Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đón danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới

GD&TĐ - Sáng 14/11, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng tổ chức Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 45 năm thành lập trường và đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Đại diện lãnh đạo trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Đại diện lãnh đạo trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, tiền thân là Viện Đại học Đà Nẵng, thành lập ngay sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975) với sứ mệnh là đào tạo lực lượng kỹ sư kịp thời phục vụ công cuộc công nghiệp hóa ngay sau ngày thống nhất đất nước.

Lễ khai giảng Khóa I (29/03/1976) diễn ra đúng vào lễ kỷ niệm một năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng với 329 sinh viên trúng tuyển. Trước đó bốn tháng hệ dự bị đã nhập học với 300 học sinh. Cơ cấu tổ chức lúc bấy giờ có 5 khoa và 7 bộ môn trực thuộc, 108 cán bộ, giảng viên. Điều kiện cơ sở vật chất rất thiếu thốn, các thầy cô phải tận dụng linh kiện, máy móc còn lại sau chiến tranh để phục vụ dạy học. 

Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Trường ĐH Bách khoa ngày nay có cơ cấu tổ chức và quy mô đào tạo bậc nhất miền Trung - Tây Nguyên với 14 khoa, 8 phòng và 12 trung tâm nghiên cứu, đào tạo; đào tạo 16 chuyên ngành tiến sĩ, 17 chuyên ngành thạc sĩ, 31 chuyên ngành kỹ sư, cử nhân, kiến trúc sư về kỹ thuật và công nghệ với quy mô gần 15.000 sinh viên.

Ông Lê Trung Chinh - Phó Bí thư Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - thừa lệnh Chủ tịch nước trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đến Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng
Ông Lê Trung Chinh - Phó Bí thư Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - thừa lệnh Chủ tịch nước trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đến Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng

Mỗi năm, sinh viên ra trường đã cung ứng nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tính đến năm 2020, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế của Nhà trường là 555 người, trong đó có 348 cán bộ giảng dạy. Cán bộ giảng dạy nữ chiếm xấp xỉ 25%. Số giảng viên có trình độ tiến sĩ và tiến sĩ khoa học là 215 người, chiếm tỷ lệ 61,89%, thuộc vào số ít những trường có tỷ lệ tiến sĩ cao nhất cả nước.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Nhà trường luôn thể hiện vai trò đi đầu trong hoạt động đổi mới chất lượng giáo dục, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, cải tiến chương trình đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên môn sát với thực tế, trang bị kỹ năng ngoại ngữ và các kỹ năng khác như tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và năng lực sáng tạo của người học. Nhà trường đã từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm khơi dậy năng lực nghiên cứu cho sinh viên, biến ý tưởng thành sản phẩm khởi nghiệp, đồng thời duy trì văn hóa nghiên cứu khoa học trong giảng đường để cung cấp cho sinh viên môi trường học tập tốt nhất và có tính chuyên nghiệp cao”.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã đạt chứng nhận kiểm định quốc tế cơ sở giáo dục đại học HCERES, chứng nhận đạt tiêu chuẩn CTI của Tổ chức ủy ban Bằng kỹ sư Pháp cấp cho các chương trình đào tạo PFIEV và 9 chương trình đạt chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động từ năm 2009 đến năm 2019, cùng những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước, Nhà trường vinh dự đón nhận Danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới do Chủ tịch nước trao tặng. Ngoài ra, ĐH Đà Nẵng đã khen thưởng cho các tập thể và cá nhân nhân dịp kỷ niệm 45 năm vì những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của Nhà trường nói riêng và ĐH Đà Nẵng nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...