Giáo dục đạo đức: Phải thay đổi phương pháp và xác định mục tiêu cốt lõi

GD&TĐ - Hiện tượng một bộ phận không nhỏ học sinh - sinh viên đã và đang có những biểu hiện xuống cấp trong lối sống, sinh hoạt, học tập… một lần nữa đặt ra vấn đề về hiệu quả của việc giáo dục đạo đức trong nhà trường - nếu không muốn nói là cho thấy cần thay đổi, đổi mới cách dạy và học môn học này. Báo GD&TĐ đã có cuộc gặp gỡ với PGS.TS Ngô Minh Oanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) và TS Phạm Thị Thúy – chuyên gia về tâm lý và phương pháp sư phạm để chia sẻ về đề tài trên.

Giáo dục đạo đức: Phải thay đổi phương pháp và xác định mục tiêu cốt lõi

PV: Thưa PGS.TS Ngô Minh Oanh và TS Phạm Thị Thúy, việc giáo dục đạo đức cần phải được thay đổi ra sao và các giáo viên nên điều chỉnh phương pháp sư phạm như thế nào để giúp cho công tác giáo dục đạo đức hiệu quả và thực chất ?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Giáo dục đạo đức cần phải thay đổi theo hướng tăng cường tổ chức cho học sinh học tập trải nghiệm. Nhà trường nên dành nhiều thời gian cho hoạt động ngoại khóa, hướng các em đến những địa chỉ như nhà tình thương, trại mồ côi, người khuyết tật… để khơi dậy lòng nhân ái, góp phần thay đổi nhận thức, tư tưởng, tình cảm.

PGS.TS Ngô Minh Oanh

PGS.TS Ngô Minh Oanh

Giáo dục đạo đức nên tiến hành từ bậc mẫu giáo, tùy theo trình độ của các cấp học mà áp dụng hình thức, phương pháp, nội dung phù hợp. Quan trọng là chúng ta giúp các em hiểu biết lý lẽ về đạo đức, những lễ nghi phép tắc thường ngày và nguyên tắc ứng xử trong cộng đồng, sau đó hướng hành vi của các em theo những chuẩn mực trên. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục đạo đức cần được thiết kế theo nội dung từ gần gũi đến sâu xa, bắt đầu từ việc nuôi dưỡng tình yêu lao động, yêu con người đến yêu thương đồng bào, yêu đất nước…

Việc tạo dựng yếu tố văn hóa trong trường học sẽ góp phần làm cho môi trường giáo dục trở nên lành mạnh. Tất cả giáo viên, học sinh, công nhân viên đều phải học cách cư xử đúng mực, hình thành lối sống trung thực, không chạy theo thành tích…

TS Phạm Thị Thúy: Để việc giáo dục đạo đức được tiến hành hiệu quả và thực chất, cần áp dụng phương pháp sư phạm tối ưu nhất, dựa trên nguyên tắc tạo ra sự vui vẻ và thoải mái. Đó chính là phương pháp lấy người học làm trung tâm, khuyến khích sự tham gia tích cực của họ vào các hoạt động. Nếu giáo viên giảng dạy đạo đức bằng phương pháp thuyết trình, truyền đạt lý thuyết thì không bao giờ đạt kết quả. Học sinh cần phải nhìn thấy những biểu hiện cụ thể của hành vi đạo đức, có khi đó chỉ là một hành động nhỏ của bác bảo vệ trong sân trường.

TS Phạm Thị Thúy

TS Phạm Thị Thúy

Khi nói đến nguyên tắc tạo ra sự vui vẻ, chúng ta nên nhìn nhận lại về vai trò và cách thức tổ chức buổi sinh hoạt đầu tuần. Tôi hay đi tham vấn tâm lý học đường và chứng kiến ở rất nhiều trường học, buổi sinh hoạt dưới cờ trở thành giờ phút căng thẳng nhất. Tổng phụ trách hay hiệu trưởng thường lớn tiếng trên loa phóng thanh, câu chuyện kỷ luật và thi đua thành tích được đem ra nói mãi. Đặc biệt, việc bêu tên học sinh dưới cờ, theo tôi, là không nên chút nào. Trẻ em rất nhạy cảm, dễ xấu hổ và tự ti, hành động này càng khiến các em phản kháng bằng cách ương bướng hơn.

Sửa lỗi cho học sinh thì phải sửa một cách riêng tư, tế nhị. Giáo dục đạo đức không đồng nghĩa với trừng phạt, thầy cô nên xem các em học sinh là đối tượng cần được giúp đỡ để trở nên tốt hơn.

PV: Được biết PGS.TS Ngô Minh Oanh là người có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về giáo dục đạo đức. Vậy theo ông, để nâng cao đạo đức học đường nói chung và đổi mới phương pháp, chương trình giảng dạy thì chúng ta cần lưu ý những vấn đề cốt lõi gì?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Theo khảo sát do chúng tôi tiến hành, đa số các em học sinh THPT trên địa bàn TPHCM nhận thức được truyền thống và đạo lý dân tộc, có lòng yêu nước, hiểu được tinh thần tương thân tương ái. Tuy nhiên, từ nhận thức đến thực hành lối sống còn một khoảng cách khá lớn. Cụ thể:

Tỷ lệ các em nhận thức từ rõ đến rất rõ truyền thống yêu nước và giá trị lao động chiếm trên 60%. Nhưng mức độ đạt được thông qua hành động chỉ xấp xỉ 34-35%. Điều đáng nói là chỉ có 42,7% các em xác định rõ ràng lý tưởng, hoài bão lập thân, lập nghiệp. Nguyên nhân của vấn đề này nằm ở lối sống thực dụng, thiếu hiểu biết nền tảng, thiếu khả năng thấu hiểu và hợp tác.

Từ những nghiên cứu trên, chúng tôi đi đến kết luận quan trọng: Muốn giáo dục đạo đức, trước hết phải cho các em nhận thức được hai giá trị cốt lõi là đạo lý dân tộc và ý thức công dân. Đạo lý dân tộc là những lý lẽ mang tính phổ quát mà con người cần phải tuân thủ. Ý thức công dân là việc hiểu được quyền và nghĩa vụ của bản thân, từ đó mới hình thành trách nhiệm với cộng đồng.

PV: Trong quá trình tìm kiếm giải pháp nâng cao đạo đức học đường, chúng ta sẽ tham khảo kinh nghiệm của những nước có nền giáo dục tiên tiến như thế nào? Các quốc gia này đặt ra những mục tiêu cốt lõi gì cho chương trình giáo dục đạo đức?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Chúng tôi khảo sát chương trình giáo dục đạo đức của nhiều nước phát triển ở phương Đông cũng như phương Tây và đúc kết được nhiều kinh nghiệm hữu ích. Tôi xin khái quát ba nước điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Ở Nhật Bản, giáo dục đạo đức là môn học độc lập, có mục tiêu rõ ràng: nuôi dưỡng tâm hồn, tôn trọng phẩm giá con người, nỗ lực kế thừa và phát triển văn hóa truyền thống, làm phong phú văn hóa cá nhân. Công dân Nhật Bản được giáo dục để trở thành người có thể ra quyết định độc lập, ủng hộ sự phát triển xã hội và nhà nước dân chủ.

Còn tại Hàn Quốc, chương trình giáo dục đạo đức chiếm thời lượng đáng kể trong hệ thống giáo dục. Mỗi tuần có 2 tiết giáo dục đạo đức, xuyên suốt 12 năm học. Bên ngoài nhà trường, đạo đức là vấn đề cần phải kiểm tra khi tuyển dụng lao động. Các nhà tuyển dụng yêu cầu nhân viên phải nắm vững lý thuyết đạo đức căn bản, có hệ giá trị riêng và tính cách hòa hợp.

Đối với Mỹ, giáo dục đạo đức chú trọng vào việc bồi dưỡng đức tính công dân như sự chính trực, lòng can đảm, tinh thần trách nhiệm, sự tôn trọng nhân phẩm của tất cả mọi người. Giáo dục đạo đức còn khơi dậy lòng tự trọng, ý thức phục vụ cộng đồng, hướng tới mục tiêu đa văn hóa. Người Mỹ nói rằng giáo dục đạo đức là “hun đúc trái tim, trí tuệ và bàn tay của những đứa trẻ”, giúp cho chúng hiểu biết, yêu thương, và thực hiện điều tốt.

PV: Xin cảm ơn !

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ