Giáo dục AI: Cuộc đua song mã khốc liệt

GD&TĐ - “Cuộc cạnh tranh chiến lược” về trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra khốc liệt hơn bao giờ hết.

Học sinh tiểu học giao lưu với robot trí tuệ nhân tạo.
Học sinh tiểu học giao lưu với robot trí tuệ nhân tạo.

Quốc gia nào dẫn đầu về AI sẽ được coi là dẫn đầu toàn cầu. Thoạt nhìn, Trung Quốc dường như có vị thế dẫn đầu khi nói tới tài năng AI. Nước này đang tích cực tích hợp AI vào mọi cấp độ của hệ thống giáo dục nước nhà, trong khi đó Mỹ vẫn chưa coi giáo dục AI như một ưu tiên chiến lược.

Giáo dục AI ở Mỹ

Để duy trì lợi thế cạnh tranh, Mỹ cần áp dụng các chính sách trong giáo dục AI và lực lượng lao động một cách có mục tiêu và phối hợp. Các chính sách như vậy cũng cần được liên bang tăng cường đầu tư dành riêng cho AI và khuyến khích các mối quan hệ đối tác trong ngành.

Nhìn bề ngoài, tình hình giáo dục AI của Mỹ dường như đang trên một quỹ đạo tích cực. Những năm gần đây đã chứng kiến sự gia tăng của các tài liệu giáo dục AI bên ngoài lớp học như tăng các chương trình giáo dục AI trực tuyến ở tất cả các cấp, bao gồm trại hè ở bậc phổ thông, “trại huấn luyện”, một loạt chứng chỉ và quan hệ đối tác giữa ngành – học viện. Gần 300 tổ chức khác nhau hiện tổ chức trại hè về AI hoặc tin học cho học sinh phổ thông.

Những cơ hội học tập cho học sinh phổ thông khác bao gồm các chương trình sau giờ học, các cuộc thi và học bổng. Bên cạnh đó, các nhóm có trình độ thấp về tin học cũng được hỗ trợ.

Tuy nhiên, phạm vi tiếp cận và hiệu quả của những nỗ lực này lại nói lên một câu chuyện khác. Các dịch vụ trực tuyến chưa có tiêu chuẩn để đánh giá. Hơn nữa, ngoài một số trường học, giáo dục AI rất ít khi được áp dụng. Việc tích hợp bất kỳ chương trình giáo dục mới nào vào lớp học cũng rất chậm chạp và khó khăn và giáo dục AI cũng không là ngoại lệ. Nếu có, nó sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn vì các trường trên khắp đất nước còn có nhiều sự ưu tiên khác.

Trung Quốc đưa robot vào lớp học để giảng dạy về AI.
Trung Quốc đưa robot vào lớp học để giảng dạy về AI.

Những điểm sáng của Trung Quốc

Trong khi đó, việc triển khai và quy mô của giáo dục AI tại Trung Quốc làm lu mờ các sáng kiến của Mỹ. Mặc dù còn quá sớm để đánh giá hiệu quả và chất lượng của các chương trình giáo dục AI của Trung Quốc, nhưng nghiên cứu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET) của Đại học Georgetown (Mỹ) cho thấy, Bộ Giáo dục Trung Quốc đang nhanh chóng triển khai các chương trình giảng dạy AI trên tất cả các cấp học và thậm chí đã bắt buộc các trường trung học phổ thông dạy các môn về AI từ năm 2018. Tại Bắc Kinh cũng như các tỉnh Chiết Giang và Sơn Đông, nhà chức trách giáo dục đã tích hợp ngôn ngữ lập trình Python vào kỳ thi tuyển sinh đại học vốn nổi tiếng khó khăn.

Ở cấp độ sau trung học, sự tiến bộ của Trung Quốc thậm chí còn ấn tượng hơn. Năm 2019, Bộ Giáo dục nước này chuẩn hóa một chuyên ngành AI cho bậc đại học. Ngày nay, nó được cung cấp tại 345 trường đại học và là chuyên ngành mới phổ biến nhất Trung Quốc. Ngoài ra, ít nhất 34 trường đại học có các viện AI thường đào tạo cả sinh viên đại học và sau đại học. Trong đó, các lĩnh vực nghiên cứu như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, robot, hình ảnh y tế, công nghệ xanh thông minh và hệ thống không người lái.

Trong khi ở Mỹ có hệ thống trường đại học đẳng cấp thế giới nhưng phần lớn các chuyên ngành AI vẫn là chuyên ngành khoa học máy tính.

Hệ thống giáo dục Mỹ không được thiết kế để hoạt động giống như Trung Quốc. Tại đây có những lợi thế vốn có trong một hệ thống cho phép tự chủ giáo dục cao hơn. Điều này tạo cơ hội cho việc thử nghiệm, sáng tạo và đổi mới giữa các cơ sở giáo dục của Mỹ và mở ra cánh cửa hợp tác với cộng đồng địa phương, khu vực tư nhân, các tổ chức từ thiện…

Trẻ em Mỹ học tập với robot.
Trẻ em Mỹ học tập với robot.

Những việc cần làm trong giáo dục AI ở Mỹ

Tuy nhiên, để các sáng kiến giáo dục AI thử nghiệm thành công, chúng phải được đánh giá và mở rộng quy mô một cách toàn diện trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Trong bối cảnh này, bản chất phi tập trung của hệ thống giáo dục Mỹ có thể đặt ra một thách thức. Đó là chương trình học, đào tạo giáo viên, trình độ chuyên môn và tiêu chuẩn học tập đều bị phân tán theo các phương pháp tiếp cận khác nhau của từng bang.

Ví dụ, môn Tin học hiện có sẵn tại 51% các trường trung học Mỹ nhưng không giống Trung Quốc, môn này không bắt buộc hoàn toàn. Các sáng kiến đang được triển khai tại nhiều trường học trên khắp đất nước. Tuy nhiên, việc thiếu sự phối hợp để truyền tải nhận thức toàn diện, sự hợp tác giữa các bang và các chỉ số đánh giá chung đã cản trở các chương trình non trẻ này có tác động rộng rãi trên toàn quốc về giáo dục AI.

Việc triển khai một nền giáo dục AI mang tính cạnh tranh trên khắp nước Mỹ không phải là nhiệm vụ dễ dàng, không có lối tắt và không có giải pháp duy nhất. Tuy nhiên, có 2 yếu tố mà các nhà lãnh đạo giáo dục và các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên đó là phối hợp và đầu tư.

Đối với sự phối hợp ở cấp liên bang, có một cách là thông qua Văn phòng Sáng kiến Trí tuệ Nhân tạo quốc gia dành cho giáo dục và đào tạo của Nhà Trắng. Họ điều phối chính sách giáo dục, đào tạo và phát triển lực lượng lao động AI trên toàn quốc. Đồng thời, sự tham gia của một cộng đồng và cấp tiểu bang trong việc thực hiện, đánh giá và xem xét các sáng kiến giáo dục AI cũng quan trọng như nỗ lực của liên bang.

Đầu tư đầy đủ và đa dạng vào giáo dục AI cũng là điều cần thiết. Tài trợ của liên bang có thể giúp thu hẹp khoảng cách tiếp cận giữa các tiểu bang. Để đạt được mục tiêu đó, Quốc hội có thể dành nguồn tài chính cho các bang để tạo cơ hội cho học sinh phổ thông công lập học tập trải nghiệm AI. Trong khi đó, các nhà giáo dục phổ thông cần được đào tạo và hỗ trợ theo yêu cầu.

Chính quyền tiểu bang và địa phương cũng có thể tài trợ cho các sáng kiến đào tạo giáo viên để khuyến khích nhiều nhà giáo dục hơn được chứng nhận về môn Tin học, hoặc tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn tài trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận, tư nhân có thể bổ sung thêm cho đầu tư của chính quyền các cấp.

Cuối cùng, việc áp dụng và triển khai giáo dục AI thành công sẽ là một nỗ lực quốc gia, đòi hỏi sự tham gia của chính quyền các cấp, cũng như các tổ chức phi lợi nhuận, học viện và ngành. Sự phối hợp trong hệ sinh thái giáo dục sẽ giúp thúc đẩy các ý tưởng và sáng kiến.

Theo The Hill

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.