Giáo dục ĐH Nhật Bản trước áp lực thay đổi

GD&TĐ - Những thách thức trong nước và quốc tế buộc các trường ĐH Nhật Bản phải thay đổi để tồn tại…  

Giáo dục ĐH Nhật Bản trước áp lực thay đổi

Mối lo thiếu sinh viên

Yuki Sato là sinh viên Đại học Waseda, một trong những trường ĐH hàng đầu tại Nhật Bản, theo học ngành quan hệ công chúng. Điều này có nghĩa là Sato đã vươn tới giấc mơ của nhiều thanh thiếu niên Nhật Bản – vào được một trường đại học danh tiếng. Tuy nhiên, Sato trở về Nhật sau khi tốt nghiệp một trường nội trú tại Mỹ, sớm cảm thấy thất vọng. “Bạn bè tôi là sản phẩm của nền giáo dục “nhồi nhét” – học vẹt là cách tốt nhất dẫn tới thành công” – Sato chia sẻ. Sato quyết định trở lại Mỹ theo học ĐH Washington.

Trong một vài năm tới, một số trường ĐH Nhật Bản có thể sẽ chuẩn bị tốt hơn để níu chân những sinh viên như Sato – những sinh viên đòi hỏi giáo dục song ngữ và hội nhập quốc tế. Thu hút sinh viên trong nước và châu Á thậm chí quyết định tới sự sống còn của nhiều trường đại học khi thời gian tiến đến cái gọi là “vấn đề 2018” không còn xa. Trong 2 năm tới, số thanh niên 18 tuổi, độ tuổi vào đại học, sẽ ở mức thấp kỉ lục và tiếp tục giảm sau đó – theo số liệu của Bộ Giáo dục. Điều này có nghĩa là nhiều trường ĐH Nhật Bản có thể không còn “sống” dựa vào nguồn tuyển sinh trong nước được nữa. Tại quốc gia gần như phổ cập đại học, toàn bộ các trường ĐH đều đối mặt với nguy cơ thiếu sinh viên.

Thay đổi để tồn tại

Mối đe dọa này như bóng ma ngày càng lớn đặc biệt với những trường hạng trung và hạng thấp, theo William Shang, Trưởng khoa Nghiên cứu toàn cầu tại ĐH Tama, Tokyo. “Chúng tôi dự đoán một số trường ĐH sẽ không thể hoạt động được nữa” – Shang cho biết. Nguy cơ khẩn cấp mới đặt ra với gần 800 cơ sở GD ĐH tại Nhật – theo nhận định của Bộ Giáo dục từ năm 2014. Những thách thức mà các trường ĐH Nhật đang đối mặt không phải là mới mẻ trên thế giới. Các trường ĐH Mỹ cũng đã đứng trước hiện trạng thiếu sinh viên và các trường đã phải bung ra nguồn thu “thứ cấp” từ mở lớp học tối, đẩy mạnh loại hình GD liên tục, GD trực tuyến…

Một số mô hình GD kiểu trên có thể xuất hiện tại Nhật, nhưng có lẽ các trường ĐH Nhật sẽ hướng tới đối tượng học viên cao tuổi, những người rảnh thời gian mà không có việc gì để làm. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, nhiều trường ĐH Nhật Bản đang gỡ khó bằng cách chuyển đổi hình thức đào tạo theo hướng quốc tế hoá để thu hút sinh viên.

Các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh ngày càng phổ biến. Một số trường đã đổi lịch học của năm theo hệ thống GD Mỹ để sinh viên có thể thực tập ở nước ngoài. Đảng cầm quyền cũng đề cao TOEFL, kì thi tiếng Anh tiêu chuẩn quốc tế, như một phần quan trọng cho cả GD công lập và tư thục. Năm 2014, chính phủ công bố dành 77 triệu USD tuyển dụng người nước ngoài hoặc người Nhật đã tốt nghiệp các trường ĐH nước ngoài tới dạy tại các trường ĐH Nhật Bản.

Đang có nhiều trường ĐH thay đổi phương thức học sang thảo luận kiểu seminar thay cho kiểu thầy độc giảng truyền thống. Điều này xuất phát từ xu hướng đòi hỏi thay đổi từ học viên. Ngay nền công nghiệp dạy thêm, doanh số hơn 10 tỉ USD/năm, cũng đã chịu những thiệt hại khi không thay đổi kịp xu hướng trên. Hai năm trước, một trong những chuỗi trường dạy thêm nổi tiếng nhất của Nhật đã đóng cửa 3/4 chi nhánh – nguyên nhân là do cách dạy truyền thống Nhật Bản đã bị coi là lạc hậu.

Cũng có những đòi hỏi thay đổi cách thức GD từ các doanh nghiệp lớn như Rakuten đưa Anh ngữ trở thành ngôn ngữ chính thức giao tiếp và làm việc trong công ty. Những tập đoàn công nghiệp hàng đầu như Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo và Theory, cũng đòi hỏi khả năng Anh ngữ cao từ nhân viên mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ