Giáo dục giới tính: Chờ đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung và phương pháp giáo dục giới tính phải phù hợp với tâm lý, độ tuổi của học sinh.

Học sinh được thực hành các kỹ năng về phòng tránh xâm hại, bắt cóc trẻ em dưới sự hướng dẫn của cán bộ Công an quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ
Học sinh được thực hành các kỹ năng về phòng tránh xâm hại, bắt cóc trẻ em dưới sự hướng dẫn của cán bộ Công an quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ

Trước thực trạng nữ sinh bị nhiều người dâm ô, học sinh bị quấy rối tình dục…, nhiều ý kiến cho rằng, việc nghiên cứu đưa giáo dục giới tính thành môn học bắt buộc trong các trường phổ thông là cần thiết. Tuy nhiên, nội dung và phương pháp phải phù hợp với tâm lý, độ tuổi của học sinh.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội): Cần khảo sát thực tế

Thầy Nguyễn Cao Cường. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Cao Cường. Ảnh: NVCC

“Đưa giáo dục giới tính trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường” là đề xuất hay và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù chúng ta đã có không ít giải pháp và nhiều cơ quan thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em gái, phụ nữ nhưng không đồng đều, thậm chí có nơi thiên về phong trào, nặng tính hình thức.

Những nội dung giáo dục giới tính đã được biên soạn, giáo dục tại các nhà trường thông qua nhiều hình thức và bước đầu có chuyển biến. Theo Chương trình GDPT 2018, nội dung này được đề cập giảng dạy lồng ghép ở một số môn/ hoạt động học tập. Tuy nhiên, để có môn học dành riêng cho nội dung này lại là vấn đề không đơn giản. Về mặt khoa học, chương trình cần nghiên cứu kỹ. Bởi sự phát triển của xã hội đều nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Nếu chúng ta không nghiên cứu thận trọng sẽ tạo ra những bất cập và quá tải với ngành Giáo dục.

Tại sự kiện “Ngày hội Chuyên Văn” của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) diễn ra vào cuối tháng 2/2024, nhiều thầy cô, học sinh đã nêu lên thực trạng về tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai thời gian qua. Đồng thời trao đổi ý kiến, quan điểm xung quanh vấn đề giáo dục giới tính, tình bạn, tình yêu tuổi học trò cho học sinh. Qua đó cho thấy tính cấp thiết của việc nên đưa Giáo dục giới tính thành một môn học độc lập.

Do đó, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là cơ quan nghiên cứu, bảo vệ trẻ em, phụ nữ cần phối hợp nhằm cụ thể hóa những việc làm một cách bài bản cho vấn đề này.

Chẳng hạn, thực hiện việc lồng ghép thế nào? Nội dung, phương pháp có cần điều chỉnh và thay đổi? Việc tuyên truyền, giáo dục về giới và những vấn đề liên quan mang tính đồng bộ đó ở gia đình, địa phương cần tiến hành ra sao… Có như vậy, việc trang bị cho học sinh kiến thức về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản mới đạt hiệu quả phù hợp từng độ tuổi.

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Giáo dục liên tục

Từ thực tế giảng dạy kỹ năng phòng tránh xâm hại cũng như các kiến thức về giới tính cho học sinh phổ thông nhiều trường tại Hà Nội cho thấy, việc đưa giáo dục giới tính thành môn học bắt buộc trong nhà trường là hoàn toàn phù hợp. Bởi, khi trở thành môn học sẽ có kiểm tra đánh giá, học sinh mới học một cách nghiêm túc. Hiện nay, giáo dục giới tính được lồng ghép vào một số hoạt động/môn học theo chương trình mới nhưng hiệu quả đạt được chưa cao.

Ở nước ngoài, giáo dục giới tính được đặc biệt coi trọng và giảng dạy từ lâu vì nó hướng tới việc đảm bảo an toàn cho học sinh. Quá trình phát triển từ trẻ em tới tuổi vị thành niên là tất yếu; các yếu tố liên quan đến giới tính các em đều có nhu cầu được biết.

Ngoài ra, có không ít trường hợp trẻ dậy thì sớm (từ lớp 3) chứ chưa cần đến THCS nên việc trang bị kiến thức giới tính vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, lâu nay người lớn mà nhất là gia đình thường né tránh việc này vì cho là “nhạy cảm”. Kể cả các nội dung giáo dục giới tính được lồng ghép trong một số môn học thường không có đánh giá nên học sinh chưa chú trọng học.

TS Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC

TS Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC

Cùng đó, do không thi nên việc giáo viên dạy lồng ghép giáo dục giới tính ra sao, hiệu quả học tập của học sinh thế nào cũng khó đánh giá. Nội dung giáo dục giới tính có thực sự đầy đủ với lứa tuổi hay không?

Có nhiều em dù ở lứa tuổi tiểu học nhưng đã tò mò và tìm hiểu kiến thức về giới tính, quan hệ tình dục an toàn thì trong chương trình đề cập tới chưa? Thậm chí, có những em lớp 4, 5 đã tìm và xem “phim nóng”, nhất là sau dịch Covid-19, cha mẹ và thầy cô có biết?

Trong các nhóm kín trên mạng xã hội liên quan đến giáo dục giới tính, học sinh chia sẻ về nhiều câu chuyện như quan hệ tình dục sớm và các biểu hiện gặp phải. Dường như các em mới chỉ tiếp cận vấn đề giáo dục giới tính dưới góc độ sinh học nhưng chưa hiểu ở góc độ pháp luật. Nhiều em chưa phân biệt được thế nào là dâm ô, xâm hại hay các biện pháp phòng tránh thai và xử lý tình huống nguy hiểm để tự bảo vệ bản thân… Tất cả kiến thức, kỹ năng đó học sinh phải được trang bị đầy đủ.

Do đó, để trở thành môn học chính thống trong nhà trường mang tên Giáo dục giới tính thì nhất thiết phải đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và được xây dựng theo một chương trình chuẩn. Khi đó, mỗi tuần các em chỉ cần học 1 tiết, 30 – 35 tiết/năm học. Nếu duy trì trong khoảng 10 năm, học sinh sẽ được học và nhận thức lượng kiến thức bổ ích về giáo dục giới tính.

NGƯT Nguyễn Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam): Bố trí lịch học phù hợp

NGƯT Nguyễn Thị Tươi. Ảnh: NVCC

NGƯT Nguyễn Thị Tươi. Ảnh: NVCC

Tình bạn - tình yêu - giới tính là một trong các chủ đề luôn gắn với trẻ vị thành niên, nhất là giai đoạn dậy thì. Qua thông tin báo chí, không hiếm gặp các trường hợp trẻ vị thành niên mang thai, sinh con ngoài ý muốn, thậm chí nhiều em phải đi phá thai gây ảnh hưởng không tốt tới tâm lý và sức khỏe. Tuy nhiên, khi đề cập đến chủ đề này nhiều em cảm thấy ngại và có xu hướng né tránh.

Vì thế, việc đưa giáo dục giới tính trở thành nội dung giáo dục bắt buộc trong nhà trường là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để hình thành một môn học riêng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu. Đa số khối lớp đều kín 5 tiết/ngày, nếu thêm môn mới phải bố trí lại lịch học.

Việc lồng ghép nội dung về giáo dục giới tính trong một số hoạt động học cho học sinh đang được triển khai tích cực. Dù vậy, mỗi em lại có nhận thức khác nhau nên kết quả thu được không giống nhau.

Theo tôi, tùy đặc thù của từng đơn vị, có thể đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống, trong đó có vấn đề giới tính, phòng tránh xâm hại trẻ em... thành nội dung giáo dục bắt buộc trong nhà trường, ví dụ qua môn học Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Nếu làm được điều này, học sinh sẽ được trang bị thêm nhiều kiến thức gần gũi, thiết thực về tuổi vị thành niên.

Cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc): Giải bài toán nhân sự

Cô Phan Thị Hằng Hải. Ảnh: NVCC

Cô Phan Thị Hằng Hải. Ảnh: NVCC

Giáo dục giới tính quan trọng đối với học sinh và nên bắt đầu sớm. Nhiều nước trên thế giới đã đưa Chương trình giáo dục giới tính cho trẻ em từ cấp mầm non (Hà Lan), tiểu học (New Zealand)... Do đó, tôi ủng hộ quan điểm đưa giáo dục giới tính trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường. Để có thể trở thành môn học độc lập cần có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, cơ sở vật chất đảm bảo; chương trình xây dựng phải phù hợp và hiệu quả cho từng nhóm học sinh.

Bên cạnh việc có thể trở thành môn học bắt buộc, cần tăng cường tích hợp trong nội dung các môn học, hoạt động trải nghiệm. Với học sinh THPT, thầy cô cần trang bị kiến thức và kỹ năng về giới tính, tình dục an toàn, cách phòng tránh mang thai hiệu quả; biện pháp phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục. Nhà trường, thầy cô, cha mẹ cần cởi mở, tạo không khí thoải mái, thân thiện khi giáo dục giới tính cho các em. Đồng thời sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và trở thành nhà tâm lý để đồng hành, giải đáp thắc mắc, tâm sự thầm kín của các em.

PGS.TS.BS Hồ Thị Kim Thanh - Trưởng bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội; Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội): Đừng ngại nhìn vào thực tế

PGS.TS.BS Hồ Thị Kim Thanh. Ảnh: NVCC

PGS.TS.BS Hồ Thị Kim Thanh. Ảnh: NVCC

Qua nghiên cứu nhiều nguồn cho thấy, tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á, trong đó 70% là trẻ vị thành niên - con số đáng báo động. Nguyên nhân xuất phát từ các em chưa nhận thức được đầy đủ kiến thức về giới tính, tình dục an toàn.

Nhiều em lứa tuổi thiếu niên đã có nhu cầu tìm hiểu về giới tính, nhưng điều này lại bị cha mẹ, thầy cô coi là nhạy cảm và không chia sẻ công khai. Do tò mò nên các em tìm kiếm thông tin liên quan qua nhiều kênh khác nhau ngoài sách vở. Bởi thế, không khó để bắt gặp cảnh học sinh truy cập vào web đen xem phim 18+.

Từ thực tế trên, tôi cho rằng, giảng dạy về giáo dục giới tính cần triển khai nghiêm túc với sự đồng hành giữa nhà trường – gia đình. Giáo dục giới tính phải được coi là bộ môn khoa học chính thống. Khi đó, học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân, xây dựng suy nghĩ tích cực, lối sống đẹp. Trên cơ sở tham khảo cách làm của những quốc gia đi trước, Việt Nam cần nghiên cứu và sàng lọc hình thức triển khai phù hợp. Các nội dung đưa vào giảng dạy cần thiết thực, cụ thể, dễ hiểu.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) cho biết, ở Chương trình GDPT mới, nội dung giáo dục giới tính được lồng ghép vào môn Tự nhiên - Xã hội từ lớp 1, 2, 3 và môn Khoa học lớp 4, 5. Ở cấp THCS, nội dung này nằm trong chương trình Sinh học lớp 8. Tuy nhiên, nội dung còn mỏng, đa số kiến thức mới dừng lại ở lý thuyết. Giáo viên lúng túng trong triển khai.

Ngoài ra, đưa nội dung giáo dục giới tính lồng ghép vào các môn học khác nhau khiến người học không thể tổng hợp những điều mang tính khái quát vào hành vi cụ thể. Khi Bộ GD&ĐT xây dựng nội dung giáo dục giới tính dù là chính khóa, ngoại khóa hay lồng ghép, điều quan trọng phải đầy đủ. Cùng với giáo trình chuẩn được biên tập trên cơ sở khoa học, giáo viên đứng lớp phải có kinh nghiệm, sẵn sàng tư vấn, giải thích rõ ràng những thắc mắc của học sinh thì giáo dục giới tính mới đạt hiệu quả cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.