(GD&TĐ)-Dù là nội dung vô cùng cần thiết, có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành thế giới quan và nhân cách cho sinh viên, nhưng không nhiều sinh viên hiện nay hào hứng với việc học Giáo dục chính trị. Thực trạng này cho thấy, việc đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học các môn lý luận chính trị là vô cùng cần thiết.
Ảnh MH |
Hầu hết các sinh viên khi được hỏi vì sao không thích học các môn lý luận chính trị đều có chung câu trả lời: vì khô khan, khó, kém hấp dẫn. Với những người trực tiếp giảng dạy, lý do được đưa ra là việc giảng dạy môn học này hiện chưa thấy rõ được mối liên hệ cũng sự ý nghĩa sống động của môn học đối với đối tượng sinh viên khác nhau về chuyên ngành đào tạo và trình độ tiếp thu; thời lượng chương trình cũng hầu giống nhau ở các trường thể hiện sự áp dụng thiếu tính linh hoạt cụ thể và chưa xuất phát từ yêu cầu khách quan đối với các đối tượng sinh viên khác nhau.
Không chỉ các sinh viên, thái độ của giảng viên đối với các môn học này cũng đáng bàn. Theo khảo sát của Trường ĐHSP Hà Nội trên 100 giảng viên tại 5 trường ĐH về nội dung chương trình các môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có đến 75% cho rằng nội dung của các môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh còn khô khan, trừu tượng, thiếu tính thực tiễn, nặng nề, chưa phù hợp với các đối tượng sinh viên. Chỉ có 20% giảng viên cho rằng nội dung chương trình đó là khá phù hợp và một tỉ lệ rất nhỏ (5%) số giảng viên được hỏi hài lòng với nội dung chương trình hiện nay.
Tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và giảng dạy khoa học xã hội ở các trường đại học sư phạm trong quá trình hội nhập quốc tế”, PGS.TS. Nguyễn Văn Cư - Khoa Giáo dục chính trị - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong giảng dạy giáo dục chính trị trong các trường ĐH hiện nay. PGS.TS. Nguyễn Văn Cư cho rằng, nội dung giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh ở nhiều trường ĐH, CĐ ít sát thực tiễn, nặng tính sách vở, chậm được đổi mới, chưa tạo được sự hấp dẫn. Nhiều nội dung trong các giáo trình còn trùng lặp, chưa cô đọng, thiếu tính lô gích giữa các phần, các thí dụ minh họa chưa có tính thuyết phục cao. Sự trình bày các nội dung nhất là trong môn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin chưa thể hiện được tính thống nhất và tính lôgíc giữa các nội dung kiến thức…
Bên cạnh đó, hiện nay, do bố trí lại các môn học, giảng viên được đào tạo chuyên ban triết học phải đảm nhận giảng dạy cả phần Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; giảng viên được đào tạo chuyên ban Kinh tế chính trị phải đảm nhận giảng dạy cả phần Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học… Điều này đã gây nên tâm lý lo lắng ở các giảng viên và chắc chắn chất lượng giảng dạy những năm đầu sẽ không cao.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Cư, có những vấn đề bức xúc đặt ra yêu cầu phải thay đổi, mà thay đổi trước tiên là từ nội dung chương trình môn học, đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, tính cơ bản, tính thực tiễn, tính hiện đại. Ngay cả hướng có giáo trình riêng của bộ môn này cho mỗi trường cũng là một hướng có thể xem xét trong tương lai.
Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Văn Cư cũng nhấn mạnh, việc đổi mới và triển khai giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các trường ĐH, CĐ cần được tiến hành từng bước, có sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo.
Hiếu Nguyễn