Giáo dục đạo đức song hành với phòng, chống tệ nạn xã hội trong trường học

GD&TĐ - Giáo dục đạo đức kết hợp phòng chống tệ nạn xã hội trong trường học được ngành Giáo dục TP Cần Thơ triển khai có hiệu quả. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội đảm bảo môi trường học tập an toàn.

Học sinh Trường THPT Thới Lai (TP Cần Thơ) cùng nhau tham gia hoạt động ngoại khóa.
Học sinh Trường THPT Thới Lai (TP Cần Thơ) cùng nhau tham gia hoạt động ngoại khóa.

Tăng cường phòng, chống tệ nạn xã hội

Triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội trong trường học, UBND TP Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học năm học 2021 - 2022 trên địa bàn thành phố. Mục đích nhằm cụ thể hóa từng nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT giao

Kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ cụ thể, gồm: Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng công tác phòng, chống ma túy trong trường học; tổ chức các chương trình tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy mại dâm, tệ nạn xã hội cho cán bộ quản lý, giáo viên kiêm nhiệm công tác Đoàn, Đội của các nhà trường trên địa bàn thành phố.

Xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học; phối hợp thí điểm xét nghiệm chất ma túy cho học sinh, sinh viên, học viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông; triển khai bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” cho các trường học, cơ sở giáo dục.

UBND thành phố giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND thành phố theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện; tổng hợp, trình UBND thành phố báo cáo Chính phủ, Bộ GD&ĐT theo quy định; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Công an thành phố, Sở Y tế, các cơ quan có liên quan và Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng, chống ma túy tổ chức triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ trên trong trường học năm học 2021 - 2022 trên địa bàn thành phố.

TP Cần Thơ cũng đã triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong ngành Giáo dục đến năm 2025. Theo đó, hết năm 2025 đạt một số nội dung như: 100% cán bộ, giáo viên cốt cán của các các trường tiểu học được tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về phòng, chống ma túy; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các kiến thức phòng, chống ma túy với các hình thức, thời lượng và nội dung phù hợp cho 100% học sinh tiểu học.

Có 100% đội ngũ nhà giáo, học sinh của các cơ sở giáo dục phổ thông và sinh viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm được trang bị kiến thức cơ bản về tác hại của ma túy và các kỹ năng phòng ngừa ma túy. Cơ bản 100% trường học trên cả nước đạt tiêu chí “Trường học không có ma túy”.

Tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp đa dạng giúp công tác giáo dục đạo đức học sinh hiệu quả hơn.
Tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp đa dạng giúp công tác giáo dục đạo đức học sinh hiệu quả hơn.

Ngăn ngừa từ gốc

Để đảm bảo an ninh, an toàn trường học, ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã chủ động phòng ngừa từ “gốc”, đặc biệt là kết hợp nhiều kênh thông tin, từ nhà trường, gia đình đến xã hội để cùng chung tay kịp thời can thiệp, uốn nắn hành vi của học sinh…

Nhà trường nắm rõ tình hình học sinh, khi các em có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời tháo gỡ thông qua ban cán sự lớp, giáo viên chủ nhiệm, tổ tư vấn tâm lý học đường hay ban giám hiệu. Gia đình cũng sát cánh với nhà trường trong việc chăm lo việc học, cùng gỡ khó khi con em gặp vướng mắc. Thậm chí các hàng quán khu vực trường học - nơi các em hay đến thư giãn, cũng bắt tay phối hợp với nhà trường, khi thấy có em nào biểu hiện chưa tốt thì thông báo ngay về trường.

Để bảo đảm an ninh trường học, TP Cần Thơ thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp, trước hết là ký kết quy chế phối hợp giữa Sở GD&ĐT và Công an thành phố. Đây là giải pháp quan trọng, kết hợp chặt chẽ trong việc đảm bảo an ninh trường học, phòng chống bạo lực học đường và tổ chức tuyên truyền, phòng chống tệ nạn xã hội…

Với phương châm “lấy phòng ngừa là cơ bản”, hai ngành đã thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, các đơn vị nỗ lực góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, nâng cao đạo đức, lối sống lành mạnh trong học sinh, sinh viên.

Theo thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai (TP Cần Thơ), nhà trường cũng cần đưa ra các giải pháp sát với tình hình thực tế. Xây dựng nội quy nhà trường chặt chẽ, có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình và chính quyền địa phương, nâng cao vai trò của Tổ tư vấn học đường, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp đa dạng, phong phú, hấp dẫn, sinh động thu hút học sinh tham gia...

Đối với học sinh cá biệt, việc giáo dục, uốn nắn các em phải linh hoạt. Nhà trường rất hạn chế sử dụng cụm từ “học sinh cá biệt” thay vào đó là “học sinh có tính cách đặc biệt…” và đây cũng chính là một trong những biện pháp tâm lý để nhà trường giáo dục học sinh để các em cảm nhận được sự tôn trọng từ người lớn.

Để uốn nắn những học sinh nêu trên thì nhà trường tìm hiểu kỹ đặc điểm, hoàn cảnh của học sinh rồi mới đưa ra các biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh. Cho dù dùng biện pháp nào đi nữa thì điều quan trọng vẫn là giáo dục, uốn nắn các em bằng chính tình thương yêu chân thành của người thầy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.