Giáo dục đạo đức, lối sống học sinh cả trên ‘không gian ảo’

GD&TĐ - Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh khi sử dụng mạng xã hội cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Giờ học trực tuyến của học sinh Trường THCS Cao Xá, huyện Lâm Thao, Phú Thọ.
Giờ học trực tuyến của học sinh Trường THCS Cao Xá, huyện Lâm Thao, Phú Thọ.

Xây dựng môi trường internet lành mạnh

Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi ích cho người dùng. Nó cho phép học sinh kết nối, chia sẻ cùng nhau ngay cả khi không đến lớp. Các em có thể liên lạc với bạn để chia sẻ tài liệu, trao đổi học tập hay giúp nhau giải đáp thắc mắc ở lớp.

Trên thực tế, các công cụ, ứng dụng, phần mềm như thư điện tử, sổ liên lạc điện tử, ứng dụng tin nhắn, trang fanpage... dần trở nên quen thuộc, phổ biến. Thế nhưng, mạng xã hội cũng có những mặt trái, môi trường phức tạp với học sinh. Theo đó, thời gian gần đây, một số học sinh có hành động chia sẻ, bình luận thô tục trên mạng xã hội, truy cập thông tin xấu, độc hại, bạo lực… hay tình trạng “nghiện mạng xã hội” đe dọa đến tâm sinh lý của không ít học sinh.

Rèn luyện cho học sinh lối sống lành mạnh ở đời thực và cả trên “không gian ảo” đang là nhiệm vụ được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Phú Thọ triển khai đa dạng và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Nhà giáo Trần Thị Bình, Hiệu trường Trường THCS Hùng Vương (thị xã Phú Thọ) cho biết: Qua khảo sát, trường hiện có gần 80% học sinh có ít nhất một tài khoản mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Tiktok… Thực tế này đòi hỏi nhà trường phải có những giải pháp cụ thể giúp các em sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.

“Không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, nhà trường còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, mô hình, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để thu hút học sinh tham gia, rèn luyện. Từ đó, tạo môi trường, phương pháp giáo dục học sinh đa dạng, phong phú, giúp các em có trải nghiệm thực tế, nâng cao nhận thức, hình thành hành vi, hành động đúng, lối sống đẹp”- Nhà giáo Trần Thị Bình, khẳng định.

Giờ học của cô và trò Trường THCS Hùng Vương (thị xã Phú Thọ).

Giờ học của cô và trò Trường THCS Hùng Vương (thị xã Phú Thọ).

Trường THCS Hùng Vương đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua các hoạt động ngoại khóa như: “Tuyên truyền Luật An ninh mạng”; “Sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả”; tọa đàm “Ứng xử văn hóa trên mạng xã hội”. Tích hợp trong các bài giảng môn Giáo dục công dân, Tin học, các chủ đề hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, trong các tiết hoạt động tập thể tại các lớp và thu hút được nhiều học sinh tham gia.

Nội dung giáo dục tập trung vào việc hướng dẫn các em cách bảo mật thông tin cá nhân, nhận biết các hình thức lừa đảo, cách ứng xử văn minh và cách xử lý khi gặp các tình huống nhạy cảm, rắc rối trên mạng xã hội, cũng như đưa ra lời khuyên về thời gian sử dụng mạng xã hội sao cho hợp lí.

Còn tại Trường THCS Cao Xá, huyện Lâm Thao (Phú Thọ), nhà trường cũng đã đưa ra giải pháp cụ thể và thực hiện để hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn.

Cô Hồ Thị Lệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường xác định, công tác giáo dục, bồi dưỡng nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên; giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên là rất quan trọng trong việc tăng sức đề kháng, chống lại ảnh hưởng không tốt bởi các thông tin xấu độc trên các phương tiện thông tin là nhiệm vụ quan trọng.

Do đó, hàng năm, nhà trường đều thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội hiệu quả; thời gian sử dụng mạng xã hội, ứng xử văn minh trên mạng, các hình thức lừa đảo qua mạng.

Vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội

Thực tế cho thấy, nhiều học sinh khi đã biết sử dụng mạng xã hội an toàn đã sử dụng trang mạng cá nhân và mạng xã hội để tạo ra hiệu ứng tốt cho quá trình học tập của bản thân như giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học tập, chia sẻ kỹ năng sống, khai thác tư liệu phục vụ học tập và học trực tuyến... Các em đã tỏ ra khá thuần thục và có những kỹ năng cơ bản khi sử dụng mạng xã hội với mục đích đúng đắn và mang lại hiệu quả thiết thực cho bản thân.

Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì, liên tục và thường xuyên. Vì vậy rất cần sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong công tác giáo dục kỹ năng sống, nhận thức chính trị, pháp luật, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho các em.

Trường THCS Cao Xá rèn học sinh lối sống lành mạnh ở cả đời thực và trên “không gian ảo”.
Trường THCS Cao Xá rèn học sinh lối sống lành mạnh ở cả đời thực và trên “không gian ảo”.

Các trường học cần nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trường học, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm tâm huyết, theo sát học sinh trong giao tiếp, ứng xử và sử dụng mạng xã hội.

Xây dựng và duy trì hoạt động của các kênh nắm bắt thông tin, dư luận thông qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán sự lớp trên các nhóm zalo, facebook. Đây là nơi phản ánh thông tin nhanh, trực tiếp từ nhà trường tới giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Trên các kênh này, học sinh, phụ huynh học sinh được tương tác trực tiếp, trao đổi ý kiến thông qua các bình luận. Nhà trường cũng tiếp nhận được những thông tin đa chiều phục vụ cho công tác quản lý, nắm bắt tâm lý, dư luận từ học sinh, phụ huynh học sinh.

Đồng thời, nhà trường cũng cần xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, nhân dân khối phố, công an khu vực và chính quyền địa phương nơi trường đóng.

“Việc định hướng cho học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn giúp học sinh nhà trường có cái nhìn đúng đắn, có lối sống lành mạnh, biết phân biệt cái tốt cái xấu, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, mặt trái của mạng xã hội”, cô Hồ Thị Lê - Hiệu trưởng Trường THCS Cao Xá cho biết.

Nhà giáo Trần Thị Bình, Hiệu trường Trường THCS Hùng Vương: Quy định về sử dụng mạng xã hội được đưa vào nội quy của lớp, của trường trong đó nêu rõ những nội dung học sinh không được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội cũng như các hình thức xử lí để các em nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân trong mỗi hành động của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.