề.

Việc học trực tuyến chất lượng đương nhiên không thể bằng học trực tiếp vì dịch Covid-19. Vấn đề giáo viên trường ngoài công lập bị ảnh hưởng. Giáo dục là quá trình liên tục và có nhiều đầu việc phải làm. Tinh thần chung là bám sát Nghị quyết 29 để đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo. Thực hiện làm sao cho thực chất việc dạy và học để phát triển cho học sinh cả Đức - Trí - Thể - Mỹ. Việc đưa môn Giáo dục thể chất vào trường phổ thông là rất quan trọng.

Tiếp theo, ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. Bộ phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn thế chúng ta phải đổi mới từ quản lý nhà nước, đổi mới về quản trị trong cả trường phổ thông và trường đại học. Phải xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học.

Ví dụ, khi muốn tuyển giáo viên thì tiếng nói của tập thể giáo viên phải là quyết định thay vì ý kiến của một người ngoài nhà trường. Đây là một điều rất quan trọng thể hiện tính dân chủ trong nhà trường. Ngành Giáo dục cần rà soát để đề xuất cơ chế về học phí, tự chủ trong cơ sở giáo dục...

Đình Tuệ

report

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Phấn đấu, khắc phục khó khăn; sáng tạo để có kết quả tốt nhất trong năm học mới

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Thay mặt lãnh dạo Bộ GD&ĐT, toàn thể giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành trong năm học vừa qua. Trân trọng cảm ơn những chỉ đạo mang tính định hướng, cũng như những chỉ đạo giải quyết những vướng mắc và các yêu cầu ngành Giáo dục cần thực hiện trong năm học 2022-2023, cũng như những việc đẩy mạnh và làm tốt trong những năm kế tiếp.

Thay mặt cho ngành Giáo dục nói chung và lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói riêng, Bộ trưởng tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và sẽ cùng Ngành cụ thể hóa những chỉ đạo này thành các chỉ đạo cụ thể để triển khai trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo nhằm đạt tới yêu cầu chất lượng, hiệu quả, khắc phục những tồn tại hạn chế, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ GD&ĐT trong hội nghị hôm nay đã lắng nghe, ghi chép các ý kiến trao đổi, cũng như các ý kiến gửi đến và sẽ xem xét thấu đáo để chỉ đạo công việc sát thực tế, hiệu quả hơn. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ cùng các cơ quan tham mưu và toàn thể giáo chức học sinh, sinh viên ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, sáng tạo để không ngừng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình, để có kết quả cho một năm học mới tốt nhất, xem là kết quả chào mừng 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam – một dịp đặc biệt của ngành Giáo dục.

Nguyễn Nhung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.