Ấn Độ: Bất cập trong hệ thống xếp loại học sinh

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục Ấn Độ đang cân nhắc việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào đại học.

Học sinh Ấn Độ căng thẳng vì các kỳ thi đầu cấp.
Học sinh Ấn Độ căng thẳng vì các kỳ thi đầu cấp.

Các chuyên gia giáo dục quốc gia cho rằng tình huống này làm nổi bật sự phụ thuộc của hệ thống xếp loại học sinh dựa vào các kỳ thi.

Theo Chính sách Giáo dục quốc gia năm 2020 (NEP), trường phổ thông các cấp phải liên tục đánh giá trình độ của học sinh, dựa trên nhiều phương thức. Nhưng đến nay, các trường vẫn chủ yếu dựa vào việc kiểm tra do thiếu dữ liệu đánh giá trong năm học.

Dù kỳ thi tuyển sinh đại học không diễn ra, học sinh vẫn được xếp loại dựa trên các bài kiểm tra tại trường. Điểm khác biệt là yếu tố thời gian vì bài kiểm tra tại trường có thời hạn cũ hơn kỳ thi vào đại học.

Một số giáo viên nhận xét kiểm tra là phương thức xếp loại học sinh đáng tin cậy, công bằng. Nhưng phần đông tin rằng việc đánh giá học sinh cần phải thay đổi, không nên chỉ tập trung vào các bài kiểm tra cuối năm học, thường kéo dài 3 tiếng.

Ông Allan Andersen, Hiệu trưởng Trường Chaman Bhartiya, bang Bengaluru, cho biết vấn đề khởi nguồn khi học sinh được đào tạo chỉ nhằm mục tiêu đạt thành tích tốt trong các kỳ thi. Vì vậy, trong năm học thầy cô không thể nắm bắt điểm mạnh, yếu của từng em để xếp loại. Việc đánh giá nên bao gồm tính cá nhân hóa của từng học sinh.

“Điều quan trọng là giáo viên phải thu thập thông tin, theo dõi hoạt động hàng ngày của từng học. Từ đó, thầy cô sẽ nhận thấy mỗi học sinh có đặc điểm, sở thích và mục tiêu khác nhau. Nhiều em muốn thi đại học trong khi số khác muốn chơi thể thao, theo đuổi nghệ thuật”, ông Andersen cho biết.

Tại Ấn Độ, hầu hết học sinh theo học chương trình phổ thông và tham dự kỳ thi do Hội đồng Giáo dục Trung học Trung ương (CBSE) tổ chức. Tuy nhiên, những học sinh có điều kiện hơn đang theo đuổi chương trình Tú tài quốc tế (IB).

Theo học IB, học sinh có quyền quyết định có tham gia kỳ thi đại học hay không. Vì ngay từ trong năm học, thầy cô giáo đã đánh giá học sinh theo từng môn và tổng thể.

Các em có thể sử dụng bằng IB để đăng ký vào một số trường đại học trong nước và quốc tế.

Trong đại dịch Covid-19, chương trình IB càng thể hiện giá trị vì không phụ thuộc vào kiểm tra cuối kì. Học sinh không thể hoàn thành bài kiểm tra cuối năm sẽ được xếp loại dựa trên những dự án, bài tập trong suốt năm học.

Xếp loại của các em cũng dựa trên thành tích ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ học và hoạt động trong các dự án của trường học.

Bà Sunita Singh, Trưởng khoa Nghiên cứu Giáo dục tại Trường Đại học Ambedkar Delhi, nhận xét học sinh lớp 12 năm nay phải đối mặt với nhiều áp lực, chủ yếu đến từ việc thi tuyển.

Thay vì tổ chức kỳ thi tuyển sinh, các trường đại học có thể xét tuyển thí sinh dựa trên học bạ, thành tích của các năm THPT. Việc dồn tất cả học sinh khối 12 vào cùng một kỳ thi trong thời điểm hiện tại là không phù hợp.

Từ những bất cập trong việc tuyển sinh năm 2021, các chuyên gia giáo dục Ấn Độ cho rằng chính phủ, Bộ Giáo dục cần suy nghĩ lại về việc dạy, học và xếp loại học sinh phổ thông. Trong quá trình đào tạo, nhà trường cần liên tục đánh giá, xếp loại học sinh dựa trên nhiều yếu tố, không nên phụ thuộc vào các kỳ thi cuối học kỳ hay thi chuyển cấp.

Trước đó, vào đầu tháng 5, Ấn Độ thông báo hủy kỳ thi vào lớp 10 năm học 2020 - 2021 tại các bang trên toàn quốc. Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia Ấn Độ, dự kiến diễn ra từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6, cũng bị hoãn lại. CBSE cho biết sẽ tiếp tục đánh giá tình hình dịch bệnh và thông báo thời gian tổ chức sau.

Theo News18

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.