Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiên trì mục tiêu chất lượng

GD&TĐ - Ngày 15/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dự và phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị

Hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2021-2022, toàn thành phố có 2.835 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh, 138.000 giáo viên. Dù có nhiều khó khăn, ngành GD-ĐT Hà Nội đã ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, hoàn thành các nhiệm vụ năm học, kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngành học mầm non có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động kết nối với gia đình trẻ để triển khai các hoạt động chăm sóc, giáo dục khi trẻ phải tạm dừng đến trường trong phần lớn thời gian của năm học. Cấp học phổ thông triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2, 6.

Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 125 học sinh đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 63 huy chương, giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Hà Nội có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,1% (năm 2021 đạt 98,9%); 104 trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100%, cao hơn năm trước 13 đơn vị.

Dù vậy, ngành GD-ĐT Hà Nội còn gặp một số khó khăn về việc bố trí quỹ đất để xây dựng trường học ở các quận nội thành; thiếu giáo viên ở một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đại biểu tham luận tại hội nghị

Đại biểu tham luận tại hội nghị

Để thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, ngành GD-ĐT Hà Nội xác định chủ đề mới là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.

Toàn ngành tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; xây dựng mô hình tự chủ tại một số trường mầm non, phổ thông.

Đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng, tâm huyết, đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên để đạt được những kết quả rất đáng khích lệ năm học 2021-2022, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, ngành GD-ĐT Hà Nội nhận diện rõ những vấn đề còn bất cập, khó khăn để có giải pháp khắc phục.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu, năm học 2022-2023, ngành GD-ĐT Hà Nội tập trung thực hiện 3 nhóm việc: Tiên phong triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế; mạnh dạn tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách mới; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, khắc phục dần sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn.

Đồng thời, ngành GD-ĐT Hà Nội cần quan tâm giáo dục sáng tạo trong nhà trường; đẩy mạnh công tác giáo dục địa phương để nâng cao giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, lòng nhân ái cho học sinh; tập trung mọi nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn mức độ 2; xây dựng một số trường liên cấp hiện đại; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Kiên trì mục tiêu chất lượng

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao những nỗ lực của ngành GD-ĐT Hà Nội trong năm học vừa qua, năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2, lớp 6, tạo đột phá đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Lắng nghe báo cáo tổng kết năm học của Sở GD&ĐT Hà Nội cùng tham luận của các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị ngành GD-ĐT Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện 6 nội dung trong năm học tới nhằm hoàn thành kế hoạch năm học, đưa Giáo dục Thủ đô ngày càng phát triển.

Thứ trưởng nhấn mạnh, mục tiêu giáo dục là chất lượng. Năm học vừa qua, ngành GD-ĐT Thủ đô đã phấn đấu đặt mục tiêu kép vừa phòng dịch vừa đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, năm học vừa qua, học sinh Hà Nội đã có 2/3 thời gian học trực tuyến, chất lượng không thể bằng học trực tiếp. Do đó trong năm học này, các thầy cô, các nhà trường cần củng cố kiến thức cho học sinh, đảm bảo chất lượng giáo dục.

Các đại biểu dự hội nghị

Các đại biểu dự hội nghị

Năm nay là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với các lớp 3, 7, 10 cùng với các khối lớp 1, 2, 6 triển khai trong 2 năm trước. Ngành GD cần quan tâm bố trí giáo viên dạy các môn học mới như Tin học, Ngoại ngữ đối với lớp 3, môn Khoa học tự nhiên đối với lớp 6, lớp 7. Đối với lớp 10, cần tiếp tục nghiên nghiên cứu chương trình mới, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học.

Nhấn mạnh tài sản quý nhất của giáo dục thủ đô là 138 nghìn giáo viên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý ngành GD-ĐT Hà Nội cần quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đảm bảo đủ về số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng, hình thành đội ngũ giáo viên giỏi, đẳng cấp quốc tế.

Vấn đề tiếp theo cần lưu tâm là thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực chăm lo cho giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất. Khẳng định mô hình trường tư thục là một trong những thế mạnh của giáo dục Hà Nội, Thứ trưởng mong muốn các nhà trường biến nguồn lực của xã hội thành chất lượng giáo dục, biến nguồn thu từ học sinh thành chất lượng thật, giúp học sinh được học tập trong môi trường giáo dục tốt nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý việc tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trường chuẩn quốc gia không phải danh hiệu thi đua mà nó là cơ sở để tạo chất lượng. Thực tế cho thấy nhiều quận huyện đã thực hiện tốt việc xây trường chuẩn quốc gia, dành quỹ đất xây trường, ưu tiên nguồn lực cho giáo dục.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, một trong những chiến lược phát triển giáo dục đó là đổi mới công tác quản lý. Đổi mới quản lý cũng phải theo hướng phát huy năng lực của mỗi cá nhân. Thứ trưởng lưu ý việc đổi mới quản lý từ quản lý nhân sự sang quản lý công việc, quản lý quá trình; quản lý công việc phải làm đúng ngay từ thời gian đầu.

Một trong những điểm nhấn của ngành GD-ĐT Hà Nội trong năm học vừa qua là việc thành phố đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tính đến hết tháng 6/2022, toàn Thành phố có 2.835 trường, 70.199 lớp, hơn 2.206.906 học sinh; 138.090 giáo viên; 72.796 phòng học. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.