Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Khẳng định vị thế

GD&TĐ - Năm 2024, công tác kiểm định chất lượng GD đại học ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định vị thế các cơ sở GD.

Một giờ học tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Nguyễn Ngọc
Một giờ học tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Nguyễn Ngọc

Nhiều chương trình học được kiểm định trong và ngoài nước, mở ra cơ hội hội nhập quốc tế.

Nỗ lực kiểm định chất lượng

Đến tháng 11/2024, theo báo cáo của Đại học Quốc gia TPHCM, các trường và đơn vị thành viên có tổng cộng 154 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Với trung bình khoảng 20 chương trình đạt chuẩn kiểm định mỗi năm, việc đạt được hơn 200 chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế vào năm 2030, theo chiến lược phát triển Đại học Quốc gia TPHCM giai đoạn 2021 - 2030, là hoàn toàn khả thi.

Riêng trong năm 2024, Đại học Quốc gia TPHCM có 26 chương trình đào tạo tham gia kiểm định theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế như ABET, ASIIN, FIBAA, AUN-QA. Trong đó, 8 chương trình được công nhận đạt chuẩn. Nếu tính chung các chương trình được đánh giá trong năm 2023 và có kết quả đạt chuẩn trong năm 2024, Đại học Quốc gia TPHCM có 32 chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Số lượng chương trình đạt chuẩn quốc tế của đại học này đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng.

Tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), đến năm 2024, trường có 66 chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế theo các bộ tiêu chuẩn ABET, ASIIN, AQAS, FIBAA, CTI, AUN-QA. Riêng Trường Đại học Quốc tế - một thành viên khác của Đại học Quốc gia TPHCM, nhận chứng nhận đạt chuẩn ASIIN (năm 2023), AUN-QA (năm 2018) và MOET (năm 2016).

Các chương trình đào tạo của trường đã tham gia kiểm định và được công nhận đạt chuẩn bởi tổ chức kiểm định uy tín trong và ngoài nước, như MOET, AUN-QA, ASIIN, ACBSP và ABET. Hiện tại, hơn 78% chương trình đào tạo bậc đại học của nhà trường được kiểm định thành công.

Tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Hiệu trưởng Trần Trọng Đạo thông tin, trường chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Đảm bảo Chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA) từ năm 2018. Đây là cột mốc quan trọng, mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và khẳng định vị thế của nhà trường trong khu vực và thế giới.

Tính đến nay, 41 chương trình đào tạo của Trường Đại học Tôn Đức Thắng được công nhận đạt chuẩn quốc tế bởi các tổ chức kiểm định uy tín như AUN-QA, FIBAA và ASIIN. Toàn bộ chương trình còn lại cũng có kế hoạch kiểm định trong tương lai gần.

“Trường Đại học Tôn Đức Thắng được Tổ chức HCÉRES công nhận đạt chuẩn chất lượng chu kỳ 1 (giai đoạn 2018 - 2023) và được Hội đồng Kiểm định và Chứng nhận của FIBAA công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2 (giai đoạn 2024 - 2030). Đây không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực bền bỉ của nhà trường, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ cho cam kết phát triển bền vững và chất lượng giáo dục của chúng tôi”, TS Trần Trọng Đạo cho biết.

Tại Hội nghị quốc tế của Mạng lưới Bảo đảm chất lượng đại học Đông Nam Á năm 2024 (TPHCM, tháng 12/2024), ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, đến hết tháng 11/2024, Việt Nam có 2.179 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng.

Trong đó, 1.558 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 621 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài. Ngoài ra, 208 cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng, trong đó có 196 cơ sở đạt kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và 12 cơ sở đạt kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.

kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-dai-hoc-1.jpg
Đợt đánh giá ngoài 4 chương trình đào tạo của Trường Đại học Tôn Đức Thắng theo bộ tiêu chuẩn FIBAA. Ảnh: TDTU

Xây dựng nền tảng đảm bảo chất lượng

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học được các trường xác định đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và uy tín, đồng thời đảm bảo các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội và thị trường lao động. Để thực hiện công tác này, nhiều trường đại học chú trọng xây dựng nền tảng bảo đảm chất lượng bên trong, thông qua các chủ trương, chính sách nhất quán và sự đầu tư nguồn lực phù hợp.

Tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), nhà trường đã xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong theo Mô hình Quản lý chất lượng tổng thể (Total Quality Management - TQM), đồng thời hình thành văn hóa chất lượng trên toàn trường. Các thành tố của hệ thống này được xây dựng, phát triển và cải tiến liên tục, hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm sự hài lòng của người học đối với các dịch vụ của nhà trường và đáp ứng yêu cầu của các bộ tiêu chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, nhà trường thực hiện các hoạt động cải tiến chất lượng theo chu trình “Plan - Do - Check - Act” (Lập kế hoạch - Thực hiện - Kiểm tra - Hành động), nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện, đánh giá kết quả đạt được và liên tục nâng cao chất lượng tổng thể. Các lĩnh vực cải tiến chất lượng của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong được nhà trường chú trọng. Những hoạt động này không chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu kiểm định, mà còn không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của nhà trường.

“Xác định tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, Đại học Quốc gia TPHCM đang theo đuổi các giá trị hướng đến sự xuất sắc. Để đáp ứng yêu cầu đó, phát huy các yếu tố bản sắc để nâng cao chất lượng luôn được chú trọng, trong đó việc duy trì và cam kết thực hiện các chính sách về bảo đảm chất lượng chính là phương thức hiệu quả để huy động tối đa các nguồn lực, là nền tảng cần thiết giúp chúng tôi hội nhập và phát triển bền vững”, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) đánh giá.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương, mảng bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục được luật hóa khá mạnh và cụ thể. Minh chứng rõ nhất là các quy định trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học hiện hành, Nghị định 99/2019 hướng dẫn thực thi Luật Giáo dục Đại học, Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030...

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh: Bảo đảm chất lượng giáo dục là quá trình liên tục, lâu dài đòi hỏi sự phối hợp tổng thể của nhiều yếu tố. Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, những thay đổi sâu rộng trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, kiểm định chất lượng giáo dục càng trở nên cấp thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ