Giảng dạy giống như trồng cây non: Chăm sóc đúng đắn mới tạo ra quả ngọt cho đời

GD&TĐ - Xác định nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai nhiệm vụ song hành, quan trọng của giảng viên, TS Nguyễn Văn Tuyên, Phó trưởng khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã hướng dẫn các sinh viên giỏi, tổ chức tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai các kết quả nghiên cứu vào giảng dạy ở bậc Đại học...

TS Nguyễn Văn Tuyên, Phó trưởng khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
TS Nguyễn Văn Tuyên, Phó trưởng khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Ông cũng chính là tấm gương điển hình trong Đại hội Thi đua yêu nước Ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020.

Tình yêu bất tận với nghề giáo

15 năm gắn bó với công tác giảng dạy, cũng là ngần ấy năm nỗ lực đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, đặc biệt, trong 5 năm gần đây, TS Nguyễn Văn Tuyên đã có 16 bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế trong danh mục ISI/SCOPUS. Đồng thời, TS Nguyễn Văn Tuyên cũng tham gia nhiều báo cáo tại các hội thảo khoa học trong và ngoài nước, nhiều năm liền đạt giải thưởng công trình Toán học và giấy khen vì đã chỉ đạo đội tuyển Olympic Toán đạt thành tích cao trong kỳ thi Olympic Toán sinh viên và học sinh toàn quốc,…

Giảng dạy giống như trồng cây non: Chăm sóc đúng đắn mới tạo ra quả ngọt cho đời ảnh 1

Nếu để liệt kê các thành tích thì rất nhiều, nhưng đối với TS Nguyễn Văn Tuyên, đó chỉ là minh chứng cho tình yêu bất tận với nghề giáo, về con đường mà mình đã lựa chọn. Cũng từ đó, ông đã truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên của mình không chỉ là bài học về Toán giải tích, mà còn là sự tự tin về kiến thức khoa học của người đứng lớp.

Bởi, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là một trong những “cái nôi” đào tạo ra những thầy cô giáo trong tương lai, là những người sẽ cất bước đi khắp mọi miền tổ quốc để tham gia vào sự nghiệp trồng người vĩ đại.

Có hàng trăm, hàng nghìn sinh viên đã tốt nghiệp, nhiều năm qua TS Nguyễn Văn Tuyên cũng có không ít những kỉ niệm sâu sắc trong quá trình đào tạo, nhưng ấn tượng nhất có lẽ là một cậu sinh viên…bằng tuổi thầy.

“Ở trường công tác được 4 năm, lớp tôi dạy có một cậu sinh viên bằng tuổi tôi từ một tỉnh miền núi xuống trường học ngành Sư phạm Toán theo diện đào tạo theo địa chỉ. Với những thiếu hụt về kiến thức cơ bản cộng với bản tính ham chơi nên việc học hết Đại học đối với cậu ấy là rất khó khăn. Sau 6 năm cậu ấy cũng “lê lết” tốt nghiệp được đại học. Một việc giống như bước ngoặt trong cuộc đời cậu sinh viên ấy là việc xin được giảng dạy ở một trường cao đẳng ở Hà Nội.

Hoang, mang, lo lắng vì không đủ tự tin để đi dạy với các kiến thức về toán cao cấp chắp vá của mình thời đại học, tôi đã động viên và đồng ý sẽ dạy cậu ấy một tuần 2 đến 3 buổi để bổ túc lại các kiến thức này và góp ý về giáo án cho cậu ấy. Vậy là hàng tuần, cậu ấy từ Hà Nội lên Xuân Hòa (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) nghe tôi dạy, soạn giáo án. Sáng hôm sau lại về Hà Nội sớm để dạy học. Việc đó kéo dài gần một năm. Sau khi vượt qua được giai đoạn đầu, cậu ấy đã tự tin có thể tự học để phục vụ việc giảng dạy.

Đến nay, cậu ấy đã là tổ trưởng chuyên môn, có kiến thức vững vàng và được các đồng nghiệp tôn trọng. Tôi vẫn hay mang câu chuyện này chia sẻ với các sinh viên. Tôi tin rằng, mọi người đều có khả năng tự học để hoàn thiện bản thân miễn là ta có động lực và có đủ tự tin vào chính mình” – TS Nguyễn Văn Tuyên nhớ lại.

Chăm sóc đúng đắn mới tạo ra quả ngọt cho đời  

Cũng từ câu chuyện này, TS Nguyễn Văn Tuyên luôn chú trọng đến công tác đào tạo ở trường, bởi ông hiểu được việc này có tầm quan trọng đối với ngành Giáo dục. Ông cho rằng: “Để làm tốt công tác giảng dạy trước hết các giảng viên phải có kiến thức sâu rộng đối với các học phần mà mình đảm nhiệm, nắm bắt và hiểu rõ các phương pháp và kỹ năng dạy học hiện đại.

Tuy nhiên, việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học lại không phải là hai nhiệm vụ độc lập của một người giảng viên. Nếu không có nghiên cứu khoa học, thì giảng viên khó có thể khơi gợi cũng như truyền được cảm hứng cho sinh viên. Ngược lại, việc giảng dạy lại tiếp lửa và tạo đam mê nghiên cứu cho giảng viên”

TS Nguyễn Văn Tuyên đã có rất nhiều bài báo khoa học quốc tế
TS Nguyễn Văn Tuyên đã có rất nhiều bài báo khoa học quốc tế

Xác định nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai nhiệm vụ song hành, quan trọng của giảng viên, TS Nguyễn Văn Tuyên đã tham gia hướng dẫn các sinh viên giỏi, tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai các kết quả nghiên cứu vào giảng dạy ở bậc Đại học.

Ngoài ra, ông còn tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu khoa học quốc tế nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên và giảng viên trẻ trong đơn vị phát triển năng lực nghiên cứu khoa học. Điều đó đã góp một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng đào tạo sinh viên ngành sư phạm Toán tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

TS Nguyễn Văn Tuyên cho rằng, giáo viên cần biết khơi gợi đam mê, khích lệ học trò của mình tích cực học tập và nghiên cứu khoa học.
TS Nguyễn Văn Tuyên cho rằng, giáo viên cần biết khơi gợi đam mê, khích lệ học trò của mình tích cực học tập và nghiên cứu khoa học.

TS Nguyễn Văn Tuyên cũng nhắn nhủ tới các sinh viên của mình, những người sẽ tiếp tục sự nghiệp trồng người, cũng như những người làm công tác giáo dục “Trong quá trình giảng dạy, chúng ta cần có niềm tin, cần biết cách khơi gợi đam mê cũng như khích lệ các học trò của mình. Không có học sinh nào yếu kém đến mức không thể giáo dục được.

Việc giảng dạy cũng giống như việc chăm sóc một cây non. Nếu ta quá cứng rắn hoặc nuông chiều, cái cây có thể sẽ hư hoặc không mọc theo lề lối. Chỉ có tình yêu thương, lòng vị tha và cách chăm sóc đúng đắn mới tạo ra quả ngọt cho đời”.   

Hàng loạt những thành tích khi còn là sinh viên, lại là Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc, để rồi, khi tham gia giảng dạy, trở thành tấm gương điển hình trong Đại hội Thi đua Yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII, TS Nguyễn Văn Tuyên không giấu được cảm xúc của người thầy nhiều năm liền “đứng lớp”:

“Tôi rất tự hào và xúc động khi được lựa chọn là một trong những tấm gương điển hình của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần này. Đây là một sự quan tâm và động viên rất lớn của Nhà Trường cũng như của Ngành Giáo dục đối với tôi sau 15 năm gắn bó với công tác giảng dạy.

Tôi cũng xin chia sẻ niềm vui này với các đồng nghiệp của mình, đặc biệt là các giáo viên ở vùng cao, những người vẫn đang hàng ngày cố gắng để nuôi dưỡng ước mơ được học hành của các học sinh vùng dân tộc thiểu số. Họ cũng là những người rất xứng đáng được tôn vinh trong Đại hội này”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ