Để nghiên cứu khoa học giáo dục đảm nhiệm được vai trò chiến lược

GD&TĐ - Khi giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu, nghiên cứu khoa học giáo dục sẽ là yếu tố quyết định cho giáo dục thực hiện được chức năng sứ mạng đó.

Để nghiên cứu khoa học giáo dục đảm nhiệm được vai trò chiến lược

Theo GS Đinh Quang Báo - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nghiên cứu khoa học giáo dục để xây dựng cơ sở lí luận cho cải cách đổi mới, phát triển giáo dục bền vững, cho hoạch định đường lối, chính sách quản lí nhà nước về giáo dục.

Để nghiên cứu khoa học giáo dục (NCKHGD) đảm nhiệm được vai trò có tính chiến lược đó, cần tập trung thực hiện các nhóm giải pháp chính: phát triển các tổ chức, cơ sở nghiên cứu; phát triển nhân lực nghiên cứu; chính sách phát triển NCKHGD; xác định các lĩnh vực, các hướng NCKHGD cấp bách và lâu dài.

Giải pháp phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học giáo dục

Để phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học giáo dục, GS Đinh Quang Báo cho rằng, cần xác định các tiêu chí cấu thành một cơ sở nghiên cứu khoa học giáo dục và xây dựng mạng lưới các cơ sở nghiên cứu khoa học giáo dục.

Cụ thể, một cơ sở NCKHGD phải có tính chuyên nghiệp cao, muốn vậy, trước hết cần đảm bảo các yếu tố về nhân lực như: Có đủ đội ngũ để tổ chức nghiên cứu, tổ chức triển khai kết quả nghiên cứu có giá trị vĩ mô trong hoạt động giáo dục của quốc gia, vùng, miền.

Có cơ cấu đội ngũ đủ để vừa tổ chức nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực, vừa hiệp đồng nghiên cứu những chương trình lớn cho phát triển, thực hiện các nhiệm vụ của nền giáo dục đất nước.

Đặc biệt, trong cơ cấu nhân lực cần có các chuyên gia đầu ngành cho các lĩnh vực, các hướng NCKHGD. Đội ngũ chuyên gia đầu đàn này có vai trò quyết định chất lượng và năng lực tổ chức phát hiện, triển khai nghiên cứu các vấn đề lớn, quan trọng đóng góp cho phát triển giáo dục, là lực lượng bồi dưỡng, đào tạo các cán bộ nghiên cứu, phát triển chuyên gia cao cấp trong các lĩnh vực NCKHGD và chính đội ngũ này quyết định khả năng hợp tác quốc tế.

Nhân lực của cơ sở NCKHGD vừa có biên chế cơ hữu đủ lớn, vừa có các chuyên gia là cộng tác viên từ các cơ sở khác trong nước và nước ngoài.

"Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy: cộng tác viên, đặc biệt cộng tác viên là các chuyên gia quốc tế khi phối hợp với nhân lực cơ hữu sẽ tổ chức nghiên cứu rất hiệu quả cho phát triển giáo dục của đất nước.

Kinh nghiệm này đặc biệt cần thiết cho nước ta hiện nay, khi Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách phát triển giáo dục động lực cho phát triển kinh tế xã hội, chính trị của đất nước, và khi toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã trở thành xu thế của thời đại của mọi quốc gia trên hành tinh" - GS Đinh Quang Báo cho hay.

Tùy theo quy mô chức năng trong hệ thống tổ chức hoạt động NCKHGD của quốc gia mà mỗi cơ sở NCKHGD phải có cơ cấu lĩnh vực NCKHGD phù hợp.

GS Đinh Quang Báo cho rằng, một đất nước với 90 triệu dân thì phải có ít nhất 2 Viện NCKHGD quốc gia với quy mô hoàn chỉnh về số lượng, cơ cấu nhân lực, đủ các lĩnh vực cơ bản.

Các Viện này phải được phát triển đủ sức làm đầu đàn trong giải quyết những vấn đề vĩ mô, và là đầu mối liên kết các cơ sở NCKHGD khác, các cơ sở GD&ĐT; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQL giáo dục, các Học viện quản lí giáo dục, hệ thống các trường mầm non, phổ thông, các TTGDTX ...

Các cơ sở NCKHGD cần phải được tổ chức thành mạng lưới. Nhấn mạnh điều này, theo GS Đinh Quang Báo, trong bối cảnh nước ta, lực lượng nghiên cứu vừa ít về số lượng, vừa thiếu đội ngũ chuyên gia sâu, đầu tư manh mún thì việc tổ chức hệ thống càng cần và cấp bách hiện nay.

Theo đó, hệ thống các Viện NCKHGD quốc gia ở vị trí trung tâm làm đầu mối, liên kết với tất cả các cơ sở NCKHGD trong cả nước và giữa các cơ sở đó cũng có mối quan hệ với nhau. Chỉ khi tạo được quan hệ trong tương tác đó mới sản sinh được những sản phẩm mới, mà khi đứng riêng biệt từng phần tử đó không tạo được.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục là các nhà trường các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân vừa là nơi triển khai, vận dụng các kết tquả nghiên cứu, các chủ trương phát triển giáo dục quốc gia, vừa phải là lực lượng trực tiếp tham gia các chương trình NCKHGD.

Nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Để phát triển nguồn nhân lực, GS Đinh Quang Báo đưa ra các giải pháp như sau:

Tạo các cơ sở NCKHGD theo hai cấp độ: quốc gia, vùng miền, cơ sở; tạo cơ cấu chuyên nghiệp và “nghiệp dư” trong đội ngũ NCKHGD sao cho có thể liên kết với nhau trong triển khai chia sẻ nguồn lực và triển khai nghiên cứu; liên kết có tính chuyên nghiệp giữa tất cả các cơ sở cấu thành hệ thống.

Đồng thời, tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia có trình độ cao, có năng lực đầu đàn cho từng lĩnh vực, từng chuyên ngành, từng hướng nghiên cứu khoa học giáo dục.

"Nhà nước cần rà soát lại để có quy hoạch và kế hoạch phát triển chuyên gia bằng đào tạo trong và ngoài nước theo chỉ tiêu, bằng đào tạo trong thực tiễn trải nghiệm hoạt động nghiên cứu. Lấy các Viện Nghiên cứu khoa học quốc gia làm đầu mối thực hiện quy hoạch này" - GS Đinh Quang Báo nêu rõ.

Xác định các lĩnh vực, lực lượng nghiên cứu lâu dài và trước mắt

Theo GS Đinh Quang Báo, lĩnh vực nghiên cứu lâu dài cần phải xác định là các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về khoa học giáo dục.

Hướng nghiên cứu cấp bách hiện nay có thể là: phát triển năng lực học sinh, giáo dục tích hợp, giáo dục phân hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững, giáo dục đạo đức học sinh, giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo tiếp cận phát triển năng lực đáp ứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên; giáo dục so sánh để rút ra các bài học cho Việt Nam; phát triển chương trình nhà trường,…

Các hướng nghiên cứu có tính thời sự, các lĩnh vực chuyên sâu là “ngân hàng” đề tài cho các cá nhân, đặc biệt là các cơ sở nghiên cứu khoa học giáo dục trong hệ thống lựa chọn thực hiện theo nguồn lực và bối cảnh cụ thể.

Giải pháp chính sách cho phát triển nghiên cứu khoa học giáo dục

Nhóm giải pháp về chính sách cho phát triển nghiên cứu khoa học giáo dục được GS Đinh Quang Báo đưa ra gồm: Chính sách đầu tư nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất.

Các chính sách này phải tạo điều kiện thiết lập được mạng lưới cơ sở nghiên cứu khoa học giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia, hợp tác quốc tế.

Cùng với đó là chính sách sử dụng đội ngũ chuyên gia và đặc biệt tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả NCKHGD.

Chính sách tạo cơ chế hoạt động NCKHGD trong các cơ sở đào tạo giáo viên, cơ chế liên kết NCKHGD giữa đơn vị sử dụng với các cơ sở NCKHGD, giữa các cơ sở NCKHGD trong cả nước, đặc biệt phát triển các cơ sở NCKHGD quốc gia đủ mạnh trên cơ sở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ