Kiên cố hóa trường, lớp
Theo ông Phạm Hùng Anh, ngay từ đầu những năm 2000, khi thống kê thực trạng cơ sở vật chất trường học cho thấy, có nhà học, phòng học tranh tre nứa lá, phòng học bán kiên cố xuống cấp nghiêm trọng. Những phòng học này thường được xây dựng từ năm 1960, 1970, gây nguy hiểm cho học sinh và khó khăn cho quá trình dạy học.
Khắc phục tình trạng này, Bộ đã tham mưu với Chính phủ có những chương trình kiên cố hóa trường học, như chương trình kiên cố hóa trường học giai đoạn 2008 -2012, giai đoạn 2014 - 2015 và gần đây nhất là giai đoạn 2017 - 2020. Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2020, mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học đối với GD mầm non là: Đầu tư xây dựng 4.300 phòng học thay thế các phòng học tạm thời. Ngoài ra, xây dựng bổ sung hơn 4.300 phòng học; trên 3.000 phòng GD thể chất, GD nghệ thuật và trên 1.200 nhà bếp, nhà kho.
Còn đối với GD tiểu học, mục tiêu sẽ đầu tư xây dựng 5.900 phòng học tiểu học thay thế các phòng học tạm thời, bao gồm: Phòng học tranh tre, nứa lá, đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, cần xây dựng lại; phòng học nhờ, mượn, thuê tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, xây dựng bổ sung: 6.000 phòng học; trên 7.700 phòng chức năng như: GD thể chất, GD nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị GD, hỗ trợ GD khuyết tật học hòa nhập và hơn 3.400 phòng thư viện.
Đối với GD THCS và THPT, mục tiêu sẽ xây dựng bổ sung hơn 5.600 phòng học bộ môn, trên 1.400 phòng chuẩn bị và 790 phòng thư viện cấp THCS; hơn 1.500 phòng học bộ môn, 340 phòng chuẩn bị và 530 phòng thư viện cấp THPT.
Không đưa trường, lớp xuống cấp vào sử dụng
Cũng theo ông Phạm Hùng Anh, Chính phủ dành một phần trái phiếu Chính phủ để xóa bỏ những phòng học tạm, tranh tre nứa lá. Đây là một trong những chủ trương được người dân ủng hộ, bởi chương trình đầu tư xong là nhìn thấy ngay hiệu quả và tác dụng xã hội của nó.
Trước khi thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, giai đoạn 2008 – 2012, tỷ lệ kiên cố hóa trung bình trên cả nước khoảng 60%. Nhưng sau khi chúng ta thực hiện khoảng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ này lên đến 75 - 80%. Bộ GD&ĐT tiếp tục tham mưu với Chính phủ, dành một phần kinh phí từ trái phiếu Chính phủ để tiếp tục xóa bỏ phòng học tạm, phòng học tranh tre nứa lá cho các địa phương, đặc biệt là những vùng khó khăn. Đối với với GD mầm non, phổ thông, đầu tư về cơ sở vật chất, bảo đảm yêu cầu của GD thuộc về trách nhiệm của địa phương; địa phương phải bố trí ngân sách để bảo đảm việc này.
Còn phía Bộ GD&ĐT sẽ làm hai việc chính: Thứ nhất là ban hành những quy định, quy chuẩn về lĩnh vực cơ sở vật chất, trang thiết bị. Thứ hai, Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ, Quốc hội để ban hành chính sách hỗ trợ các địa phương khó khăn. Ngoài ra, tham mưu để ban hành một số chính sách như: Chương trình mục tiêu phát triển GD miền núi, lồng ghép chương trình GD đào tạo trong chương trình xây dựng nông thôn mới, hay một số dự án ODA để hỗ trợ các vùng khó khăn.
“Có một thực tế, khi đơn vị trường học phát hiện sự xuống cấp và báo cáo nhưng một số công trình chậm xử lý dẫn đến tai nạn là do địa phương thiếu kinh phí nên việc bảo trì, bảo dưỡng còn chậm. Điều này, các cấp lãnh đạo địa phương cần phải biết” - ông Phạm Hùng Anh nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Về thiết bị dạy học, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1.
Thiết bị lớp 1 so với danh mục cũ, cơ bản là sự kế thừa. Trong đó, có bổ sung thêm thiết bị giảng dạy về giới tính, chống xâm hại, dạy về an toàn giao thông. Thiết bị dạy học mới, chú trọng tính ứng dụng, sử dụng được nhiều lần và địa phương có thể căn cứ vào danh mục đó để mua sắm bổ sung. Như vậy, việc chỉ đạo cho năm học mới Bộ đã làm đầy đủ, các địa phương đang trong quá trình thực hiện.