Giáo dục đạo đức, lối sống: Tìm phương thức truyền tải phù hợp

GD&TĐ - Đa dạng nội dung và hình thức truyền tải được mỗi nhà trường chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong thời đại mới.

Chi đội Lê Hồng Phong 9A7 – Trường THCS Ngô Sĩ Liên tổ chức diễn đàn Tôn sư trọng đạo. Ảnh tư liệu.
Chi đội Lê Hồng Phong 9A7 – Trường THCS Ngô Sĩ Liên tổ chức diễn đàn Tôn sư trọng đạo. Ảnh tư liệu.

Đa dạng nội dung

Tại trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh được nhà trường thực hiện và duy trì thường xuyên. Không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, nhà trường còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, mô hình, phong trào thi đua để thu hút học sinh tham gia, rèn luyện.

Nhà giáo Phạm Thu Hà – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên cho biết: Các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được thực hiện thông qua các hoạt động: Tập huấn, hướng dẫn đội ngũ xung kích an ninh, Sao đỏ làm nhiệm vụ theo dõi thi đua về nề nếp của các lớp, phân công vị trí và nhiệm vụ của từng học sinh, tạo thói quen tự giác và tinh thần trách nhiệm với công việc; thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất tại các chi đội.

Tuyên truyền Luật bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, phát hiện những hành vi xâm hại, ngược đãi trẻ em, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội...

Định hướng và giúp các em tham gia các trò chơi trực tuyến có ý nghĩa giáo dục, lành mạnh, tránh xa các trò chơi độc hại, có yếu tố bạo lực; phổ biến, hướng dẫn thiếu nhi tham gia các trò chơi dân gian.

Chi đội lớp 6A11 - Trường THCS Ngô Sĩ Liên tổ chức diễn đàn sinh hoạt “Em yêu biển đảo”.

Chi đội lớp 6A11 - Trường THCS Ngô Sĩ Liên tổ chức diễn đàn sinh hoạt “Em yêu biển đảo”.

Cùng với hàng loạt phong trào, diễn đàn được tổ chức thường xuyên, liên tục với 4 tiêu chí “Nhân ái - Văn minh - Kiến thức -  Sức khoẻ ”, mỗi đội viên Trường THCS Ngô Sĩ Liên luôn phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện, học tập để trở thành “Con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan của Bác”, những chủ nhân tương lai của Thăng Long - Hà Nội.

Ở trường mầm non Hồng Thái (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) việc quan tâm, định hướng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh đã được nhà trường ưu tiên, xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Cô giáo Nguyễn Ngần chia sẻ: Nhà trường đã bố trí phòng trưng bày tư liệu, tranh ảnh, sách, truyện, video... về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ nhằm tạo cho học sinh không gian học tập thật sinh động, gần gũi. Nhà trường muốn dùng phương pháp nêu gương để giáo dục học sinh.

Cùng với đó, mỗi giáo viên, thông qua việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức về Bác cho học sinh sẽ tự soi lại mình, rèn luyện mình mẫu mực hơn trong tác phong, lối sống. Qua đó, giúp các em từng bước nhận biết, hiểu và noi theo Bác Hồ, thầy cô, góp phần hình thành đạo đức, thói quen, hành vi tốt cho các em khi còn nhỏ.

Mỗi cấp học có phương thức truyền tải phù hợp để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Mỗi cấp học có phương thức truyền tải phù hợp để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Linh hoạt hình thức

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, nguyên Trưởng phòng Chính trị và Công tác HSSV, Trường ĐH KHXH&NV - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội cho biết:

Những năm qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu và các tổ chức đoàn thể, phòng chức năng quan tâm, coi trọng; tổ chức các hoạt động giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên là giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để xây dựng lớp thanh niên vừa "hồng" vừa "chuyên". 

Nhờ phối hợp một cách đồng bộ, với nhiều hình thức thích hợp, công tác giáo dục đạo đức, lối sống của nhà trường đã đạt kết quả tốt. 

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên được Trường ĐH KHXH&NV đặc biệt chú trọng. (Ảnh minh hoạ)
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên được Trường ĐH KHXH&NV đặc biệt chú trọng. (Ảnh minh hoạ)

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu cho biết thêm: Ngay cả khi sinh viên không đến trường, phải học tập online, công tác giáo dục đạo đức, lối sống vẫn diễn ra đều đặn. Nhà trường thông qua đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên các môn lý luận chính trị lồng ghép vào bài giảng để nâng cao đạo đức, lối sống cho sinh viên. Đây là nhân tố quyết định, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Cùng đó, Đoàn thành niên, hội sinh viên tổ chức các hoạt động thông qua các CLB, kết nối thường xuyên với các hội viên. Phòng CT&CTHSSV tổ chức tuần sinh hoạt công dân sinh viên bằng hình thức trực tuyến với phần mềm chuyên dụng, dễ học, dễ hiểu. Các Chi đoàn, lớp vẫn định ký sinh hoạt để có đánh giá những việc đã làm, sẽ thực hiện.

Với sự đa dạng về nội dung, linh hoạt về hình thức mà các nhà trường đang áp dụng, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tiếp tục có những chuyển biến rõ nét. Điều này giúp học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, xây dựng thế hệ trẻ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới.

Chủ trì phiên họp của Ủy ban đổi mới GDĐT giai đoạn 2016-2021 và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021, thảo luận về công tác giáo dục, đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đồng ý là cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường, xã hội nhưng nhà trường phải làm trước, Đoàn Đội cũng phải làm tốt hơn. Phong trào là đương nhiên nhưng phải thiết thực, tránh hình thức. Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ