Giáo dục đạo đức lối sống từ lợi thế không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phó Bí thư tỉnh đoàn Bắc Giang Bùi Văn Hoàng chia sẻ giải pháp sử dụng internet, mạng xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi.

FanPage “Tuổi trẻ Bắc Giang theo dấu chân Bác”.
FanPage “Tuổi trẻ Bắc Giang theo dấu chân Bác”.

Tận dụng lợi thế mạng xã hội

Ông Bùi Văn Hoàng cho biết: Các cấp bộ đoàn tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai hiệu quả hệ thống thông tin trên Internet, mạng xã hội của Đoàn thanh niên thông qua 2 trang website, 18 tài khoản, 9 chuyên trang trên mạng xã hội facebook của đoàn cấp tỉnh và cấp huyện, 501 tài khoản mạng xã hội facebook của các cơ sở đoàn.

Qua đó, việc kết nối, tương tác giữa tổ chức Đoàn và đoàn viên, thanh thiếu nhi được thường xuyên hơn. Công tác tuyên truyền, giáo dục được nâng cao. Thông tin về hoạt động, phong trào của tổ chức Đoàn được cập nhật, chia sẻ thường xuyên, nhanh chóng. Từ đó, kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh thiếu nhi. Hệ thống thông tin trên Internet, mạng xã hội của Đoàn thanh niên đồng thời là môi trường, sân chơi bổ ích, nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm cho đoàn viên, thanh thiếu nhi.

“Với phương châm “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng tôi đã xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của các FanPage “Mỗi ngày một tin tốt”, “Tuổi trẻ Bắc Giang theo dấu chân Bác”, chuyên mục “Hình mẫu thanh niên” trên website và facebook của Tỉnh đoàn.

Các FanPage thường xuyên đăng tải những thông tin có tác động tích cực đến suy nghĩ, quan niệm, lối sống của đoàn viên, thanh thiếu nhi. Thông tin tích cực về tổ chức Đoàn; việc làm tốt, hành động đẹp; những bài viết về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; gương điển hình thanh thiếu nhi làm theo lời Bác... đã thu hút nhiều lượt tương tác, yêu thích và chia sẻ.

Qua đó góp phần tích cực trong việc đẩy lùi những thông tin giả, thông tin xấu, độc, tạo môi trường mạng lành mạnh cho sự phát triển toàn diện, định hướng giá trị sống, nhân cách, niềm tin và tư tưởng cho thanh, thiếu nhi. Đồng thời, tạo trào lưu, xu hướng đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội”, ông Bùi Văn Hoàng cho hay.

Một giải pháp khác, theo ông Bùi Văn Hoàng là thường xuyên theo dõi xu thế phát triển của các mạng xã hội và các hình thức được nhiều người tiếp cận, tương tác trên các mạng xã hội; qua đó đa dạng hóa hình thức tuyên truyền và sử dụng hiệu quả các công cụ mạng xã hội phù hợp.

Bên cạnh việc đăng tin bài, hình ảnh theo lối truyền thống là xây dựng thêm các chương trình truyền thông bằng những video clip. Như chương trình truyền thông “Sắc màu Bắc Giang” với 19 video clips giới thiệu về các danh lam thắng cảnh, địa danh lịch sử, các nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Giang. Các clips này đã thu hút hàng chục triệu lượt tương tác trên mạng xã hội như youtube, facebook.

Gần đây nhất, Bắc Giang xây dựng chương trình truyền thông “Phòng, chống bạo lực học đường” dưới hình thức các video clip diễn lại các tình huống bạo lực thường gặp trong trường học, sau đó có phân tích của các chuyên gia tâm lý và pháp luật, cũng đang tạo được sự quan tâm và phản hồi tích cực.

“Có thể nói, sử dụng Internet, mạng xã hội, trong tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh thiếu nhi đem lại rất nhiều hiệu quả tích cực: Thông tin nhanh hơn, tương tác đa chiều hơn, phản ánh sinh động hơn, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian...”, ông Bùi Văn Hoàng nhận định.

Ông Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư tỉnh đoàn Bắc Giang.

Ông Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư tỉnh đoàn Bắc Giang.

Cần tập huấn cách thức sử dụng các công cụ mạng xã hội

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) đã và đang tác động toàn diện, sâu rộng và nhanh chóng trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh lợi ích mang lại, thì nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang bị tác động bởi những vấn đề “an ninh phi truyền thống” từ chính cuộc cách mạng 4.0 này.

Thông tin xấu độc, giả mạo trên không gian mạng đang gây ra những tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, của thế hệ trẻ đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng và văn hóa dân tộc.

Do đó, việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh thiếu niên trong giai đoạn hiện nay là hết sức cấp thiết và quan trọng.

Giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ để khắc phục tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”. Việc này cũng nhằm tăng sức đề kháng cho đoàn viên, thanh niên trước những tin xấu độc, giả mạo trên không gian mạng, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống lại âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.

Chia sẻ thông tin trên, ông Bùi Văn Hoàng đồng thời đề xuất một số kiến nghị để nâng cao hiệu quả sử dụng internet, mạng xã hội trong tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi.

Theo đó, kỹ năng sử dụng các công cụ mạng xã hội của đội ngũ cán bộ Đoàn không đồng đều ở các cấp, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc sử dụng các công cụ mạng xã hội, đặc biệt là vấn đề bảo mật và bản quyền. Bởi vậy, cần có chương trình tập huấn bài bản, phù hợp với từng cấp bộ đoàn về cách thức sử dụng các công cụ mạng xã hội một cách an toàn.

Mặt khác, vẫn còn tình trạng đăng tin, đăng tải và chia sẻ các văn bản của các cơ quan chức năng một cách tự do. Khi đã sử dụng các công cụ internet, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền giáo dục thì cần có một hướng dẫn thống nhất chung về nội dung đăng tải, cách thức đăng tải...

“Cần có định hướng rõ hơn trong việc sử dụng các công cụ mạng xã hội và các công cụ kết nối từ trung ương để cơ sở dễ triển khai trong thực tế. Để thống nhất trong sử dụng, cần định hướng thống nhất và hướng dẫn rõ ràng từ Trung ương tới cơ sở”, ông Bùi Văn Hoàng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ