Từ nhà đến trường: Những hành trình nguy hiểm

GD&TĐ - Vượt sông băng trong thời tiết âm độ C hay leo thang trên vách núi dựng đứng là cách duy nhất để học sinh nhiều nơi đến trường.

Cây cầu đi học tại Indonesia bị sập vì mưa lũ.
Cây cầu đi học tại Indonesia bị sập vì mưa lũ.

Vượt sông băng

Toạ lạc tại miền Bắc Ấn Độ, Zanskar là thung lũng hẻo lánh nằm giữa vùng Ladakh và Kashmir. Vào mùa đông, thung lũng bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài do băng tuyết giăng kín những lối đi. Chỉ có sông Zanskar, còn gọi là Chadar, chảy từ dãy Himalaya qua thung lũng đã đóng băng, tạo thành một con đường để người dân di chuyển. Để đến được ngôi trường gần nhất trong khu vực - Trường phổ thông nội trú Lamdon, thành phố Leh, Ladakh, trẻ em phải vượt qua con đường này.

Sau kỳ nghỉ đông, từ tháng 3, các em nhỏ ở Zanskar sẽ vượt đường “Chadar” để trở về trường nội trú. Hành trình này thường mất 6 ngày. Những buổi tối, các em trú chân trong hang động được đào quanh những ngọn núi. Vào ban đêm, nhiệt độ nơi đây có thể xuống đến âm 30 độ C.

Tháng 3 hàng năm, giáo viên Trường Lamdon sẽ vượt Chadar, vào thung lũng Zanskar để đưa học sinh trở lại trường. Do địa thế hiểm trở, những em nhỏ được người lớn cõng trên lưng.

Dù khó khăn, trẻ em nơi đây vẫn miệt mài đến trường. Ước tính, số người biết chữ tại vùng Ladakh là 80%, một trong những tỷ lệ cao nhất tại Ấn Độ. Trong những năm qua, Chính phủ Ấn Độ đã thử nghiệm mô hình lớp học di động để hạn chế việc học sinh phải di chuyển đến nơi khác học tập.

Trẻ em vượt sông băng tại Ấn Độ.
Trẻ em vượt sông băng tại Ấn Độ.

Leo vách núi

Nằm trên đỉnh núi Badagong, quận Sangzhi, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc là ngôi làng Zhang Jiawan với khoảng 100 cư dân sinh sống. Bốn bề xung quanh là vực thẳm. Nơi đây cũng không có trường học.

Con đường duy nhất ra khỏi làng là những chiếc thang ọp ẹp, dẫn xuống thung lũng dưới núi. Để đến trường, những đứa trẻ nơi đây phải leo thang gỗ chật hẹp và không có thiết bị bảo hộ trên vách núi dựng đứng.

Năm 2013, người dân trong làng đã yêu cầu quan chức địa phương xây dựng đường xuống thung lũng để những đứa trẻ không phải mạo hiểm đến trường. Tuy nhiên do địa hình nơi đây hiểm trở, việc xây dựng có thể tiêu tốn hơn 13 triệu USD.

Không chỉ làng Zhang Jiawan, tại nhiều khu vực nông thôn ở Trung Quốc, trẻ em gặp nhiều trắc trở trên đường đến trường. Tại làng Gulu, tỉnh Tứ Xuyên, học sinh phải đi bộ dọc theo con đường núi nằm sát vách đá dài, hẹp khoảng 30 cm đến Trường Tiểu học Zulu, nơi chỉ có một giáo viên giảng dạy.

Từ năm 2016, chính quyền địa phương đã vận động phụ huynh cho phép con cái học trường nội trú trong huyện. Tiền học và tiền sinh hoạt của các em đều do nhà nước chu cấp.

Trẻ Trung Quốc leo thang từ đỉnh núi xuống thung lũng.
Trẻ Trung Quốc leo thang từ đỉnh núi xuống thung lũng.

Đu ròng rọc

Nằm ở độ cao gần 400m trên ngọn núi Rio Negro, Colombia, là một ngôi làng nhỏ, dân cư thưa thớt. Nơi đây cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài do được bao quanh bởi những ngọn núi cao và sông Rio Negro chảy xiết.

Để đi học trong thị trấn, trẻ em sử dụng hệ thống ròng rọc gồm 12 sợi cáp bằng thép, nối từ ngọn núi sang thung lũng đối diện, cách 800m. Sau khi buộc chặt thân mình lên hệ thống ròng rọc, những đứa trẻ lao nhanh với tốc độ 40km/h. Sau đó, tiếp tục đi bộ đến trường.

Tại Nepal, trẻ em sống tại những khu vực núi cao cũng phải sử dụng hệ thống cáp treo tương tự để đến trường. Việc xây dựng cầu nối sẽ tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc. Do đó, chính phủ các nước đã cố gắng hỗ trợ trẻ em học tập trong trường nội trú để giảm thiểu rủi ro.

Hệ thống ròng rọc bắc qua sông Rio Negro, Colombia.
Hệ thống ròng rọc bắc qua sông Rio Negro, Colombia.

Băng sông

Tại một số địa phương khó khăn ở Philippines, tài xế đưa đón học sinh còn có khả năng chèo thuyền bởi các em phải vượt qua những con sông lớn để đến trường. Đây là phương tiện tương đối phổ biến trong những khu vực nông thôn.

Ở những vùng khó khăn hơn, trẻ em phải lội hoặc bơi qua sông để đến trường. Dù đã buộc sách vở, đồng phục trong túi ni lông, đồ dùng học tập của các em vẫn không được nguyên vẹn. Hoặc các em sáng tạo bằng cách sử dụng lốp xe hơi được bơm căng làm phao. Nhưng điều này rất nguy hiểm, đặc biệt khi trẻ gặp phải dòng nước chảy xiết.

Vì vậy, nhiều tổ chức từ thiện đã nỗ lực giúp trẻ em Philippines đi học dễ dàng hơn bằng mô hình “trường học trên thuyền”. Những trường này dành cho trẻ em sống tại các khu nhà nổi.

Ngoài ra, chính phủ cũng phối hợp với các tổ chức trang bị thuyền vận chuyển. Phổ biến rộng khắp Philippines, những chiếc thuyền này được sơn màu vàng, giống với màu xe buýt đưa đón học sinh.

Trẻ em Philippines dùng lốp xe thay phao để băng sông.
Trẻ em Philippines dùng lốp xe thay phao để băng sông.

Bám cầu treo

Năm 2012, một trận lũ lụt đã làm hỏng cây cầu treo trên sông Ciberang, nối liền làng Ciwaru và Sabagi, huyện Lebak, Indonesia. Vì vậy, trẻ em sống tại làng Ciwaru phải bám vào những sợi dây thừng, những ván cầu còn sót lại sau trận lũ lụt để đến trường tại làng Sabagi.

Nhiều học sinh cho biết chọn đi qua cầu dù nguy hiểm thay vì đi đường vòng dài 5km và mất nhiều thời gian. Các em bám chặt vào những sợi dây thừng, nhích từng chút một trên những tấm ván treo lủng lẳng giữa dòng sông.

Lo sợ nguy hiểm xảy ra, người dân làng Ciwaru đã đóng tạm một chiếc bè tre cho những đứa trẻ. Mỗi lần, chiếc bè chỉ chở được 3 người.

Người dân địa phương đã kiến nghị chính quyền tu sửa cây cầu để nối lại các hoạt động cho hai ngôi làng. Sau một năm, cây cầu mới đã được xây dựng. Tuy nhiên, trong thời gian này, nhiều em nhỏ đã quyết định bỏ học vì không muốn mạo hiểm băng qua sông khi mực nước dâng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ