Bảo đảm tiến độ và chất lượng chuyển đổi sách cho học sinh khuyết tật nhìn

GD&TĐ - Chiều 9/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã có buổi làm việc với Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia về tiến độ hoạt động chuyển đổi sách chữ nổi Braille cho học sinh khuyết tật nhìn.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm việc với Trung tâm Giáo dục Đặc biệt quốc gia.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm việc với Trung tâm Giáo dục Đặc biệt quốc gia.

Theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia (NCSE), Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, từ tháng 7/2021, NCSE đã thành lập 7 nhóm chuyên gia thực hiện chuyển đổi sách giáo khoa theo chương trình phổ thông 2018 sang sách giáo khoa chữ nổi Braille cho học sinh khuyết tật nhìn.

Mục tiêu của hoạt động là chuyển đổi các bộ sách khoa hiện hành sang sách giáo khoa chữ nổi Braille của các lớp 1, 2, 6 và nhân bản các bộ sách để cung cấp cho học sinh khuyết tật nhìn trong năm học 2021 - 2022. 

7 nhóm thực hiện chuyển đổi sách giáo khoa là các chuyên gia, giáo viên đến từ bốn tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TPHCM Thái Nguyên và Đà Nẵng. Cụ thể, các nhóm tại Hà Nội thực hiện chuyển đổi bộ sách Cánh Diều lớp 1, 2, 6; các nhóm tại TPHCM và Thái Nguyên thực hiện chuyển đổi bộ sách Chân trời sáng tạo lớp 1, 2, 6 và bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống lớp 1,2,6 do nhóm tại Đà Nẵng thực hiện. 

Để thống nhất về nội dung chuyển đổi, dàn trang, trình bày sách giáo khoa chữ nổi đồng thời phân công công việc cụ thể, kế hoạch cho từng nhóm triển khai chuyển đổi theo quy trình chặt chẽ: chuyển kênh chữ in sang chữ nổi Braille, dàn trang; xác định hình ảnh và vẽ hình; in chế bản chữ; cắt, điều chỉnh kích thước hình phù hợp với chế bản; dán hình lên chế bản chữ; in thử sách; hoàn thiện sách.

Trong quá trình chuyển đổi sách giáo khoa, nhóm chuyên gia, giáo viên tại các tỉnh, thành đã phối hợp với chuyên gia tại NCSE thống kê toàn bộ tranh, hình trong ba bộ sách giáo khoa lớp 1,2,6. Đồng thời các nhóm xác định các tranh chuyển đổi sang kênh hình, các tranh cần chuyển ngữ và chuyển hình/chuyển ngữ như thế nào để phù hợp với khả năng tri giác xúc giác của học sinh khuyết tật nhìn và đảm bảo được nội dung của sách giáo khoa.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh thăm phòng chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi Braille tại NCSE.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh thăm phòng chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi Braille tại NCSE.

Thực tế, NCSE và các nhóm chuyển đổi đã gặp phải một số khó khăn như thiếu trang thiết bị, máy móc, nguồn kinh phí hạn hẹp. Đặc biệt, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tiến độ chuyển đổi sách giáo khoa chậm hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ, các chuyên gia, giáo viên đặt mục tiêu hoàn thành việc chuyển đổi ba bộ sách giáo khoa cho các lớp 1,2,6 vào tháng 4/2022.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng, tinh thần làm việc trách nhiệm của Ban chỉ đạo Giáo dục Trẻ khuyết tật và Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, NCSE và các chuyên gia, giáo viên tham gia chuyển đổi sách chữ nổi Braille cho học sinh khuyết tật nhìn.

Thứ trưởng nhấn mạnh chuyển đổi sách cho học sinh khuyết tật nhìn là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận; đồng thời, phải bảo đảm tính kịp thời và chất lượng. Thứ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo Giáo dục Trẻ khuyết tật và Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NCSE để triển khai hoạt động chuyển đổi sách chữ nổi Braille cho học sinh khuyết tật nhìn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.