Giáo dục đại học: Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng

GD&TĐ - Để giáo dục đại học đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội, PGS.TS Đỗ Văn Xê (Đại học Cần Thơ) cho rằng, việc phân tầng trong giáo dục đại học là cần thiết.

Giáo dục đại học: Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng

Cần cơ cấu lại hệ thống

Có như vậy mới đảm bảo cơ cấu giữa đào tạo thực hành và nghiên cứu, tránh tình trạng thừa nhân lực nghiên cứu mà thiếu nhân lực thực hành. 

Ông Xê cũng cho biết nhiều đại biểu tại đầu cầu Cần Thơ kiến nghị việc các trường đại học lớn cần mở phân hiệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để đào tạo; nên tránh mở thêm trường đại học mới. 

Thực tế vùng Tây Nam bộ vẫn chưa thoát khỏi “vùng trũng” giáo dục, hiện nay tỷ lệ SV/vạn dân của vùng còn rất thấp, vì vậy vùng cần sự quan tâm đầu tư.

Nhấn mạnh vai trò và đóng góp của giáo dục đại học trong năm học vừa qua, từ thực tế hoạt động của các nhà trường, GS.TS Nguyễn Văn Vui - Giám đốc Đại học Thái Nguyên - đã đưa ra kiến nghị cần khẩn trương xem xét tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học; 

Đẩy mạnh kiểm định đánh giá các cơ sở giáo dục đại học; Đẩy mạnh phân tầng xếp hạng trường đại học và đẩy mạnh việc xây dựng chương trình đào tạo theo hướng chuẩn quốc gia, đồng thời tiếp cận với quốc tế; 

Xem xét, tái cấu trúc lại hệ thống các trường ĐH liên quan đến đào tạo sư phạm; Đẩy mạnh mô hình đào tạo theo nhu cầu thị trường, đồng thời xây dựng chính sách học phí phù hợp.

GS.TS Nguyễn Văn Vui cũng đồng quan điểm cần phải cơ cấu lại hệ thống các trường. Trong đó, tăng cường kiểm soát quy mô đào tạo về tuyển sinh, đặc biệt là một số trường ĐH lớn; tập trung chỉ đạo nghiên cứu khoa học theo hướng tạo sản phẩm KHCN có bản quyền, công bố quốc tế…; 

Nâng cao, chuẩn hóa năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy theo hướng nâng cao số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ, học hàm GS, PGS, chuẩn hóa về trình độ Ngoại ngữ, Tin học.

Từ thực tế đào tạo nhân lực Y tế ở khu vực ĐBSCL, GS.TS.BS Phạm Văn Lình - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ - đưa ra khuyến nghị về lĩnh vực đào tạo này. Ông dẫn chứng và kiến nghị: Tình hình thành lập các trường có đào tạo lĩnh vực Y, Dược tăng mạnh trong thời gian ngắn gây nên tình trạng SV thất nghiệp. 

Thực tế có bệnh viện tuyển 3 chỉ tiêu nhưng có đến 40 ứng viên đăng ký… Nếu đào tạo nhiều như hiện nay, đến năm 2020, bác sĩ khó xin việc làm phù hợp. 

Trong khi đó số bác sĩ 5 chuyên ngành hiếm (lao, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, phong) ở ĐBSCL đang thiếu trầm trọng. Các bộ, ngành cần quan tâm và có chủ trương để tạo điều kiện đào tạo nhân lực lĩnh vực này.

Quyền tự chủ và Hội đồng trường

Vấn đề nâng cao năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm cũng được nhiều đại biểu nêu ra, đặc biệt trong đó là việc đẩy mạnh xây dựng Hội đồng trường, cũng như xác định rõ quan hệ giữa Hội đồng trường với Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường. PGS.TS Phạm Quang Liêm - Phó Giám đốc Học viện Hành chính nói: 

Tự chủ đối với các trường là một vấn đề rất lớn, theo lộ trình đến năm 2018, các trường ĐH, CĐ phải thực hiện quyền tự chủ, bởi vậy phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ mới có thể thực hiện được.

Cũng liên quan đến vấn đề tự chủ, PGS.TS Đỗ Văn Xê (ĐH Cần Thơ) kiến nghị: Vấn đề tự chủ của các trường đại học vẫn còn khó khăn, do đó tình hình thu học phí gặp khó, các trường muốn đầu tư, nâng cao chất lượng hay tạo bước đột phá là không hề dễ vì thiếu kinh phí. 

Hiện nay chủ trương giao cho các Sở GD&ĐT thẩm định cơ sở vật chất và thẩm định đội ngũ để mở mã ngành ở các trường đã được thực hiện, tuy nhiên nên có sự tham gia của Bộ GD&ĐT để đảm bảo tính chính xác và khách quan.

GS.TS.BS Phạm Văn Lình lại nêu lên khó khăn khi thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường công lập, đặc biệt là tự chủ tài chính do cơ chế của các Bộ quản lý chưa rộng mở. Chính vì vậy, các trường gặp khó trong nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới, hội nhập… 

GS Lình kiến nghị: Các trường cần có khung học phí rộng mở hơn để các trường tiến tới tự chủ và linh động trong việc đào tạo. Cán bộ, giảng viên có thu nhập ổn định, yên tâm công tác, tập trung nghiên cứu… và quan trọng nhất là trường giữ được cán bộ, giảng viên giỏi.

Khẳng định vai trò của Hội đồng trường và quyền tự chủ, tại Nghệ An, GS.TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, đã đưa ra ý kiến của các đại biểu ở đầu cầu này, và cho rằng Bộ hướng dẫn cụ thể, tăng tính tự chủ trong quản trị trường học, giải quyết mối quan hệ giữa hội đồng nhà trường và ban giám hiệu nhà trường… 

Sắp xếp hệ thống GD ĐH, CĐ quy hoạch theo địa lý, nhu cầu và theo hệ thống ngành đào tạo hướng đến nền giáo dục hiện đại, hội nhập bắt nhịp xu thế quốc tế.

Chuẩn đầu ra và kiến nghị

Chuẩn đầu ra trong đào tạo đại học là việc cần thực hiện để phù hợp với quốc tế, đây là điều GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng - khuyến cáo: 

Hoạt động kiểm định nên tập trung theo chuẩn quốc tế để kiểm soát chuẩn đầu ra theo mặt bằng chung theo ngành; Tăng cường tự chủ đại học, giảm số trường công lập, tăng số lượng trường ngoài công lập để xã hội hóa; 

Bộ GD&ĐT nên ban hành chuẩn giảng viên đại học, như đã ban hành chuẩn với giáo viên phổ thông; Tập trung phát triển hệ thống trường sư phạm gắn với chương trình giáo dục phổ thông và quy định rõ trách nhiệm của trường phổ thông trong việc nhận sinh viên thực tập; quy hoạch hệ thống trường sư phạm một cách hợp lý.

Khẳng định mối quan tâm đến nội dung đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo, các ý kiến tại điểm cầu Nghệ An cho rằng: Để tăng tính tự chủ nhà trường, không chỉ giới hạn ở tự chủ kinh phí, mà còn tự chủ ở nhiều khâu khác, trong đó, cần có quy định rõ ràng về quản trị trường học. 

Chất lượng của trường đại học không chỉ dựa vào lượng thí sinh đăng ký xét tuyển lớn, điểm đầu vào cao. Thương hiệu một trường ĐH, CĐ còn phụ thuộc vào sản phẩm đầu ra, cũng như định hướng giá trị xã hội của trường đó... 

Từ đó khuyến nghị: Cần giảm chỉ tiêu sinh viên/giảng viên, chuyển đổi mô hình đào tạo, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường chủ động rà soát chuẩn đầu ra, từ đó tổ chức quản lý, giảng dạy, đảm bảo chất lượng trong nhà trường, tăng cường kỹ năng mềm cho sinh viên, chú trọng phân luồng ở cấp phổ thông, tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Khẳng định chất lượng đào tạo là yếu tố sống còn đối với các nhà trường TS Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT - cho rằng: 

Chỉ tiêu tuyển sinh cao là xu thế đúng và đang diễn ra ở hầu hết quốc gia; phải chấp nhận việc các trường đại học phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tôn trọng giá trị thị trường. Nếu mỗi sinh viên có quyền lựa chọn quá ít, các trường ĐH không có động lực để đổi mới.

Được coi như một “Hội nghị Diên Hồng” hàng năm của giáo dục đại học, Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 khối các trường ĐH, CĐ đã nhận được nhiều ý kiến thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao với sự nghiệp chung. 

Khẳng định thành công của giáo dục đại học trong năm học vừa qua, nhưng các đại biểu cũng thống nhất quan điểm để giáo dục đại học Việt Nam đáp ứng tốt hơn việc đào tạo cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng và đứng trước yêu cầu hội nhập thì nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng đào tạo là việc cần làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ