Cụ thể, để trở thành giảng viên ĐH cần có phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Có bằng thạc sĩ trở lên đối với giảng viên giảng dạy các môn lý thuyết của chương trình đào tạo đại học; có bằng tiến sĩ đối với giảng viên giảng dạy và hướng dẫn chuyên đề, luận văn, luận án trong các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu công việc. Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp. Lý lịch bản thân rõ ràng.
Theo quy định cũ (Quyết định 153/2003/QĐ-TTg), tiêu chuẩn của giảng viên được quy định tại Điều 61 Luật Giáo dục. Theo đó, ngoài các điều kiện về phẩm chất, đạo đức, tư tưởng, sức khỏe, lý lịch thì Luật Giáo dục chỉ quy định chung rằng "Giảng viên phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ".
Cũng theo quy định mới, Trường đại học ưu tiên tuyển chọn những người có bằng tốt nghiệp đại học từ loại khá trở lên, người đã có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có phẩm chất tốt và có nguyện vọng trở thành giảng viên để bổ sung vào đội ngũ giảng viên của trường.
Điều lệ nhấn mạnh, trường ĐH lập kế hoạch và có giải pháp tích cực tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng các quy định trên.
Bên cạnh giảng viên, Điều lệ cũng quy định cụ thể về trợ giảng trong trường ĐH. Theo đó, trợ giảng là người giúp việc cho giảng viên trong việc chuẩn bị bài giảng, phụ đạo, hướng dẫn bài tập, thảo luận, thí nghiệm, thực hành và chấm bài. Giảng viên đang tập sự, các nghiên cứu sinh, học viên cao học đang học tập, nghiên cứu ở các bộ môn và sinh viên giỏi năm cuối khóa, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn thuộc các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, kinh doanh, dịch vụ trong và ngoài nhà trường có thể tham gia trợ giảng.
Việc quyết định trợ giảng, nhiệm vụ, quyền và chế độ phụ cấp của trợ giảng được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động nhà trường.
Hiếu Nguyễn