Giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV: Thách thức từ giáo dục gia đình

GD&TĐ - Thuận lợi, cũng như khó khăn thách thức của giáo dục gia đình được ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chia sẻ tại Hội nghị Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Quyết định số 1501/QĐ-TTg.

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Quyết định số 1501/QĐ-TTg.
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Quyết định số 1501/QĐ-TTg.

Thách thức không nhỏ

Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác gia đình. Công tác này đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua.

Khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục gia đình, ông Tạ Quang Đông cũng cho biết, bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được của công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình thời gian qua, vẫn còn những thách thức không nhỏ trong sự biến đổi nhanh và mạnh của đời sống xã hội đang tác động đến mọi mặt đời sống gia đình hiện nay.

Theo đó, cùng với những tác động tích cực, những cơ hội phát triển mới, gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức mới.

Đó là: tình trạng ly hôn có xu hướng tăng cao, ngoại tình, sống chung không kết hôn, tệ nạn mại dâm, tình dục đồng giới; tình trạng trẻ em nghiện hút; trẻ em hư, phạm tội, lang thang.

Vấn đề bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, hôn nhân có yếu tố nước ngoài không vì mục đích tình cảm gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; xu hướng tôn sùng vật chất trong quan hệ giữa người với người, lối sống ích kỷ, hưởng thụ cá nhân.

Tình trạng buôn lậu, tham nhũng, hối lộ; khủng hoảng kinh tế, mất việc làm, giảm sút thu nhập do dịch bệnh, do biến đổi khí hậu... đang tác động đến từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh và trên mọi phương diện.

Những tác động này đang tạo ra những bất lợi đối với sự bền vững, phát triển của gia đình nói chung, hạn chế hiệu quả giáo dục gia đình và ảnh hưởng tới sự trưởng thành của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng nói riêng.

Cùng với những điều kiện khách quan đó, bản thân các gia đình hiện nay cũng đang đối diện với những khó khăn về kinh tế, về môi trường lao động, về những rủi ro, bất thường trong cuộc sống.

Trình độ văn hóa, học vấn của cha mẹ thấp hoặc do dồn hết sức lực vào việc kiếm sống nên nhiều bậc cha mẹ không có thời gian gần gũi, chăm sóc, giáo dục con.

Mặt khác, do tác động nhiều mặt của xã hội mở cửa, tốc độ phát triển tâm – sinh lý của trẻ em, thanh niên diễn ra nhanh, có khi đột biến, bất thường trong khi các bậc cha mẹ lại chưa đủ kiến thức, chưa kịp nhận thức, chưa đủ thời gian, chưa có kỹ năng, phương pháp phù hợp để kịp thời quản lý, điều chỉnh, giáo dục và định hướng phát triển đối với trẻ.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, gia đình không còn là một tổ chức bền vững mang tính khép kín.

Để có được các nguồn thu nhập mới nuôi sống gia đình, nhiều cha, mẹ phải rời xa tổ ấm tìm việc làm ở các đô thị, các khu công nghiệp, họ không những không có điều kiện gần gũi chăm sóc, giáo dục con mà bản thân cũng gặp rất nhiều nguy cơ và rủi ro khi sống xa gia đình.

Điều đó sẽ làm xuất hiện sự phai nhạt tình cảm gia đình, thiếu đi sự gắn kết giữa các thành viên gia đình, các mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo thì các thiết chế xã hội từng bước thay thế vai trò của gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ em lại chưa thực sự đạt hiệu quả cao, dẫn đến sự suy giảm về vị trí, vai trò và sức ảnh hưởng của giáo dục gia đình với mỗi cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cần hệ thống giải pháp đồng bộ

Để giáo dục gia đình trong điều kiện, bối cảnh hiện nay cũng như trong thời gian tới vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được hiệu quả cao hơn nữa, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ cả về quan điểm, nhận thức, định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà các gia đình là trung tâm. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng các giải pháp căn bản là:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội để cả hệ thống chính trị và mọi công dân, mọi thành viên gia đình ý thức được vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình, của giáo dục gia đình trong sự phát triển chung của đất nước.

Có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, ưu tiên phát triển tạo việc làm tại chỗ... nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình, nhất là gia đình ở khu vực nông thôn.

Xây dựng môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh, kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về đạo đức, những tệ nạn xã hội, biểu hiện tham nhũng, lãng phí và lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền.

Tăng cường mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường và xã hội để có sự thống nhất, đồng thuận trong thực hiện mục tiêu giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Hỗ trợ cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các bậc cha, mẹ, ông, bà để có phương pháp, nội dung giáo dục mới phù hợp với những giá trị mới của gia đình trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Ông Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Gia đình là tổ ấm của tất cả các thành viên trong gia đình, là nơi sinh ra và nuôi dưỡng trẻ em, nơi duy trì tình yêu của các cặp vợ chồng, nơi chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi khi họ đã hoàn thành thời gian dài lao động và cống hiến cho gia đình và xã hội.

Không chỉ các thành viên trong gia đình luôn có ý thức về sự cần thiết của gia đình với sự phát triển của cá nhân mà Đảng và Nhà nước cũng luôn đặt gia đình vào trung tâm của mọi chủ trương và chính sách bởi xét cho cùng, mọi chủ trương, chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội chỉ thành công khi mang lại lợi ích cho quốc gia cũng như mỗi thành viên, mỗi gia đình.

Chức năng giáo dục trong gia đình được coi trọng ở mọi nền văn hóa, mọi dân tộc cho dù hiện nay hình thức và nội dung của các cơ sở, loại hình giáo dục xã hội đã trở nên phong phú, đa dạng hơn. Giáo dục gia đình sẽ giúp hình thành nên những công dân có đạo đức, có tri thức, có lòng yêu thương, chung thủy, nghĩa tình, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà cũng như sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ cho dân tộc, cho đất nước.

Những chủ trương, chính sách về giáo dục gia đình của Đảng và Nhà nước chính là những định hướng quan trọng để các cơ quan, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ giáo dục đời sống gia đình, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.