Gian nan tìm nơi giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi

GD&TĐ - Đó là nỗi lo lắng của nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ, bởi hầu hết các trường mầm non thường từ chối nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi. Và để có thời gian đi làm, các bậc phụ huynh thường phải tìm đến các cơ sở trông giữ trẻ tư (hộ gia đình) để gửi con.

Học sinh Trường mầm non xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Học sinh Trường mầm non xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Trường từ chối nhận

Theo khảo sát của phóng viên trên địa bàn Thanh Hóa, phần lớn các trường mầm non nhận trẻ từ 18 tháng tuổi, chỉ có một số trường dân lập nhận trẻ từ 12 tháng tuổi.

Chị Nguyễn Thị Quyên ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa cho biết: Hai vợ chồng chị quê ở huyện Hoằng Hóa lên thành phố làm việc và sinh sống tại đây.

Ông bà 2 bên nội ngoại đều ở quê, lại neo người nên khi chị sinh bé đầu, bà nội và bà ngoại chỉ thay nhau lên trông cháu được đến tháng thứ 6. Điều kiện kinh tế của hai vợ chồng vô cùng khó khăn nhưng vợ chồng chị vẫn phải tìm thuê người trông con với mức lương 4 triệu đồng/1 tháng.

Khi bé được 12 tháng tuổi chị đã đến các trường mầm non cả công lập để hỏi và xin cho con đi học. Tuy nhiên, chị Quyên đều được các cô giáo trả lời là bé còn nhỏ tuổi quá, nhà trường không nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi.

Đến khi chị Quyên sinh bé thứ 2 cũng gian nan không kém. Không thể tìm được nơi tin tưởng để gửi con chị đành phải ở nhà trông con đến khi bé được 11 tháng tuổi. Sau đó, chị phải đưa con đến gửi tại một cơ sở giữ trẻ của một gia đình gần nhà để đi làm.

Còn chị Nguyễn Thị Lam, ở phường Đông Cương, TP Thanh Hóa vừa sinh bé được hơn 3 tháng tuổi cũng đang lo lắng không biết sau khi hết thời gian nghỉ sinh sẽ gửi con ở đâu để đi làm. Chị Lam tâm sự: Gia đình hai bên nội ngoại của vợ chồng tôi đều ở xa, điều kiện khó khăn, không thể lên trông giúp cháu được.

Sắp tới tôi phải đi làm, không biết sẽ gửi con ở đâu. Ở các trường mầm non thì phải 18 tháng tuổi nhà trường mới nhận, các cơ sở mầm non tư nhân (theo hộ gia đình mở ra) thì không được yên tâm.

Khi hỏi về quy định trông giữ trẻ từ 3-6 tháng tuổi, chị Lam chia sẻ: Nhu cầu của các bà mẹ trông trẻ dưới 6 tháng có thể không nhiều vì hiện nay theo quy định lao động nữ được nghỉ sinh 6 tháng. Nhưng nhu cầu gửi trẻ bắt đầu từ 6 tháng tuổi là có.

“Tôi nghĩ cần có quy định cho các trường công lập nhận chăm sóc trẻ từ nhỏ để tạo điều kiện cho các bà mẹ đi làm. Bởi trên thực tế không phải gia đình nào cũng có ông, bà trông giúp con để đi làm hoặc có điều kiện để thuê người trông con ở nhà”- Chị Lam nói.

Cần đảm bảo cơ sỏ vật chất, nhân lực

Thực tế, có rất nhều bà mẹ có nhu cầu gửi con nhỏ. Tuy nhiên, để thực hiện quy định nhận trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi trong các trường mầm non cần phải đảm bảo về nhiều mặt, như: cơ sở vật chất, giáo viên…

Chị Lê Thị Hà, ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa cũng chia sẻ: Tôi rất muốn gửi con đến trường mầm non để yên tâm đi làm, tuy nhiên việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ lứa tuổi này rất phức tạp và dễ gặp rủi ro. Vì vậy, nhà trường phải đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực.

Đặc biệt là lực lượng giáo viên trông giữ và chăm sóc lứa tuổi này. Một giáo viên chỉ có thể chăm sóc được một đến hai trẻ. Giáo viên ngoài yêu cầu có kinh nghiệm thì điều quan trọng hơn là phải thật sự yêu trẻ, tỉ mỉ, cẩn thận, tận tâm và phải có sức khỏe để ẵm bồng các cháu; có các kỹ năng xử lý các tình huống…

Bà Trương Thị Hạnh – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Thanh Hóa chưa có trường mầm non nào thực hiện nhận trẻ từ 3-6 tháng tuổi.

Nếu Bộ GD&ĐT đưa quy định nhận trông trẻ lứa tuổi này vào trường mầm non cần phải xem xét đến điều kiện cơ sở vật chất và số lượng giáo viên, chế độ cho giáo viên.

Để đảm bảo chất lượng chăm sóc nhóm trẻ này, một giáo viên chỉ chăm được một đến hai trẻ. Như vậy sẽ cần số lượng lớn giáo viên, trong khi đó tại Thanh Hóa vẫn đang thiếu số lượng lớn giáo viên mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ