Giáo dục Bắc Giang phấn đấu thuộc nhóm tiên tiến của cả nước

GD&TĐ - Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song năm 2021, ngành Giáo dục Bắc Giang là điểm sáng về thực hiện “mục tiêu kép”.

Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang.
Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang.

Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, phóng viên Báo GD&TĐ phỏng vấn đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang xoay quanh những bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả, phương hướng phấn đấu của ngành Giáo dục Bắc Giang.

 *Thưa đồng chí, năm qua, dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành, trong đó tỉnh Bắc Giang từng là tâm dịch của cả nước, điều này ảnh hưởng như thế nào tới các hoạt động của ngành Giáo dục?

- Năm 2021 là năm thứ hai đặc biệt khó khăn với ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang. Trong bối cảnh cả nước căng mình chống dịch Covid-19, Bắc Giang trở thành tâm dịch từ đầu tháng 5, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, trong đó có ngành Giáo dục.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - ông Mai Sơn và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thăm, hỏi kiểm tra chương trình GDPT mới tại Việt Yên.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - ông Mai Sơn và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thăm, hỏi kiểm tra chương trình GDPT mới tại Việt Yên.

Phát huy tinh thần “mỗi làng xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch”, hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục đều tham gia các mặt trận phòng, chống dịch tại địa phương. Nhiều người trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch, chăm sóc bệnh nhân trong khu cách ly, hỗ trợ ngành Y tế, công an, quân đội...  

Đây là thử thách rất lớn với ngành Giáo dục khi phải làm sao vừa duy trì tổ chức các hoạt động giáo dục vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch để thực hiện “mục tiêu kép”, hoàn thành nhiệm vụ năm học.

*Những ngày đầu tháng 5/2021, dịch bùng phát mạnh tại tỉnh Bắc Giang, có thời điểm hàng trăm ca F0 được ghi nhận mỗi ngày. Trong bối cảnh rất khó khăn đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã có những chỉ đạo gì đối với các đơn vị, cơ sở giáo dục để vừa có thể bảo vệ sự an toàn cho học sinh, vừa bảo đảm công tác giảng dạy và học tập?

- Đúng là giai đoạn tháng 5, tháng 6 là giai đoạn căng thẳng nhất của tỉnh Bắc Giang. Song, với tinh thần “khó khăn gấp đôi thì nỗ lực gấp ba”, “dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, “tạm dừng đến trường, song không dừng việc học”, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục tỉnh nhanh chóng chuyển trạng thái, chủ động, linh hoạt, tổ chức đa dạng các hình thức tổ chức dạy học để bảo đảm chương trình, kết thúc năm học đúng thời gian.

Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Trường THCS Dĩnh Kế (Tp. Bắc Giang).
Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Trường THCS Dĩnh Kế (Tp. Bắc Giang).

Thứ nhất, toàn ngành xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch chi tiết để bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ giáo viên; kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, trong bất cứ tình huống nào cũng phải duy trì hoạt động dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ hai,ngành Giáo dục, các nhà trường xây dựng 3 kịch bản, 3 phương án tổ chức dạy học, để sẵn sàng, chủ động, linh hoạt trước mọi tình huống của dịch, ứng phó với mọi cấp độ dịch: Dạy học trực tiếp khi dịch được kiểm soát tốt; Dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến khi có học sinh và giáo viên không thể đến trường; Dạy học hoàn toàn trực tuyến khi đa số học sinh hoặc giáo viên không thể đến trường.

Đặc biệt, mô hình kết hợp dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến - chúng tôi gọi là mô hình “lớp học 2 trong 1” được Bắc Giang chỉ đạo rất sáng tạo và khá hiệu quả. Cụ thể, mỗi nhà trường xây dựng ít nhất 1 phòng học trực tuyến/1 khối lớp để kết hợp với dạy trực tiếp nhằm giúp những học sinh bị cách ly vẫn được học đảm bảo đúng tiến độ của chương trình.

Hầu hết các trường phổ thông đều lắp đặt các phòng học trực tuyến để tổ chức dạy học; thậm chí có thể diễn ra tình huống đảo ngược: Giáo viên bị cách ly không thể đến trường sẽ tổ chức dạy học trực tuyến - học sinh vẫn đến lớp học. Đối với cấp tiểu học, hiện có trên 1.200 phòng học trực tuyến được lắp đặt tại 243 trường.

Với cách làm sáng tạo này, trong tình huống nào ngành Giáo dục vẫn có thể duy trì hoạt động dạy học, không bị gián đoạn, ứng phó với dịch trong mọi tình huống, kết thúc năm học đúng thời gian và bảo đảm chất lượng. Mô hình này của Bắc Giang được Bộ GD&ĐT đánh giá rất cao và nhân rộng ra một số địa phương khác.

Thứ ba, để tổ chức được các hoạt động dạy học và sinh hoạt chuyên môn, tập huấn, hội thảo, hội nghị trực tuyến, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục rà soát và bổ sung tài khoản Microsoft Teams cho giáo viên, học sinh để sẵn sàng triển khai các hoạt động giáo dục. Trong mùa dịch 2 năm qua, hầu hết các hoạt động tập huấn, hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Giáo dục đều diễn ra dưới hình thức trực tuyến trên các nền tảng công nghệ, nhất là Microsoft Teams.

Thứ tư, chỉ đạo các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh vào cuộc cùng ngành Giáo dục, phối hợp nâng cấp đường truyền băng thông rộng, hỗ trợ phát sóng để ngành Giáo dục có thể tổ chức hoạt động giáo dục trực tuyến trong toàn tỉnh.

Thứ năm, hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 551/KH-UBND ngày 31/10/2021 triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”; chỉ đạo rà soát số học sinh thuộc các diện thiếu và không có thiết bị học tập trực tuyến để kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ thiết bị cho các em. Thiết lập ở mỗi huyện tối thiểu một kho thiết bị dùng chung để khi học sinh phải học trực tuyến mà không có thiết bị thì cho các em mượn.

 *Từ những chỉ đạo, định hướng đó kết hợp với sự nỗ lực của thầy và trò, ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang đã đạt được những thành quả nổi bật nào, thưa đồng chí?

- Nhìn lại một năm đầy khó khăn, thử thách, song chất lượng giáo dục của Bắc Giang tiếp tục được duy trì và có bước phát triển, nhiều tiêu chí luôn giữ được vị trí top các tỉnh dẫn đầu khu vực và cả nước. Kết quả phổ cập giáo dục (PCGD) các cấp học được duy trì vững chắc.

Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang.
Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang.

Đến hết tháng 12/2021, 10/10 huyện, thành phố đạt PCGD mầm non trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3 và PCGD THCS mức độ 2, trong đó 8/10 huyện, thành phố đạt PCGD THCS mức độ 3.

Tỷ lệ kiên cố hóa trường học và trường chuẩn quốc gia đạt cao, tạo tiền đề vật chất tốt nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ kiên cố hóa toàn tỉnh đạt 91,4%; toàn tỉnh có 704 trường chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt 93,7%, trong đó có 116 trường chuẩn quốc gia mức độ 2 (đạt 15,4%).

Từ trong tâm dịch của cả nước, tỉnh Bắc Giang vẫn có 1 học sinh đạt Thủ khoa khối A1 toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; tỷ lệ học sinh lớp 12 tốt nghiệp đạt 98,98%; thi chọn học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia đạt 58 giải, xếp thứ 9 toàn quốc về số lượng giải, trong đó môn Lịch sử 10/10 em đạt giải. Có 1 học sinh đoạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Âu năm 2021; có 7 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”; 2 nhà giáo được Bộ GD&ĐT vinh danh tiêu biểu toàn quốc; nhiều cán bộ, giáo viên say mê lao động, nghiên cứu khoa học, đạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 9.

Đặc biệt, ngành Giáo dục phối hợp với các ngành, nhất là Y tế, công an và UBND huyện, thành phố xây dựng kịch bản, phương án tổ chức 4 kỳ thi an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 nhằm bảo đảm quyền lợi cho tất cả học sinh, trong đó có 51 học sinh của 7 tỉnh bạn.

* Chúng ta đã chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, UBND tỉnh có những định hướng gì để ngành Giáo dục Bắc Giang tiếp tục đạt được nhiều kết quả cao hơn?

- Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, nhằm ổn định đời sống và bảo vệ sức khỏe nhân dân, duy trì toàn diện các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu năm 2022. Tỉnh tiếp tục ưu tiên phát triển GD-ĐT, với phương châm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, trong đó lĩnh vực giáo dục phấn đấu “thuộc nhóm tiên tiến của cả nước”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang động viên lực lượng thanh niên tình nguyện tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang động viên lực lượng thanh niên tình nguyện tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Trong bối cảnh dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục tiếp tục kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 100% cán bộ, giáo viên và học sinh đủ điều kiện;tiếp tục củng cố,xây dựng và chuẩn bị các kịch bản để tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục, nhằm ứng phó với các cấp độ dịch.

Chỉ đạothực hiện tốt chương trình tinh giảm, giảng dạy các nội dung cốt lõi để chủ động hoàn thành chương trình sớm, phòng ngừa diễn biến xấu của dịch bệnh; tập trung bồi dưỡng nâng cao chất lượng thi học sinh giỏi quốc gia; đồng thời nâng cao chất lượng các trường THCS trọng điểm ở các huyện, thành phố để sớm phát hiện và bồi dưỡng nguồn chất lượng cao cho cấp THPT.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục vì đây là xu hướng tất yếu của thế giới, nhất là trong bối cảnh dịch hiện nay. Triển khai hiệu quả các giải pháp công nghệ để sẵn sàng tổ chức dạy học trực tuyến ứng phó với tình hình dịch; đầu tư thí điểm xây dựng trường học thông minh gắn với chuyển đổi số tại 2 trường THCS (Việt Tiến và Tam Hiệp), tiến tới mở rộng ra các trường; đầu tư, bổ sung phòng học trực tuyến, các thiết bị cần thiết để tổ chức dạy học trực tuyến và kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Chỉ đạo ngành Giáo dục tăng cường tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học trực tuyến; hướng dẫn học sinh phương pháp học tập trực tuyến an toàn, hiệu quả; khai thác học liệu để chủ động cập nhật kiến thức. Từng bước xây dựng kho học liệu điện tử để chủ động, sẵn sàng trước mọi tình huống của dịch bệnh...

Mặt khác, tiếp tục chỉ đạo huy động mọi nguồn lực triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” hỗ trợ học sinh có thiết bị để tham gia học trực tuyến.

* Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ