Trả vị thế cho môn học GIÁO DỤC CÔNG DÂN

GD&TĐ - Giáo dục đạo đức học sinh là vấn đề được toàn ngành Giáo dục và xã hội đặc biệt quan tâm hiện nay. Một trong những khâu then chốt giúp môn học làm người trở lại với vị thế quan trọng hàng đầu; không trở thành môn học khô khan giáo điều… đó là đội ngũ giáo viên giảng dạy. 

Trả vị thế cho môn học GIÁO DỤC CÔNG DÂN

Và để đáp ứng được đòi hỏi đổi mới giáo dục thì mỗi giáo viên cần được đào tạo tốt nhất về các phương pháp giảng dạy.

Nhiều bất cập từ đội ngũ

Tình trạng tội phạm trong thanh thiếu niên ở Việt Nam những năm gần đây đã trở thành một thực tế đáng báo động của xã hội. Theo số liệu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, trong những năm gần đây, số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm khoảng 20 tổng số vụ vi phạm hình sự.

Trong đó, lứa tuổi phạm tội cao nhất là từ 16-18 tuổi, chiếm khoảng 60%; từ 14- 16 tuổi chiếm 32%. Ngoài ra, còn có vấn đề sống thử trước hôn nhân ở lứa tuổi thanh thiếu niên và vô vàn hệ lụy của nó.

Tại bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm tổng số sinh khoảng 45 nghìn người nhưng ước số ca nạo phá thai hơn 30 nghìn người và tổng số khoảng 1,2- 1,6 triệu ca mỗi năm. Cả nước có 5% em gái sinh con trước 18 tuổi và 15% sinh con trước 20 tuổi…

Với thực tế đáng báo động này thì vấn đề giáo dục đạo đức công dân là một nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Hùng Dũng (ĐH Đồng Tháp) thì vấn đề dạy học; đội ngũ giáo viên trong lĩnh vực giáo dục đạo đức – công dân ở nước ta trong những năm gần đây còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Có thể thấy khuynh hướng giáo viên giáo dục công dân (GDCD) dạy chéo môn và được đào tạo ghép môn (Văn – GDCD; Sử - GDCD; Địa – GDCD; Môi trường – GDCD) vẫn đang là tồn tại. Nghĩa là việc đào tạo đội ngũ cán bộ giáo viên thuộc lĩnh vực giáo dục đạo đức – công dân đúng chuyên ngành, mang tính chuyên môn cao vẫn còn hạn chế.

Mặt khác, công tác bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy mới trong môn GDCD cho đội ngũ giáo viên các cấp phổ thông vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến phương pháp giảng dạy của giáo viên vẫn chủ yếu là phương pháp cũ, đọc – chép và hướng dẫn học sinh học thuộc lòng là chính.

Đặc biệt, xã hội chưa thấy hết tầm quan trọng của môn GDCD và chưa đánh giá đúng những đóng góp của giáo viên giảng dạy môn học này đối với cộng đồng, chưa có sự quan tâm, tương tác giữa gia đình, xã hội và giáo viên, nhằm nâng cao tối đa hiệu quả giáo dục đạo đức – công dân cho học sinh…

Nâng chất môn học từ người thầy

Để môn học GDCD được trả đúng vị thế, không trở nên khô cứng, học sinh thiếu hứng thú học tập… thì việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên giảng dạy môn GDCD ở các bậc học cần được quan tâm sâu sắc. Đặc biệt trong quá trình đổi mới toàn diện giáo dục thì vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy càng không thể xem nhẹ.

ThS. Nguyễn Hùng Dũng và ThS. Chân Như (ĐH Đồng Tháp) cho rằng, để nâng cao trình độ, chất lượng giảng dạy cho giáo viên thuộc lĩnh vực GDCD thì trước hết cần quán triệt quan điểm đổi mới trong tư duy giáo dục cho giáo viên giảng dạy lĩnh vực giáo dục đạo đức – công dân. Có thay đổi tư duy thì cách giảng dạy mới thực sự đổi mới.

Các sở GDĐT của các tỉnh cần mở các lớp bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên giảng dạy môn GDCD, thường xuyên tổ chức các kì thi kiểm tra kiến thức chuyên môn và kiểm tra khả năng cập nhật thông tin, tri thức trong lĩnh vực giáo dục đạo đức công dân của giáo viên các cấp. Qua đó cung cấp cho giáo viên những kiến thức lí luận để quán triệt tinh thần đổi mới giáo dục trong giáo dục đạo đức công dân, nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên.

Cùng đó cần nâng cao nhận thức của giáo viên về vị thế của lĩnh vực giáo dục đạo đức công dân trong chương trình giáo dục phổ thông mới và một số yêu cầu về giảng dạy thực hành trong môn GDCD.

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, môn GDCD khi so với các môn học khác như Ngữ văn, Vật lí, theo đánh giá của phụ huynh và học sinh, thậm chí của nhiều giáo viên tham gia giảng dạy lại là một “môn phụ”. Cách đánh giá nhìn nhận này cần được thay đổi…

Trong vấn đề đào tạo giáo viên giảng dạy lĩnh vực giáo dục đạo đức – công dân cần theo hướng tiếp cận phương pháp mới. Ba nhóm phương pháp cơ bản để triển khai giáo viên giảng dạy trong lĩnh vực GDCD ở cấp phổ thông có thể triển khai áp dụng: Học tập trải nghiệm; Dạy học đóng vai; Học tập khám phá. Với học trải nghiệm sẽ thu hút sự quan tâm tham gia của gia đình, xã hội trong việc chia sẻ quan điểm giáo dục nhân cách cho học sinh.

Học sinh không học từ nhà trường mà còn được học từ phía gia đình, người thân và toàn xã hội. Cách học này cũng giúp phát huy tính tích cực chủ động của người học, học sinh vừa có hiểu biết sâu sắc về vấn đề mà giáo viên nêu lên, vừa thông qua quá trình thu thập ý kiến sẽ hiểu biết sâu sắc hơn…

Với phương pháp học trải nghiệm có thể tổ chức ngoại khóa, đưa học sinh đi tham quan thực tế, thậm chí tham gia vào những công việc công ích nhỏ phục vụ cộng đồng xã hội.

Với phương pháp dạy học đong vai có ưu điểm lớn là tạo hứng thú cho người học, nâng cao hoạt động tính trong quá trình thiếp thu tri thức, phù hợp với đặc điểm nhận thức của lứa tuổi học sinh. Mặt khác dạy học đóng vai tạo điều kiện cho giáo viên có thể tương tác trực tiếp với suy nghĩ, quan niệm của học sinh, tạo hiệu quả lớn…

Phương pháp học tập khám phá tiện lợi, dễ thực hành. Nó có hiệu quả kép là không chỉ giúp các em hiểu sâu về những bài học đạo đức, mà còn tạo cho các em niềm cảm hứng lớn lao khi học các môn học khác; đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh.

Phương pháp trên đòi hỏi phải đào tạo giáo viên GDCD mang tính chuyên nghiệp, có lý luận về dạy học, có kinh nghiệm thực tiễn và giỏi về chuyên môn, thuần thục về phương pháp. Điều này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của các cán bộ giáo viên, mà còn đòi hỏi sự hỗ trợ lớn của ngành Giáo dục và toàn xã hội.

Và một trong những phương pháp nâng cao trình độ, chất lượng giảng dạy cho giáo viên dạy GDCD đó là tổ chức trao đổi thông tin trong cộng đồng giáo viên giảng dạy lĩnh vực GDCD, gắn hoạt động giảng dạy với thực tiễn xã hội.

Tổ chức cổng thông tin cho các giáo viên để ghi nhận những trường hợp, xu hướng đạo đức của học sinh, yêu cầu giáo viên các trường thường xuyên báo cáo về tình hình đạo đức của học sinh, từ đó có phương hướng thích hợp để đào tạo học sinh trong từng giai đoạn, luôn cập nhật và theo kịp những chuyển biến của thực tế xã hội và thời đại.

Thường xuyên tổ chức các hội thảo bàn về vấn đề phương pháp giảng dạy và chất lượng giảng dạy trong thực tế, tạo điều kiện cho các giáo viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và chia sẻ các phương páp giảng dạy hiệu quả…

Chú trọng hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình giảng dạy, quan tâm đến việc đảm bảo đời sống vật chất cho cán bộ giáo viên, giúp họ an tâm công tác, toàn tâm toàn ý đến việc giảng dạy đạo đức cho các thế hệ học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ