Giáo dục đạo đức lối sống qua môn giáo dục công dân

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ môn Giáo dục công dân có vai trò trực tiếp, hàng đầu trong việc giáo dục đạo đức và định hướng phát triển nhân cách của học sinh.

Môn Giáo dục công dân có vai trò trực tiếp, hàng đầu trong việc giáo dục đạo đức và định hướng phát triển nhân cách của học sinh.

Môn Giáo dục công dân có vai trò trực tiếp, hàng đầu trong việc giáo dục đạo đức và định hướng phát triển nhân cách của học sinh.

Môn học chủ đạo giáo dục nhân cách

Trong hệ thống các môn học ở trường phổ thông, mỗi môn học đều có vai trò nhất định trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Tuy nhiên, môn Giáo dục công dân có vị trí hết sức quan trọng, có vai trò trực tiếp, hàng đầu trong việc giáo dục đạo đức và định hướng phát triển nhân cách của học sinh trong giai đoạn hiện nay.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp THCS, môn GDCD là môn học bắt buộc, thuộc giai đoạn giáo dục cơ bản, gồm bốn mạch nội dung: giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục pháp luật và giáo dục kinh tế.

Những nội dung này được xây dựng theo hướng đồng tâm và phát triển, định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng, nhằm hình thành cho học sinh thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

Cùng với các môn học khác, môn GDCD góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung như: Tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Chương trình môn GDCD hình thành và phát triển cho học sinh các phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; các năng lực của người công dân Việt Nam: năng lực điều chỉnh hành vi, năng lực phát triển bản thân, năng lực tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế - xã hội. Mỗi năng lực đặc thù gồm năng lực thành phần và các chỉ báo, chỉ số hành vi để nhận biết.

Cụ thể, ở cấp THCS, môn GDCD có mục tiêu giúp học sinh có hiểu biết về những chuẩn mực đạo đức, pháp luật cơ bản và giá trị, ý nghĩa của các chuẩn mực đó; tự hào về truyền thống gia đình, quê hương, dân tộc; tôn trọng, khoan dung, quan tâm, giúp đỡ người khác; tự giác, tích cực học tập và lao động; có thái độ đúng đắn, rõ ràng trước các hiện tượng, sự kiện trong đời sống; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường, xã hội, công việc và môi trường sống.

Môn học cũng giúp HS có tri thức phổ thông, cơ bản về đạo đức, kĩ năng sống, kinh tế, pháp luật; đánh giá được thái độ, hành vi của bản thân và người khác; tự điều chỉnh và nhắc nhở, giúp đỡ bạn bè, người thân điều chỉnh thái độ, hành vi theo chuẩn mực đạo đức, pháp luật; thực hiện được các công việc để đạt mục tiêu, kế hoạch hoàn thiện, phát triển bản thân.

Học sinh biết cách thiết lập, duy trì mối quan hệ hoà hợp với những người xung quanh, thích ứng với xã hội biến đổi và giải quyết các vấn đề đơn giản trong đời sống của cá nhân, cộng đồng phù hợp với giá trị văn hoá, chuẩn mực đạo đức, quy tắc của cộng đồng, quy định của pháp luật và lứa tuổi.

Học sinh thảo luận nhóm trong giờ học môn đạo đức.

Học sinh thảo luận nhóm trong giờ học môn đạo đức.

Giáo viên cần sáng tạo thực hiện chương trình

Chương trình môn Giáo dục công dân là chương trình mở. Tính mở của chương trình được thể hiện không quy định nội dung dạy học cụ thể của từng chủ đề, chỉ quy định những yêu cầu cần đạt; những nội dung dạy học cơ bản, cốt lõi cho mỗi lớp học nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt. Căn cứ vào các yêu cầu cần đạt và định hướng chung của chương trình, giáo viên môn GDCD chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện và phát triển chương trình.

Chương trình môn Giáo dục công dân cấp THCS gồm bốn mạch kiến thức tương ứng với bốn dạng bài học, đó là bài học giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục pháp luật và giáo dục kinh tế. Cấu trúc mỗi bài học đều gồm bốn phần: Mở đầu, Khám phá, Luyện tập, Vận dụng. Mặc dù có sự giống nhau về cấu trúc bài học và cùng bám theo định hướng phát triển năng lực HS, với mỗi kiểu bài học vẫn cần có cách tiếp cận vấn đề, cách dạy, cách học đặc trưng. Cụ thể:

Với bài giáo dục đạo đức, các giá trị đạo đức như: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm là những giá trị cốt lõi để các tác giả xây dựng lên các hoạt động học. Để việc dạy học các bài học này được hiệu quả, GV chú trọng việc khai thác các câu chuyện, thông tin, tình huống thực tiễn gần gũi với HS trung học cơ sở, tiêu biểu, điển hình để giáo dục cho HS giá trị đạo đức của bài học thông qua các hoạt động tương tác, giao tiếp đa chiều.

Đa dạng các hoạt động giáo dục đạo đức lối sống trong trường học.

Đa dạng các hoạt động giáo dục đạo đức lối sống trong trường học.

Tránh truyền thụ một chiều

Trong quá trình khai thác tình huống, GV nên đi theo một quy trình của quá trình nhận thức: từ những trường hợp cụ thể (riêng) để đến những giá trị tổng thể (chung); từ thông tin, tình huống trong bài học để đến với đời sống thực tế của HS qua các hoạt động liên hệ. Bằng cách đó, GV giúp HS có thể kết nối cuộc sống với bài học, đưa bài học vào cuộc sống một cách thật tự nhiên.

Đối với các bài học giáo dục kĩ năng sống, GV cần thiết kế, tổ chức nhiều hoạt động thực hành gần gũi với các việc làm của HS khi ở nhà, ở trường để các em có cơ hội được rèn luyện và phát triển, từ đó dần dần tạo nên những kĩ năng và thói quen sống tích cực.

Đối với các bài về giáo dục pháp luật, GV cần tăng cường khai thác các thông tin, tình huống pháp luật (giả định hoặc có thật), đa dạng, gần gũi với HS trung học cơ sở, tiêu biểu, điển hình, kết hợp với việc cho HS tìm hiểu các điều luật cụ thể,… để giáo dục cho HS về các chuẩn mực pháp luật được đặt ra trong yêu cầu của bài học, thông qua các hoạt động trao đổi, thảo luận theo nhóm, theo lớp.

Với bài học giáo dục kinh tế, là những dạng bài tập trung giúp HS có ý thức và biết tham gia vào các hoạt động kinh tế phù hợp với chuẩn mực đạo đức, quy định của pháp luật, GV nên lựa chọn thông tin, số liệu, hoạt động gần gũi với các hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong đời sống thông qua các hoạt động cá nhân, cặp, nhóm phù hợp.

Một trong những nguyên tắc mà GV cần bám sát khi khai thác nội dung GDCD cấp THCS là: Luôn lấy yêu cầu cần đạt làm cơ sở cho việc tổ chức các hoạt động dạy học trên lớp. Nội dung học tập được HS thảo luận, được GV đưa ra phải bám sát nội dung yêu cầu cần đạt, tránh tình trạng đi sâu phân tích mặt trái của vấn đề làm sai lệch yêu cầu của bài học.

Đồng thời, GV cần tránh sa đà vào truyền thụ, áp đặt một chiều, nói những điều lí thuyết, giáo điều, làm cho HS không có cơ hội được giao tiếp, bày tỏ ý kiến, thái độ riêng, được thể hiện cảm xúc vào trong những câu chuyện, những tình huống có vấn đề liên quan đến cách sống, lối sống hằng ngày của các em. GV cần khuyến khích HS bày tỏ ý kiến, thái độ và liên hệ đến cuộc sống thực của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ