Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh bày tỏ vui mừng khi được dự Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập của Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia (NCSE). Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng hoan nghênh, chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích tốt đẹp mà NCSE đạt được trong 45 năm qua.
Nhân dịp kỷ niệm, NCSE tổ chức Hội thảo “Giáo dục đặc biệt Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 - Cơ hội và thách thức” với sự góp mặt của nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội Việt Nam, chuyên gia trong và ngoài nước...
Hội thảo đặt ra bốn nội dung trao đổi, thảo luận. Mở đầu, giới thiệu và công bố kết quả nghiên cứu về khoa học giáo dục đặc biệt. Tiếp đó, phát triển các nguồn lực trong giáo dục đặc biệt. Vận dụng chuyển đổi số trong biên soạn, xây dựng sách giáo khoa, học liệu cho người khuyết tật. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, giáo dục dành cho người khuyết tật.
Thứ trưởng cho biết: NCSE được Bộ GD&ĐT tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ, trong đó phải kể đến tổ chức xây dựng, quy hoạch các cơ sở giáo dục chuyên biệt, hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiệm vụ thứ 2 là quản lý và phát triển các phần mềm phục vụ quản lý và giáo dục cho người khuyết tật Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục giao NCSE phát triển tài liệu, học liệu phù hợp để hỗ trợ công tác giáo dục người khuyết tật tại Việt Nam.
"Bảo vệ quyền của người khuyết tật, đặc biệt quyền giáo dục của người khuyết tật, luôn được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, quy mô, chất lượng của giáo dục người khuyết tật từng bước được nâng lên. Kết quả tốt đẹp này có sự đóng góp lớn của NCSE và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam", thứ trưởng Ngô Thị Minh bày tỏ.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá giáo dục đặc biệt là nhiệm vụ nặng nề với nhiều cơ hội song hành cùng thách thức. Đây vừa là trọng trách của NCSE, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhưng cũng là trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, Bộ ngành.
Thứ trưởng đề nghị NCSE nhìn nhận thấu đáo các khó khăn, thách thức khi triển khai giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật. Trong đó, ưu tiên số một là tạo cơ hội để người khuyết tật học tập hòa nhập. Việc phục hồi chức năng cho người khuyết tật cũng cần được quan tâm, coi trọng. Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục đặc biệt; đảm bảo người khuyết tật được giáo dục công bằng, hỗ trợ tốt nhất.
Từ tham luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị NCSE phối hợp với các Cục, vụ, đơn vị của Bộ GD&ĐT sử dụng kết quả nghiên cứu để xây dựng chính sách, hỗ trợ giáo dục đặc biệt trong thời gian tới. Tiếp tục xây dựng mạng lưới, trung tâm giáo dục đặc biệt ở các tỉnh, thành để đạt hiệu quả cao nhất.