Giáo dục giới tính: Thay đổi cùng con

GD&TĐ - Đa số phụ huynh cảm thấy khó khăn khi trao đổi với con về chủ đề giới tính và tình dục an toàn.

Cô Phạm Thị Thùy Loan giải đáp thắc mắc của học sinh trong buổi học về giáo dục giới tính tại lớp Kỹ năng sống do Trường THCS Nguyễn Huệ tổ chức. Ảnh: NTCC
Cô Phạm Thị Thùy Loan giải đáp thắc mắc của học sinh trong buổi học về giáo dục giới tính tại lớp Kỹ năng sống do Trường THCS Nguyễn Huệ tổ chức. Ảnh: NTCC

Thế nhưng, không thể phó mặc việc giáo dục giới tính cho nhà trường, xã hội hoặc để con tự tìm hiểu.

Cha mẹ ngại chia sẻ

Chị Nguyễn Thị Hương bất ngờ khi con gái đang học lớp 5, Trường Tiểu học Lý Công Uẩn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) mượn sách tìm hiểu tâm lý tuổi dậy thì để “mẹ đọc để hướng dẫn cho con”. Chị kể: “Con tự tìm hiểu những kiến thức ở trên mạng. Cháu còn dùng từ liên quan đến thay đổi giới tính mà mẹ rất ngơ ngác như “đèn đỏ””. Chị Hương thừa nhận, bản thân không theo kịp với những thay đổi của trẻ.

Trong khi đó, em Hà Minh Trí - học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Nhiều vấn đề em không dám hỏi ba mẹ, như các biểu hiện của tuổi dậy thì, việc thấy thích nói chuyện với một bạn gái cùng lớp. Em không nói với ba mẹ mà cũng không biết hỏi ai, hỏi bạn thì sợ bị trêu, hỏi thầy cô giáo cũng ngại. Vậy là đành im lặng”.

Chị Phạm Thị Ngọc Quỳnh (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) kể: “Ngày trước, ba mẹ đi đâu không cho đi cùng thì con hờn dỗi. Bây giờ, rủ con đi thăm họ hàng thì miễn cưỡng; thậm chí tình nguyện ở nhà một mình. Con chỉ thực sự hào hứng khi đi chơi cùng bạn, quan tâm đến bạn. Gặp bạn ở lớp rồi về nhà còn ôm điện thoại nói chuyện”.

Theo cô Phạm Thị Thùy Loan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), đây là một trong những biểu hiện thường gặp ở lứa tuổi từ 11 - 14 tuổi. Nhu cầu giao tiếp với bạn phát triển mạnh là đặc điểm quan trọng ở tuổi thiếu niên.

Các em bắt đầu tách dần khỏi bố mẹ và mong muốn được thể hiện sự độc lập của bản thân; có nhu cầu tìm hiểu những thay đổi của cơ thể trong quá trình dậy thì. Không chỉ cha mẹ gặp khó khăn mà các em cũng gặp khó ở giai đoạn này. Thế nhưng, không phải bố mẹ nào cũng điều chỉnh kịp thời để bắt nhịp với sự thay đổi của con cái.

Theo nhận xét của bác sĩ Lê Văn Huệ - nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP Đà Nẵng: Trong chương trình học và ngoại khóa, học sinh các trường THCS và THPT đều được cung cấp kiến thức về giới tính, tình dục. Thế nhưng, sự hiểu biết đó chỉ giới hạn ở nội dung giới tính và những chuyện phía sau đó như quan hệ tình dục sớm sẽ dẫn đến hậu quả gì, trách nhiệm của em trai trong vấn đề này thế nào, các em có thể sử dụng biện pháp tránh thai nào… thì nhiều em hoàn toàn không biết, hoặc biết chung chung.

Có thực tế, do quan niệm văn hóa, chủ đề giáo dục giới tính, quan hệ tình dục được xem là nhạy cảm, nhiều bậc cha mẹ ngại trao đổi với con về vấn đề liên quan, thậm chí tránh nhắc đến vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Điều này dẫn đến tâm lý ngại nói về chuyện phòng tránh, sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.

Học sinh Trường PTDTNT Nam Trà My (Quảng Nam) tham gia hội thi Tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, phòng chống và ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm học 2023 - 2024. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường PTDTNT Nam Trà My (Quảng Nam) tham gia hội thi Tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, phòng chống và ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm học 2023 - 2024. Ảnh: NTCC

Hành trình yêu thương

Bác sĩ Lê Văn Huệ kể, không ít lần nói chuyện về sức khỏe sinh sản ở trường THCS, đã nhận được những câu hỏi của học sinh chuyển đến qua những mảnh giấy, như hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách, quan hệ tình dục một lần có thể có thai không?

Rõ ràng các em quan tâm đến vấn đề cụ thể chứ không còn là kiến thức chung chung về sức khỏe giới tính. Đây là dấu hiệu tích cực và các em có quyền được biết. Chia sẻ thông tin, bác sĩ Lê Văn Huệ đồng thời nhìn nhận: Thế nhưng, hầu hết buổi nói chuyện chuyên đề của bác sĩ về sức khỏe sinh sản ở các trường THPT hiện nay mới dừng lại ở sức khỏe giới tính, giúp học sinh có nhận thức về những thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi chuyển từ trẻ em sang người lớn. Vì vậy, cần có sự chung tay từ phía phụ huynh trong vấn đề giáo dục giới tính.

Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thảo Sương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) nhận xét: “Nhiều học sinh tìm đến giáo viên chủ nhiệm, tổ tư vấn tâm lý học đường với câu hỏi về vấn đề giới. Có những câu chuyện, tình huống vượt quá giới hạn hiểu biết của thầy cô giáo nên cần đến chuyên viên tâm lý được đào tạo bài bản”.

Khi dự án “Hành trình yêu thương” được triển khai thí điểm tại Đà Nẵng thời điểm năm 2013, có không ít sự quan ngại từ phía giáo viên và phụ huynh. Với “Hành trình yêu thương”, lần đầu tiên các trường học được tiếp cận phương pháp phòng chống bạo lực bằng cách tác động đến học sinh nam, nữ.

Cách tiếp cận này đưa lại cho các em cơ hội được giáo dục giới, giới tính, biết những thay đổi cơ thể trong quá trình dậy thì, cách thức bảo vệ mình… bài bản, phù hợp tâm lý, độ tuổi. Giáo viên được tập huấn khi tham gia dự án đã và đang là những tuyên truyền viên tích cực trong các trường học về giáo dục giới tính, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới trong nhà trường.

Ông Nguyễn Minh Hùng - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng nêu quan điểm: “Trong thời đại bùng nổ thông tin, mọi thứ tốt - xấu được đẩy tràn lan trên mạng, trong khi học sinh ở lứa tuổi có nhiều tò mò nên việc thiếu hiểu biết, hoặc hiểu không đầy đủ rất nguy hiểm. Vậy tại sao chúng ta không trang bị cho các em kiến thức cơ bản để hiểu, biết mà giữ gìn. Muốn vậy, chương trình và cách truyền đạt kiến thức phải phù hợp tâm lý lứa tuổi”.

Huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đã duy trì mô hình Câu lạc bộ thân thiện chủ yếu thực hiện truyền thông về sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên trong các trường bán trú. Đội ngũ tư vấn viên là cô giáo, người có uy tín và một số học sinh ưu tú. Mỗi trường bán trú đều thành lập các nhóm thân thiện với sự tham gia của học sinh nữ.

Với sự hỗ trợ của cô giáo chủ nhiệm, các tư vấn viên sẽ tiếp cận, khơi gợi để các em chia sẻ những thay đổi cả thể chất lẫn tâm lý bản thân ở lứa tuổi vị thành niên. Những điều này, có thể do e ngại, rụt rè mà không bày tỏ trong buổi tuyên truyền về sức khỏe sinh sản được tổ chức tại lớp. Đây là căn cứ để các tư vấn viên có cách để tuyên truyền, hướng dẫn nữ sinh về kỹ năng sống cũng như cách bảo vệ mình hiệu quả.

Theo cô Phạm Thị Thùy Loan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), giáo dục giới tính rất cần thiết để học sinh có hiểu biết mang tính khoa học. Phụ huynh và học sinh có thể tìm sự hỗ trợ từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên hỗ trợ tâm ý, các lớp học kỹ năng sống. Một nguồn nữa về giáo dục giới tính mà phụ huynh có thể khai thác để trò chuyện, trao đổi cùng con là các trong web chuyên ngành hoặc trang giáo dục giới tính cho trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.

Các dạng bài ielts writing task 2