Quy định mới lần đầu tiên được dự thảo
Ông Phạm Hùng Anh – Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) – đơn vị chủ trì soạn thảo cho biết: Để sử dụng có hiệu quả diện tích, ngân sách nhà nước đối với trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, cơ sở hoạt động sự nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017).
Theo đó Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 152/2017/NĐ-CP.
Quy định này áp dụng đối với các đơn vị công lập gồm: ĐH, học viện, trường ĐH, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trường CĐ sư phạm, trường trung cấp sư phạm, trường CĐ có nhóm ngành đào tạo giáo viên và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây là lần đầu tiên có quy định về nội dung này.
Theo dự thảo, mỗi cơ sở đào tạo có tối thiểu 1 hội trường với quy mô từ 250 chỗ trở lên; có tối thiểu 1 giảng đường quy mô từ 200 chỗ trở lên; có tối thiểu các giảng đường với quy mô từ 100 chỗ trở lên. Phòng học thông thường dưới 100 chỗ đảm bảo số phòng học đáp ứng quy mô đào tạo của cơ sở đào tạo. Đảm bảo số phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành đáp ứng quy mô, chuyên ngành đào tạo của cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, mỗi cơ sở đào tạo có tối thiểu 1 thư viện; có khu hoạt động thể chất; có tối thiểu 1 nhà thể thao đa năng với kích thước tối thiểu 42m x 24m x 12,5m; có tối thiểu 1 khu dịch vụ tổng hợp; có tối thiểu 1 trạm y tế, với tổng diện tích chuyên dùng là 300 m2 và có tối thiểu 1 nhà để xe.
Với diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên, dự thảo quy định: Mỗi giáo sư cần có diện tích 24 m2; mỗi phó giáo sư cần có diện tích làm việc 18 m2; mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10 m2. Mỗi 20 phòng học cần có 1 phòng nghỉ cho giảng viên. Diện tích chuyên dùng là 3 m2/giảng viên, với diện tích không nhỏ hơn 24 m2/phòng.
Quy định để làm căn cứ lập kế hoạch, dự toán ngân sách
Mấu chốt những băn khoăn của dư luận khi dự thảo Thông tư công bố chính bởi việc hiểu những quy định nói trên là bắt buộc phải có đối với các cơ sở giáo dục.
Trong khi đó, ông Phạm Hùng Anh cho rằng: Đây không phải điều kiện về cơ sở vật chất các trường bắt buộc phải thực hiện, mà nhằm mục tiêu hạn chế việc sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất trường học vượt quá khả năng nhà trường sử dụng đến.
Lý giải cụ thể hơn, theo ông Phạm Hùng Anh, các cơ sở đào tạo căn cứ quy định tại Thông tư này, xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng, xin ý kiến cơ quan cấp trên trực tiếp trước khi ban hành. Trường hợp nhà trường muốn mở rộng cơ sở vật chất, nhà nước sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng của nhà trường đã được phê duyệt; nếu còn thiếu diện tích thì mới xem xét để đầu tư tiếp, nhưng nếu không thiếu thì dừng đầu tư.
Thông tư này chỉ có tác động khi các trường muốn lập dự án đầu tư. Việc đầu tiên họ xem đầu tư của trường về tiêu chuẩn định mức sử dụng đang ở mức thiếu hay thừa, nếu thiếu thì cho dầu tư, nếu ở mức thừa thì dừng lại.
Như vậy, Thông tư chỉ có tác động khi các trường muốn lập dự án đầu tư. Với quy định này sẽ chống lãng phí, chống các trường xây vượt quy định; là căn cứ, định hướng cho phát triển trong tương lai của trường đại học và chỉ áp dụng với trường sử dụng ngân sách nhà nước. Nhưng đây chỉ là một điều kiện, điều kiện tiếp theo là phải có kinh phí, phải phụ thuộc vào ngân sách. Hướng tới các trường dần đạt các điều kiện chuẩn mực về cơ sở vật chất.
“Nếu dự thảo không xác định mỗi giáo sư cần có diện tích 24 m2; mỗi phó giáo sư cần có diện tích làm việc 18 m2; mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10 m2… thì khi trường muốn lập dự án đầu tư, trong dự án đó muốn có diện tích cho các giáo sư, giảng viên có nơi làm việc như trên thì chắc chắn sẽ không được phê duyệt. Bên cạnh đó, việc quy định diện tích làm việc cho giáo sư, phó giáo sư, giảng viên là cần thiết; bởi ngoài việc lên lớp, họ còn cần không gian nghiên cứu, làm việc với sinh viên; không phải chỉ đến trường dạy hết tiết rồi về.
Trong một trường đại học, ngoài các giảng viên (GS, PGS, GVC) còn có các chức danh khác như lãnh đạo, quản lý, nhân viên văn phòng, hành chính,…Tuy nhiên, trong dự thảo thông tư không quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích cho các chức danh lãnh đạo, quản lý, nhân viên văn phòng, hành chính của nhà trường vì các chức danh này đã được quy định chi tiết tại Nghị định 152, dự thảo thông tư chỉ quy định cho các chức danh khoa học của nhà trường.
Hoặc có trường muốn trình lên cơ quan có thẩm quyền về việc mong muốn sử dụng cơ sở vật chất của trường để liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào diện tích chuyên dùng của nhà trường, nếu có dư thừa theo tiêu chuẩn định mức đã công bố thì mới cho phép; trường hợp diện tích chuyên dùng của trường đó chưa đủ phục vụ dạy học thì sẽ không được phép”. - ông Phạm Hùng Anh nói rõ thêm.
Công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT là các hạng mục công trình trong các cơ sở đào tạo, bao gồm: Các phòng học, giảng đường; các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành; thư viện (hoặc trung tâm học liệu); các phòng làm việc cho giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên; khu hoạt động thể chất (nhà thi đấu thể thao, nhà tập thể thao, sân tập thể thao trong nhà, sân tập thể thao ngoài trời và bể bơi); ký túc xá; khu dịch vụ tổng hợp (nhà ăn, căn tin, tạp hóa); trạm y tế; nhà để xe; phòng nghỉ cho giảng viên. Các diện tích còn lại đã quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP.
Diện tích chuyên dùng là diện tích sàn tính theo kích thước thông thủy (không tính diện tích hành lang, cầu thang, sảnh, ban công, chân tường, cột, hộp kỹ thuật) thuộc các hạng mục công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT.