Giáo dục giới tính cho con: Lồng ghép kiến thức vào thực tế

GD&TĐ - Không ít cha mẹ thường dè dặt, né tránh trong vấn đề giáo dục giới tính cho con. Cách ứng xử như vậy được cho là sai lầm...

Phụ huynh cần kiên nhẫn và thẳng thắn trong việc giải thích với con. Ảnh minh họa.
Phụ huynh cần kiên nhẫn và thẳng thắn trong việc giải thích với con. Ảnh minh họa.

Một đứa trẻ được giáo dục giới tính đúng cách sẽ biết tôn trọng cơ thể mình và người khác. Trẻ cũng sẽ biết cách thiết lập các ranh giới lành mạnh, tránh bị lợi dụng, xâm hại, hoặc tham gia vào những mối quan hệ độc hại khi lớn lên.

Mang lại nhận thức đúng đắn

Các chuyên gia cho rằng, khi thắc mắc của trẻ không được giải đáp thỏa đáng, điều đó sẽ làm khơi gợi nên tính tò mò trong suy nghĩ. Nghiêm trọng hơn, chính tính tò mò sẽ thôi thúc các em tự tìm hiểu về giới tính, tình dục trên mạng hoặc qua các kênh thông tin khác kém chất lượng, không lành mạnh.

Giới tính không chỉ là chuyện sinh lý hay tình dục. Nó bao gồm cả việc hiểu về cơ thể mình, biết đâu là vùng riêng tư, cách thể hiện cảm xúc, cách thiết lập ranh giới cá nhân và cả cách cư xử với người khác. Chị Nguyễn Hoàng Yến Nhi (Cầu Giấy, Hà Nội) - phụ huynh có con học lớp 3 cho rằng: “Khi con hỏi ‘Vì sao bạn Nam được đứng đi tiểu còn con thì không?’, hay ‘Em bé được sinh ra từ đâu?’, đó là lúc rất tự nhiên để bố mẹ bắt đầu những cuộc trò chuyện về giới tính. Theo tôi, điều quan trọng là mình trả lời trung thực, phù hợp với lứa tuổi, không né tránh, không quát mắng hay bối rối”.

Thực tế, câu chuyện về giáo dục giới tính luôn là đề tài mang lại rất nhiều trăn trở cho các phụ huynh trong giai đoạn hiện nay: Nên bắt đầu dạy con khi nào? Nội dung giáo dục giới tính ra sao cho phù hợp? Các chuyên gia cho rằng, việc giáo dục giới tính cho trẻ cần được thực hiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé. Mỗi độ tuổi sẽ có cách giáo dục khác nhau để đảm bảo trẻ tiếp thu hiệu quả nhất.

Theo ThS.BS Nguyễn Lan Hải - tác giả cuốn “Cẩm nang giáo dục giới tính”, cha mẹ nên giáo dục giới tính cho trẻ càng sớm càng tốt. Ngay từ khi trẻ bắt đầu có nhận thức về thế giới xung quanh, nhận thức về cơ thể mình, đó cũng là khi cha mẹ nên bắt đầu lồng ghép giáo dục giới tính cho con.

Việc mặc quần áo cho con cũng lồng ghép giáo dục giới tính rằng, trang phục là để bảo vệ và che chắn cơ thể. Phụ huynh cũng cần dạy cho trẻ biết phân biệt cha mẹ với người khác. Đồng thời, giúp trẻ hiểu rằng, chỉ cha mẹ, những người yêu thương con nhất được phép hỗ trợ các công việc vệ sinh cá nhân như tắm cho con, thay quần áo, thay bỉm cho bé…

Cha mẹ cần giúp trẻ biết nhận thức và yêu quý bản mình. Theo tác giả này, giáo dục giới tính không chỉ đơn thuần là sự bảo vệ về thân thể, mà còn là sự hiểu biết về phát triển cơ thể của bản thân và trên hết là sự phát triển cảm xúc cá nhân. Hiểu và làm chủ được cảm xúc cá nhân sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển hoàn thiện, cũng như có sự nhận thức đúng đắn về giới tính.

ThS.BS Lan Hải cho rằng, giáo dục giới tính cần là trách nhiệm của gia đình, đặc biệt là từ cha mẹ, những người hiểu con trẻ đang phát triển trong môi trường nào, tính cách của con ra sao. Từ đó, có phương pháp lồng ghép giáo dục giới tính phù hợp.

Giáo dục giới tính có nền tảng chính là giáo dục về sự phát triển và về tình yêu thương. Nếu được giáo dục về sự phát triển và có đầy đủ tình yêu thương (được yêu thương đúng cách) trong gia đình, thì trẻ sẽ có những nền tảng vững chắc về giáo dục giới tính.

giao-duc-gioi-tinh-cho-con-2.jpg
Cha mẹ cần có phương pháp lồng ghép giáo dục giới tính phù hợp. Ảnh minh họa.

Giáo dục dựa trên cột mốc phát triển

Theo chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TPHCM), dựa trên cột mốc phát triển giới tính trẻ em, phụ huynh có thể giáo dục con dựa theo từng độ tuổi. Trong đó, với trẻ từ 2 tuổi trở xuống, mục tiêu của giai đoạn này là để bé cảm thấy thoải mái và không xấu hổ với tất cả các bộ phận trên cơ thể mình. Vì thế, phụ huynh có thể giúp trẻ nhận biết tên gọi (hoặc từ lóng) và chức năng của các bộ phận trên cơ thể.

Nếu trẻ không thích mặc quần áo hoặc có thói quen đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm, việc cha mẹ cần làm là đặt giới hạn thời điểm và địa điểm nào có thể và không thể không mặc quần áo hay sờ chạm vào bộ phận nhạy cảm. Ngoài ra, phụ huynh cần giúp trẻ phân biệt sự khác nhau về giới tính.

Trong giai đoạn trẻ từ 2 - 5 tuổi, các bé cần biết tên gọi chính xác của những bộ phận trên cơ thể. Việc phân biệt giới tính được đặt lên mức độ mới: bạn trai và bạn gái tuy khác nhau những vẫn sẽ có những điểm giống nhau. Bên cạnh đó, ngoài những chức năng cơ bản, trẻ cần hiểu việc cơ thể mỗi người có thể giúp hiểu ta đang cảm thấy và mong muốn điều gì. Từ đó, học cách cảm nhận cơ thể và tôn trọng sự khác biệt.

“Khái niệm về sự riêng tư đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này. Trẻ cần nhận thức rằng, có những bộ phận riêng tư mà mọi người không thể nhìn thấy. Đây là bước đầu giúp trẻ học cách bảo vệ bản thân cũng như tôn trọng sự riêng tư của người khác”, chuyên gia chia sẻ.

Ngoài ra, ở tuổi này, trẻ có xu hướng tò mò về việc “Con được sinh ra từ đâu?”. Để giải đáp thắc mắc này, phụ huynh có thể trả lời một cách đơn giản, không cần thiết đề cập chi tiết, như: “Để một em bé chào đời thì nhất định cần có sự góp sức của cha (tế bào/ tinh trùng) và mẹ (tế bào/trứng) để tạo ra ‘hạt mầm’ là con. ‘Hạt mầm’ sẽ dần lớn lên trong tử cung/bụng của mẹ. Cha mẹ rất vui vì có con và rất muốn gặp con. Khi ‘hạt mầm’ đủ lớn và muốn ra ngoài để gặp cha mẹ (khoảng 9 tháng 10 ngày), mẹ sẽ cần sự hỗ trợ của các bác sĩ. Khi đó con được ra đời”.

Để hỗ trợ cho trẻ trong độ tuổi này, phụ huynh cần kiên nhẫn và thẳng thắn trong việc giải thích với con. Từ đó, trẻ có thể hiểu cha mẹ là nguồn hỗ trợ đáng tin cậy và dễ dàng “gửi gắm” tâm tư của mình hơn. Cha mẹ cũng có thể tham khảo một số sách truyện giới tính, giúp giải đáp cho trẻ các thông tin cần thiết một cách sinh động.

giao-duc-gioi-tinh-cho-con2.jpg
Khi trẻ khoảng 9 - 12 tuổi, việc nhận thức về thời kỳ dậy thì cần được trang bị một cách chi tiết hơn so với giai đoạn trước. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, trẻ khoảng từ 5 - 8 tuổi thường tiếp thu mọi điều từ cha mẹ. Do đó, đây sẽ là “cơ hội vàng” để phụ huynh thiết lập mối quan hệ tin tưởng với trẻ, đặc biệt trong việc giáo dục giới tính. Ngoài việc giải thích một cách chi tiết hơn, phụ huynh hãy hỏi ý kiến của trẻ để kiểm tra điều con đã biết và tìm hiểu điều bé mong muốn biết. Phụ huynh có thể tận dụng các nguồn tư liệu gần gũi xung quanh như người phụ nữ mang thai, cảnh hôn trên truyền hình,… để giáo dục về giới tính cho trẻ.

Bên cạnh đó, ở thời điểm này, trẻ cần hiểu các kỹ năng về chăm sóc cơ thể và học cách từ chối cũng như bảo vệ bản thân. Việc phát triển những khái niệm đầu tiên về dậy thì, gia đình, bạn bè, tình yêu giúp trẻ hiểu cơ thể và các mối quan hệ xung quanh sẽ thay đổi khi chúng ta trưởng thành về mặt thể chất và cảm xúc.

Một số câu hỏi về hành vi tính dục của trẻ cũng cần phụ huynh giải thích, nhằm giúp con nhận thức rõ giới hạn và đâu là những hoạt động chỉ dành cho người lớn. Nếu vô tình thấy những hình ảnh nhạy cảm trên mạng Internet hoặc các nơi khác, trẻ cần nói với cha mẹ và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết hiệu quả.

“Ở giai đoạn trẻ từ khoảng 9 - 12 tuổi, việc nhận thức về thời kỳ dậy thì cần được trang bị một cách chi tiết hơn, đặc biệt về mối liên hệ giữa chúng đến quá trình mang thai. Trẻ nữ cần chuẩn bị cho kỳ kinh nguyệt đầu tiên và trẻ nam cần hiểu về sự xuất tinh. Quan trọng hơn hết, trẻ cần học cách phòng tránh việc mang thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục”, chuyên gia Nhan Cẩm Nghi cho biết.

Cụ thể, ở thời điểm này, trẻ sẽ tò mò về những hành vi tình dục. Vì thế, phụ huynh cần hỗ trợ trẻ cách sử dụng các thiết bị điện tử một cách an toàn. Đồng thời, cần trao đổi với trẻ quan điểm của cha mẹ, gia đình về khái niệm một mối quan hệ tôn trọng, gắn bó. Đây là thời điểm quan trọng giúp trẻ hiểu giá trị và niềm tin của cha mẹ về những chủ đề liên quan đến tình cảm. Phụ huynh cần đa dạng trong cách giáo dục và tạo điều kiện giúp trẻ phát triển kỹ năng tự quyết định, giao tiếp và kỹ năng đàm phán.

“Quan điểm về việc giáo dục giới tính cho trẻ đã thay đổi rất nhiều trong những năm nay. Bởi lợi ích của việc giáo dục giới tính không mang tính ‘vẽ đường cho hươu chạy’ mà ngược lại, sẽ giúp trẻ nhận thức rõ và đưa ra những quyết định tốt hơn nhờ sự hướng dẫn chi tiết từ phụ huynh. Việc xây dựng các cuộc trò chuyện nhỏ, thường xuyên, lặp đi lặp lại với con góp phần xây dựng một lối sống lành mạnh cho trẻ trong tương lai”, chuyên gia Cẩm Nghi chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đạo diễn trẻ Phạm Vĩnh Khương là người tiên phong trên thế giới sản xuất các phim, MV âm nhạc từ công nghệ AI.

MV đặc biệt làm bằng AI về Ngày Giải phóng miền Nam

GD&TĐ - MV có tên “Bản tuyên ngôn” - sản phẩm âm nhạc độc đáo sử dụng công nghệ AI trên điện thoại do đạo diễn Phạm Vĩnh Khương thực hiện, kể lại câu chuyện về Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.