4 hạng chức danh giảng viên
Theo Thông tư 40, chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm: Giảng viên cao cấp (hạng I) - mã số: V.07.01.01; giảng viên chính (hạng II) - mã số: V.07.01.02; giảng viên (hạng III) - mã số: V.07.01.03; trợ giảng (hạng III) - Mã số: V.07.01.23.
Bên cạnh quy định chung về tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, mỗi hạng có quy định riêng về nhiệm vụ; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong đó, về trình độ đào tạo chức danh trợ giảng được yêu cầu có bằng đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy. Giảng viên và giảng viên chính phải có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy. Giảng viên cao cấp có bằng tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy. Các chức danh từ giảng viên đến giảng viên cao cấp còn được yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên theo hạng. Không yêu cầu trình độ ngoại ngữ và tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.
Về năng lực chuyên môn nghiệp vụ có đưa ra cụ thể yêu cầu về nghiên cứu khoa học. Theo đó, giảng viên cần có khả năng nghiên cứu khoa học; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào giảng dạy và các công việc được giao;
Giảng viên chính phải chủ trì thực hiện ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên; chủ trì hoặc tham gia biên soạn ít nhất 1 sách phục vụ đào tạo, được hội đồng khoa học thẩm định, nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên phù hợp với ngành, chuyên ngành giảng dạy hoặc đào tạo của giảng viên và có mã số chuẩn quốc tế ISBN; tác giả của ít nhất 3 bài báo khoa học là công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN…
Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03 lên chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02 phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03 hoặc tương đương tối thiểu đủ 9 năm đối với người có bằng thạc sĩ, đủ 6 năm đối với người có bằng tiến sĩ; trong đó phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03 tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Giảng viên cao cấp chủ trì thực hiện ít nhất 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên. Hướng dẫn ít nhất 2 học viên được cấp bằng thạc sĩ hoặc hướng dẫn chính hoặc phụ ít nhất 1 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ. Với giảng viên giảng dạy các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe, hướng dẫn 1 học viên bảo vệ thành công luận văn chuyên khoa hoặc bác sĩ nội trú được tính như hướng dẫn 1 học viên được cấp bằng thạc sĩ. Giảng viên giảng dạy các ngành nghệ thuật có thể thay thế việc hướng dẫn chính hoặc phụ 1 nghiên cứu sinh bằng 1 công trình nghiên cứu, sáng tác được giải thưởng có uy tín trong và ngoài nước.
Giảng viên cao cấp cũng phải chủ trì biên soạn ít nhất 1 sách phục vụ đào tạo, được hội đồng khoa học thẩm định, nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên phù hợp với ngành, chuyên ngành giảng dạy hoặc đào tạo của giảng viên và có mã số chuẩn quốc tế ISBN; tác giả của ít nhất 6 bài báo khoa học là công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN…
Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02 lên chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01 phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02 hoặc tương đương tối thiểu đủ 6 năm; trong đó phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng II), mã số V.07.01.02 tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Quy định xếp lương theo chức danh nghề nghiệp
Theo Thông tư 40, việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức và theo quy định của pháp luật.
Không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trừ trường hợp viên chức giảng dạy được công nhận hoặc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định của luật chuyên ngành.
Viên chức được cơ sở giáo dục đại học công lập tuyển dụng theo quy định của pháp luật; đã thực hiện quy định về chế độ tập sự đối với viên chức và được thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học đánh giá đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.
Viên chức được thay đổi chức danh nghề nghiệp theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn.
Về cách xếp lương: Các chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;
Chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
Chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), trợ giảng (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Việc xếp lương chức danh nghề nghiệp thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp quy định tại Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 12/12/2020. Yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Việc bổ nhiệm và xếp lương của viên chức giảng dạy có chức danh phó giáo sư, giáo sư được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 117/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Viên chức giữ chức danh trợ giảng (hạng III), mã số V.07.01.23 nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03 quy định tại Điều 5 của Thông tư này thì căn cứ vào vị trí việc làm, yêu cầu nhiệm vụ, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học xem xét và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03.